Sạt lở thủy điện Rào Trăng 3 nghi vùi lấp 10 công nhân: Chưa thể tiếp cận hiện trường

GD&TĐ - Do tình hình mưa lũ phức tạp, đường lên khu vực hiện trường bị chia cắt nên việc tiếp cận nơi xảy ra sạt lở nghi vùi lấp hơn 10 công nhân gặp nhiều khó khăn.

Khu vực thủy điện Rào Trăng 3. (Ảnh mình họa).
Khu vực thủy điện Rào Trăng 3. (Ảnh mình họa).

Tối 12/10, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Trung tướng Nguyễn Doãn Anh - Tư lệnh Quân khu 4 và ông Phan Ngọc Thọ -Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và UBND huyện Phong Điền đang tìm cách tiếp cận hiện trường, xác minh thông tin sạt lở đất vùi lấp nhiều công nhân ở thủy điện Rào Trăng 3 để có phương án hỗ trợ các công nhân đang bị mắc kẹt tại đây.

Đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có thông tin cụ thể về thiệt hại, đặc biệt là con người.

Trước đó, vào trưa cùng ngày, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế nhận tin báo có vụ sạt lở đất, vùi lấp khu nhà có hơn 10 công nhân đang thi công ở thủy điện Rào Trăng 3.

Sau khi nhận tin, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế đã gọi lại cho người cung cấp thông tin nhưng không liên lạc được.

Được biết, khu vực này không có sóng di động nên không thể liên lạc được với những nười bên trong khu vực sạt lở.

Ngay lập tức, đoàn của Trung tướng Nguyễn Doãn Anh và ông Phan Ngọc Thọ đã lên đường vào thủy điện Rào Trăng 3 từ chiều cùng ngày.

Tuy nhiên do mưa lũ phức tạp, đường lên khu vực hiện trường bị chia cắt nên việc tiếp cận hiện trường khá khó khăn.

Thủy điện Rào Trăng 3 nằm trên sông Rào Trăng được cấp phép đầu tư vào đầu tháng 11/2008.
Nhà máy thủy điện có công suất lắp máy 11MW với tổng nguồn vốn đầu tư 290,8 tỷ đồng. Diện tích đất dự kiến sử dụng là 11,1 ha, trong đó diện tích khu vực lòng hồ là 8,8 ha, còn lại là khu vực nhà máy, tuyến áp lực, tuyến năng lượng và công trình phụ trợ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ