Sát hại vợ sắp cưới vì bị từ hôn, thầy giáo bất ngờ thoát án tử

Bị từ hôn ngay trước ngày cưới, bị cáo Thắng không kiềm chế được tức giận nên đã sát hại người mình yêu. Kể từ đó, tình yêu, tương lai của Thắng khép lại sau cánh cửa nhà giam...  

Bị cáo Võ Minh Thắng tại tòa.
Bị cáo Võ Minh Thắng tại tòa.

Bi kịch từ việc từ hôn

Phòng xử số 9 của TAND TP.HCM một ngày cuối tháng Ba đông hơn thường lệ. Bị cáo bị đưa ra xét xử về tội Giết người nguyên là giáo viên dạy THPT.

Trong số những người đến dự tòa, ngoài người thân của nạn nhân, người nhà của bị cáo, còn rất đông học sinh của trường THPT Võ Thị Sáu (quận Bình Thạnh, TP.HCM). Những học sinh này từng là học trò của bị cáo và của cả bị hại trong vụ án giết người từng gây xôn xao dư luận hồi tháng 4/2018.

Do phòng xử nhỏ nên chỉ ít người nhà và một số học sinh được vào bên trong, số đông còn lại phải đứng ngoài theo dõi phiên tòa.

Bị cáo Võ Minh Thắng (SN 1991, ngụ quận 11, TP.HCM) được dẫn giải đến tòa từ sớm. Thắng tỏ ra hối hận vì một phút thiếu kiểm soát đã tước đoạt mạng sống của người con gái Thắng yêu, và đẩy Thắng vào con đường tù tội, thậm chí phải đối diện với mức án cao nhất: Tử hình.

Người yêu và cũng là đồng nghiệp của Thắng - chị N.T.T. (SN 1992, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) vốn là người hiền lành. Thắng và chị T. cùng công tác tại trường THPT Võ Thị Sáu.

Cả hai có thời gian dài yêu nhau và đã tính đến chuyện sẽ làm đám cưới. Thắng nói rằng, Thắng yêu chị T. và muốn lấy chị làm vợ. Cả hai cũng đã chụp ảnh cưới, nhưng bất ngờ bỗng một ngày, chị T. tuyên bố từ hôn. Nhiều lần níu kéo tình cảm bất thành, Thắng đã gây ra tội ác.

Khoảng 10h45 ngày 23/4/2018, sau khi trông thi, Thắng gặp chị T. tại trường để nói chuyện nhằm hàn gắn tình cảm nhưng nữ giáo viên này không đồng ý và cả hai xảy ra cãi vã.

Sau đó, chị T. lấy xe máy đi về nhà, còn Thắng điều khiển xe máy bám theo sau. Khi đến công viên bờ kè kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trên đường Trường Sa (đoạn qua quận Bình Thạnh), Thắng ép xe chị T. vào lề đường để tiếp tục nói chuyện. Tại đây, hai người tiếp tục cãi nhau.

Trong lúc tức giận, Thắng rút dao trong cốp xe máy ra tấn công khiến chị T. tử vong. Sau khi sát hại chị T., Thắng lên xe máy định ra cầu Bình Lợi tự tử nhưng đã suy nghĩ lại và quay xe về Công an quận Bình Thạnh đầu thú.

Thoát án tử nhờ có nhiều tình tiết giảm nhẹ

Với hành vi sát hại người yêu, Thắng bị truy tố, xét xử về tội Giết người với khung hình phạt có mức án cao nhất là tử hình.

Gia đình nạn nhân giận Thắng, họ nói dù đã từng có suy nghĩ là sẽ xin tòa giảm án cho Thắng, nhưng vì nỗi đau mất người thân quá lớn, họ không thể tha thứ cho Thắng được. Họ mong tòa xử Thắng mức án cao nhất của khung hình phạt.

Nghe người nhà chị T. đề nghị tuyên mình mức án tử hình, bị cáo Thắng tỏ ra run sợ. Thắng nói bản thân không “bắt cá hai tay” trong thời gian yêu chị T.. Thế nhưng chị T. lại lấy lý do này để từ hôn với Thắng chỉ vài hôm trước ngày cưới.

“Bị cáo đã phải chịu đựng những đau đớn, uất ức khi bị từ hôn. Bị cáo không chịu đựng được những tác động tiêu cực phía bị hại. Ngoài ra, gia đình bị hại cũng ngăn cản không cho chị T. làm đám cưới với bị cáo nên bị cáo không làm chủ được mình, đã ra tay sát hại T. rồi có ý định đi tự sát”, bị cáo Thắng biện minh.

Thắng cũng cho rằng không có ý định giết hại nạn nhân. “Chỉ là khi níu kéo không được, chị T. nhất quyết từ chối nên bị cáo mới gây ra tội ác. Sau khi gây án, bị cáo đi ra cầu Bình Lợi để tự sát nhưng khi nhìn thấy cầu vồng đỏ trên cầu thì bị cáo đã suy nghĩ lại, nghĩ về tình cảm của mình và T., nghĩ về tội lỗi mình đã gây ra nên quyết định quay lại Công an quận Bình Thạnh đầu thú”, Thắng trình bày tại tòa.

Nghe Thắng biện minh, gia đình bị hại phản đối vì cho rằng Thắng khai không đúng sự thật. Theo mẹ nạn nhân, gia đình không hề tác động gì đến chuyện hôn nhân của Thắng và chị T.. Mặc dù khi phát hiện Thắng có người yêu khác, gia đình vẫn không ngăn cản, vẫn tôn trọng quyết định của con gái. Vì còn đau đớn sau cái chết của con gái, cộng với việc cho rằng Thắng không trung thực nên mẹ nạn nhân đề nghị tuyên Thắng mức án tử hình.

Đại diện VKSND TP.HCM nhận định, hành vi của Thắng là có tính chất côn đồ, thực hiện tội ác đến cùng nên không thể tha thứ. Từ đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt Thắng mức án cao nhất.

Tại tòa, luật sư bào chữa cho Thắng cho rằng, nguyên nhân Thắng giết người là do bị kích động tâm lý khi bị hại có những lời lẽ xúc phạm bị cáo. Việc Thắng tấn công bị hại cũng là do nhất thời chứ không có chủ ý từ trước.

Ngoài ra, bị cáo Thắng có nhiều tình tiết giảm nhẹ hình phạt như thành khẩn khai báo, ăn năn hối hận, gia đình có công với cách mạng, đã tác động gia đình khắc phục một phần hậu quả... nên luật sư đề nghị HĐXX giảm án cho Thắng.

Về phần Thắng, sau khi bị cả gia đình nạn nhân và đại diện VKS đề nghị tuyên mình mức án tử hình, Thắng chỉ còn biết trông chờ vào sự khoan hồng của HĐXX. Thắng cúi đầu xuống xin lỗi người thân của chị T. khi được nói lời sau cùng. Đồng thời, bị cáo mong HĐXX cho mình một cơ hội sống để làm lại cuộc đời.

Cuối cùng, lời thỉnh cầu của Thắng đã được HĐXX chấp nhận. Dù nhận định hành vi của Thắng là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội nên không thể tha thứ, nhưng HĐXX cũng cân nhắc, xem xét cho Thắng nhiều tình tiết giảm nhẹ hình phạt như luật sư của Thắng đã trình bày trong phần bào chữa.

HĐXX nhận định, không cần thiết phải loại bỏ vĩnh viễn Thắng khỏi đời sống xã hội, mà một bản án tù không thời hạn cũng đã đủ sức răn đe, phòng ngừa chung và cũng có tác dụng giáo dục riêng với bị cáo. Từ những nhận định trên, HĐXX tuyên phạt Thắng mức án tù chung thân về tội Giết người.

Nghe tòa tuyên bị cáo án chung thân, người nhà của chị T. phản đối, gào khóc gây náo loạn sân tòa. Họ cho rằng, Thắng là người có nhận thức, có trình độ nhưng lại gây ra tội ác dã man, vậy mà chỉ bị tuyên mức án chung thân là quá nhẹ!

Theo doisongphapluat.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ