Sắp khai quật khu vực Trai cung thuộc di tích đàn tế Nam Giao

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Bộ VH,TT&DL vừa ban hành quyết định cho phép khai quật khảo cổ tại khu vực Trai cung thuộc di tích đàn tế Nam Giao (Thừa Thiên - Huế).

Chính điện Trai cung. Ảnh: IT.
Chính điện Trai cung. Ảnh: IT.

Quyết định số 824/QĐ-BVHTTDL do Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương ký cho phép Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia thực hiện khai quật từ ngày 10/4 - 20/6/2023, trên diện tích 160m2, gồm 4 hố (H1: 30m2; H2: 30m2; H3: 50m2; H4: 50m2 ).

Chủ trì khai quật là bà Nguyễn Thị Thao Giang thuộc Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Quyết định yêu cầu trong thời gian khai quật khảo cổ, cơ quan được cấp giấy phép cần chú ý bảo vệ địa tầng của di tích. Có trách nhiệm tuyên truyền về việc bảo vệ di sản văn hóa ở địa phương, không công bố kết luận chính thức khi chưa có sự thỏa thuận của cơ quan chủ quản và Cục Di sản văn hóa.

Đồng thời, những hiện vật thu thập được trong quá trình khai quật, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản tránh để hiện vật bị hư hỏng, thất lạc và báo cáo Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL phương án bảo vệ và phát huy giá trị những hiện vật đó.

Sau khi kết thúc đợt khai quật khảo cổ, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Bảo tàng Lịch sử quốc gia phải có báo cáo sơ bộ và đề xuất phương án quản lý, bảo vệ khu vực đã khai quật khảo cổ trong thời gian chậm nhất 1 tháng và báo cáo khoa học trong thời gian chậm nhất 1 năm.

Theo hồ sơ di sản, Trai cung là tổng thể kiến trúc khép kín nằm ở góc Tây Nam của khuôn viên đàn tế Nam Giao triều Nguyễn, được bố trí theo thế “tọa Bắc hướng Nam”, gồm chính điện, nhà Tả túc, Hữu túc, phòng Thượng trà, sở Thượng thiện.

Bao quanh Trai cung là tường gạch hình chữ nhật dài 85m, rộng 65m. Cổng chính của Trai cung nằm ở phía Nam, phía Bắc cũng trổ một cửa. Đây là nơi nhà vua trai giới thanh tịnh trước khi hành lễ tế Giao.

Đàn Nam Giao được khởi công xây dựng ngày 25/3/1806, dưới thời vua Gia Long. Trong lịch sử nhà Nguyễn, có đến 10 đời vua tổ chức 98 buổi tế lễ tại đây nhằm khẳng định tính chính thống của triều đại, uy quyền của Hoàng đế tuân theo mệnh trời mà cai trị dân chúng.

Đàn Nam Giao là một tổ hợp các công trình kiến trúc gồm Giao đàn, Trai cung, Thần trù và Thần khố trong khuôn viên hình chữ nhật có diện tích đến 10ha. Trung tâm của khuôn viên đàn Nam Giao là Giao đàn hướng về phía Nam, gồm 3 tầng: Tầng trên cùng là Viên đàn, xây thành hình tròn tượng trưng cho Trời. Hai tầng dưới là Phương đàn, xây thành hình vuông tượng trưng cho Đất.

Trong suốt 79 năm (1807 - 1885), đàn Nam Giao là nơi tổ chức nghi thức tế Giao vào mùa Xuân hàng năm. Từ năm 1886 - 1890, không tổ chức lễ tế Giao, và từ năm 1891 thì thực hiện lễ tế ba năm một lần. Lễ tế cuối cùng của triều Nguyễn tại đây được ghi nhận vào ngày 23/3/1945.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ