Sau 6/9, nơi nào của Hà Nội có thể là vùng xanh, vùng đỏ, vùng cam?

GD&TĐ - Sau 6/9, Hà Nội sẽ thiết lập 3 vùng theo nguyên tắc phân vùng phù hợp; trên cơ sở phân vùng, “vùng đỏ” tiếp tục thực hiện siết chặt giãn cách "ai ở đâu ở đó”, các vùng khác áp dụng mức cao hơn Chỉ thị 15 (15+).

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thông báo số 480-TB/TU về kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố Hà Nội nêu rõ, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội thống nhất với đề xuất của Ban cán sự đảng UBND Thành phố Hà Nội, trong đó, thiết lập 3 vùng theo nguyên tắc phân vùng phù hợp với mức độ nguy cơ của dịch và đặc điểm địa lý - dân cư - sinh hoạt - sản xuất, theo hướng các vùng nội đô (khu vực mật độ dân cư cao, tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ), vùng phía Bắc Sông Hồng (tập trung các cơ sở sản xuất công nghiệp) và vùng phía Tây, phía Nam Thành phố (tập trung các khu vực sản xuất nông nghiệp).

Trên cơ sở phân vùng, đánh giá các khu vực có nguy cơ rất cao "vùng đỏ" để tiếp tục thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo mức cao hơn Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ với nguyên tắc "ai ở đâu ở đó” để khoanh vùng, truy vết, xử lý, dập dịch triệt để, tại các khu vực nguy cơ cao "vùng cam" và nguy cơ thấp hơn "vùng xanh" điều chỉnh các biện pháp ở mức cao hơn nguyên tắc Chỉ thị 15/CT-TTg (15+) của Thủ tướng Chính phủ để tổ chức phục hồi sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ các khu vực "vùng đỏ" bảo đảm khoa học, kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương.
 
Bí thư, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn được phép quyết định áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch ở mức cao hơn và chịu trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trước Thành phố. Đồng thời, tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận của nhân dân; giải thích, thuyết phục, hướng dẫn, yêu cầu các gia đình ký cam kết không ra khỏi nhà khi không thực sự cần thiết, "ai ở đâu thì ở đó".

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 phân chia các vùng thành 04 màu. Màu xanh tương ứng với vùng bình thường mới, màu vàng là vùng nguy cơ, màu cam là nguy cơ cao và màu đỏ là vùng nguy cơ rất cao.

Thế nào là "vùng xanh", "vùng đỏ", "vùng da cam" ở Hà Nội?

Trong Công điện 18 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành ngày 06/8/2021 đã nhắc đến các yêu cầu khi thiết lập các "vùng xanh", da cam, đỏ trên địa bàn Thành phố. 

Thế nào là "vùng xanh"?

"Vùng xanh" thực chất là các vùng an toàn, vùng không có dịch.

Bản đồ "vùng đỏ" (thực hiện mức cao hơn Chỉ thị 16 nguyên tắc "ai ở đâu thì ở đó", còn "vùng da cam", "vùng xanh" thực hiện ở mức cao hơn nguyên tắc Chỉ thị 15 (15+) sẽ sớm được TP Hà Nội công bố.
Dựa theo bản đồ thông tin dịch tễ Covid-19 TP Hà Nội có thể thấy "vùng xanh" là huyện Ba Vì, thị xã Sơn Tây, huyện Phúc Thọ, huyện Chương Mỹ.
"Vùng vàng" là huyện Mỹ Đức, huyện Ứng Hòa, huyện Thanh Oai,...
"Vùng da cam" là huyện Sóc Sơn, huyện Mê Linh, quận Long Biên, huyện Gia Lâm,...
"Vùng đỏ" gồm quận Hoàn Kiếm, quận Thanh Xuân, quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì, huyện Thường Tín, quận Hà Đông,...

Hiện nay, "vùng xanh" không chỉ có ở Hà Nội mà nhiều địa phương cũng đang triển khai, đặc biệt là địa phương đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Mỗi địa phương sẽ có những cách để khoanh vùng và bảo vệ khu vực "vùng xanh" khác nhau. "vùng xanh" có thể là một ngõ, một khu vực, một hẻm chưa có ca nhiễm Covid-19 nào, được lập chốt chặn và có thông báo ở đầu ngõ, hẻm…

Theo đó, tất cả người lạ đều không được ra vào "vùng xanh". Trong trường hợp cấp thiết, ra vào đều phải khai báo y tế, thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K. Người vận chuyển hàng hóa đến chỉ được giao tại bàn chốt trực, người dân muốn ra khỏi khu vực phải có giấy đi đường, giấy công tác, phiếu đi chợ.

Mô hình "vùng xanh" ra đời nhằm đảm bảo không có dịch lọt vào khu dân cư, nếu có cũng  không lây nhiễm chéo trong thời gian vàng thực hiện Chỉ thị 16.

Tại Công điện 18, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đề nghị mỗi người dân ở "vùng xanh" ngoài việc chấp hành nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết cũng nên phát huy vai trò cùng tham gia thành lập các khu vực tự quản. Chính quyền cơ sở thường xuyên tuyên truyền, kiểm soát việc thực hiện nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, sẵn sàng trong mọi tình huống phát sinh.

Ảnh chụp màn hình Bản đồ thông tin dịch tễ Covid-19 TP Hà Nội lúc 9h sáng ngày 3/9.
Ảnh chụp màn hình Bản đồ thông tin dịch tễ Covid-19 TP Hà Nội lúc 9h sáng ngày 3/9.

Thế nào là "vùng da cam"?

"Vùng da cam" được hiểu là vùng nguy cơ, vùng có khả năng lây nhiễm Covid-19 lớn. "Vùng da cam" gồm các nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ quan, đơn vị, chợ, siêu thị, bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh…

Tại "vùng da cam", Hà Nội cho phép chính quyền cơ sở phê duyệt phương án phòng chống dịch, chỉ cho hoạt động khi đảm bảo các quy định phòng chống dịch.

Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát qua việc tiếp nhận các ý kiến giám sát của nhân dân trên địa bàn hoặc qua công tác kiểm tra, giám sát của các lực lượng chức năng, chính quyền cơ sở.

 Mỗi cán bộ, công chức, người lao động, người dân tại "vùng da cam" cần nghiêm túc chấp hành việc khai báo y tế bằng mã QR Code khi đến làm việc, lao động hoặc mua sắm.

Thế nào là "vùng đỏ"?

"Vùng đỏ" là khu vực phong tỏa hoặc khu cách ly. Vùng này là vùng tương đối nguy hiểm, người dân không nên đến gần để tránh nguy cơ lây nhiễm Covid-19.

Khu vực trong "vùng đỏ" phải tập trung khoanh vùng, xét nghiệm nhanh, cách ly sớm và thu hẹp phạm vi có dịch, dập dịch nhanh nhất có thể.

Đối với "vùng đỏ", Hà Nội yêu cầu:

- Chính quyền cơ sở quyết định các biện pháp phong tỏa hoặc cách ly y tế với diện tích phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh và nguy cơ; chủ động quyết định các biện pháp cao hơn đảm bảo không để dịch bệnh lây lan trong khu vực và kiểm soát, khống chế trong thời gian ngắn nhất.

- Người dân trong khu vực chấp hành nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của chính quyền cơ sở.

Trước tình hình dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp, mỗi người dân cần tự giác để khu vực "vùng xanh" không phải chuyển màu, thu hẹp, tháo dỡ "vùng đỏ", và luôn đảm bảo an toàn trong "vùng da cam", nhanh chóng chuyển da cam thành xanh...

Nguồn: HCDC.
Nguồn: HCDC.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.