Sự việc xảy ra với cô Lee sống tại phố Tây An, Trung Quốc mới đây. Cô Lee cho biết, số quýt bất thường này được mua tại vườn cây ăn trái, gần chợ nông sản ở thành phố Tây An. Đây là nơi cô thường xuyên đến mua hoa quả.
Tuy nhiên, những quả quýt cô mua lần này không được bình thường như những lần trước. Bởi khi sờ vào vỏ quýt, cô có cảm giác dính dính ở tay. Cô đem quýt rửa với nước sạch thì bàng hoàng phát hiện nước rửa quýt biến thành màu hồng, trên bề mặt nước có váng.
Sự việc được báo đến cơ quan chức năng. Sáng ngày 21/12, phóng viên China Daily đã đến nhà cô Lee và tận mắt chứng kiến nước rửa quýt biến thành màu hồng, bên trên bề mặt nước vẫn còn xuất hiện các tạp chất.
Sau khi rửa quýt người phụ nữ phát hiện sự thật kinh hoàng.
Cô Lee cho biết: "Ban đầu tôi sờ thấy vỏ quýt có vẻ dinh dính. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là rửa sạch vỏ quýt lại để ăn nhưng thật bất ngờ khi nước rửa chuyển sang màu hồng. Thậm chí, các túi nilong trắng đựng quýt cũng bị nhuộm thành màu hồng".
Để chứng minh cho điều này, cô Lee lấy một số quả quýt còn lại, rửa vào 7, 8 bát nước và tất cả đều biến thành màu hồng. Thậm chí, khi dùng khăn giấy để lau khô vỏ quýt bên ngoài, khăn giấy cũng được nhuộm thành màu hồng.
“Dù những quả quýt này đã được rửa rất sạch nhưng gia đình tôi không một ai dám ăn”, cô Lee cho biết.
Để được có câu trả lời cho việc nước rửa quýt biến thành màu hồng, cô Lee và phóng viên đã đi đến nơi mà cô Lee mua quýt để tìm hiểu. Người bán hàng cho biết, ông làm vậy là để quýt trông tươi ngon, bắt mắt và sẽ bán được nhiều hơn. Ông khẳng định rằng tất cả quýt ở đây đều được "nhuộm" màu như thế.
Để kiểm chứng thông tin của người bán hàng này, phóng viên đã mua 8 mẫu quýt từ hai thị trường nông sản lớn ở Tây An và nhận ra rằng có một số mẫu quýt không bị nhuộm và có cả mẫu bị nhuộm hồng giống như trường hợp của cô Lee.
Trước đó, không ít trường hợp nhuộm màu hoa quả đã bị phát hiện. Cuối tháng 11/2010, trung tâm khách hàng ở chợ đầu mối hoa quả Giang Ninh thuộc TP Nam Kinh đã mang một số hoa quả thừa của khách hàng đi kiểm nghiệm. Kết quả cho thấy chất sáp dùng để tạo màu là loại sáp tạo màu bằng hoa quả và được phép sử dụng, như vậy không có hại cho sức khỏe.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia không đồng tình với ý kiến này. Ông Chương Vân Quý, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu hoa quả tươi và hoa quả đã qua chế biến (Viện Khoa học nông nghiệp TP Trùng Khánh), cho biết lời giải thích nêu trên không có căn cứ.
Ông Quý cho biết, sáp tạo màu hoa quả có các thành phần chủ yếu là nhựa cây và sáp carnauba. Hai loại sáp này đều thuần chất tự nhiên, có thể ăn được. Tuy nhiên, một số chủ hàng không có lương tâm đã sử dụng sáp công nghiệp và chất nhuộm màu.
Sáp công nghiệp có vị dầu đặc thù không tốt cho cơ thể, còn chất nhuộm màu có chất độc hại, nếu tích tụ trong cơ thể người có thể gây hại cho thận và gan. Ngoài ra, dù cam được nhuộm bằng chất tạo màu dùng trong chế biến thực phẩm, nếu bảo quản lâu ngày cũng sẽ biến chất, gây nguy hại cho sức khỏe. Trước đây, vụ việc cam Quảng Đông bị nhuộm được kiểm tra là có sử dụng hóa chất "Sudan". Đây là hóa chất có thể gây nên một số bệnh ung thư .
Theo quy định của Trung Quốc, nông sản chưa qua chế biến bị cấm tạo màu và chỉ có thể rửa sạch, đánh bóng ở mức độ nhất định. Nếu đánh bóng phải dùng sáp chuyên dùng cho hoa quả chứ không được sử dụng sáp công nghiệp vì các nguyên tố kim loại nặng trong sáp công nghiệp sẽ ngấm vào hoa quả. Hiện Trung Quốc vẫn chưa có tiêu chuẩn riêng về bôi sáp vào hoa quả và quy phạm về quá trình bôi sáp hoa quả.