“Sát thủ thầm lặng” đối với bệnh nhân Covid-19

GD&TĐ - “Thiếu oxy thầm lặng” là một tình huống nguy hiểm ở người bệnh Covid-19. Tình trạng này đặc biệt dễ gặp ở người có bệnh nền, chưa tiêm vắc-xin...

Bệnh nhân không nên căn cứ vào triệu chứng khó thở mà bỏ qua nồng độ SpO2 trên máy.
Bệnh nhân không nên căn cứ vào triệu chứng khó thở mà bỏ qua nồng độ SpO2 trên máy.

Thời điểm sử dụng kháng đông, kháng viêm

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Trưởng bộ phận Oxy cao áp, Trung tâm Oxy cao áp, Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga, thành viên nhóm bác sĩ quân y hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà ở Hà Nội, nhận được thông tin về một ca bệnh nam 60 tuổi ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội).

Người này có bệnh nền (gout) và chưa tiêm vắc-xin. Bệnh nhân có chỉ số SpO2 (nồng độ oxy máu) ở mức 97 - 98%. Song, tối cùng ngày, SpO2 tụt nhanh và sáng hôm sau đã không qua khỏi.

Các bác sĩ cho rằng, đây là ca bệnh điển hình của triệu chứng “thiếu oxy thầm lặng”. Đây là một tình huống rất nguy hiểm ở người bệnh Covid-19. Tình trạng này đặc biệt dễ gặp ở người có bệnh nền, chưa tiêm vắc-xin...

Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, thông thường, SpO2 98 - 99%. Do đó, khi giảm xuống dưới 95% là dấu hiệu nguy hiểm. Tuy nhiên, với nhiều người, bình thường SpO2 vẫn thấp khoảng 94 - 96%. Khi những người này mắc Covid-19, đo SpO2 có thể ở mức trên dưới 95%.

“Nhìn chung, với các trường hợp còn băn khoăn khi SpO2 ở mức trên dưới 95%, nếu cho bệnh nhân nằm sấp, hoặc nằm nghiêng mà SpO2 tăng lên rõ rệt (ví dụ từ 93 -94% lên 97 - 98%) thì gần như chắc chắn, phổi đã bắt đầu viêm. Với các trường hợp này thì cần sử dụng kháng đông, kháng viêm ngay.

Ngoài ra, cần thở oxy tại nhà (bình oxy, máy tạo oxy) trong lúc chờ được nhập viện điều trị. Nếu SpO2 thay đổi không đáng kể sau khi thay đổi tư thế thì chưa chắc đã có viêm phổi”, bác sĩ Hoàng cho biết.

Nguy cơ tiềm ẩn

Theo quyết định về “Hướng dẫn tạm thời về quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà” do Bộ Y tế ban hành, khi phát hiện bất cứ một trong các dấu hiệu dưới đây phải báo cáo ngay với cơ sở quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà; trạm y tế xã, phường; hoặc trạm y tế lưu động, Trung tâm vận chuyển cấp cứu… để được xử trí cấp cứu và chuyển viện kịp thời: Khó thở; Nhịp thở tăng; SpO2 ≤ 95% (nếu có thể đo); Mạch nhanh > 120 nhịp/phút hoặc dưới 50 lần/phút; Huyết áp thấp; Đau tức ngực thường xuyên; Thay đổi ý thức; Tím - nhợt môi, đầu móng tay, móng chân, da xanh...; Không thể uống, bú, nôn; Đối với trẻ em: Sốt cao, đỏ mắt, môi đỏ, xuất huyết...; Bất kỳ tình trạng nào cảm thấy không ổn, lo lắng.

Trong khi đó, TS.BS Hoàng Thanh Tuấn - Phó Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và tái tạo, Viện Bỏng Quốc gia, thành viên sáng lập “Nhóm bác sĩ quân y hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà” - cho biết, có gần 20% bệnh nhân nhập viện cảm thấy không hề khó thở trong khi biểu hiện CT scan bất thường (86%) và cần phải bổ sung oxy (40%).

Theo bác sĩ Tuấn, không chỉ ở người mắc Covid-19, giảm oxy máu thầm lặng cũng có thể gặp ở bệnh nhân xẹp phổi, nối tắt nội phổi (dị dạng động - tĩnh mạch) hoặc nối tắt trong tim phải sang trái. Trong trường hợp này, người bệnh cần kiểm tra và thực hiện đo chính xác theo khuyến cáo.

Tuy nhiên, máy đo SpO2 chỉ phản ánh phần oxy đang gắn trên Hemoglobin. Do đó, SpO2 có thể vẫn bình thường khi thiếu oxy tiềm ẩn chưa phản ánh thực sự nồng độ oxy hòa tan tăng (là lượng oxy cần thiết tự do để trao đổi khí ở phế nang).

“Ở giai đoạn đầu của bệnh, phổi có thể còn giãn nở bình thường, không có sự gia tăng khoảng chết và kháng cự đường thở. Do đó, có thể trung tâm hô hấp không cảm thấy bất thường về việc thở.

Tuy nhiên, diễn tiến bệnh có thể nhanh và xảy ra tình trạng mất bù hô hấp. Nếu bệnh nhân đột ngột thở nhanh, sâu có thể là dấu hiệu của suy hô hấp tiến triển trong Covid-19”, bác sĩ Tuấn giải thích.

Do đó, người bệnh được khuyến cáo tuyệt đối không chủ quan. Không nên căn cứ vào triệu chứng khó thở mà bỏ qua nồng độ SpO2 trên máy. Khi SpO2 dưới 94% nhưng chưa khó thở, bệnh nhân cần đề phòng. Đồng thời, nên nằm ở tư thế tập thở thật tốt để cải thiện SpO2.

“Nằm sấp giúp phân bố máu cho những vùng phía sau, rất quan trọng trong điều trị Covid-19 ở giai đoạn sớm và có thể điều trị lâu dài giúp cải thiện oxy máu. Ngoài ra, những vùng phổi phía sau lưng vốn ít được thông khí hơn.

Khi nằm sấp những vùng phế nang sẽ được phân bố oxy hít vào, giảm hiện tượng chỗ nhiều oxy mà lại ít máu đến, chỗ ít oxy mà máu lại đến nhiều (cân bằng thông khí - tưới máu)”, bác sĩ Tuấn lý giải.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...