Sắp có thuốc chống béo phì

Các nhà nghiên cứu đã tiến thêm một bước đến việc bào chế ra "viên thuốc chống béo phì" khi tìm ra cách chuyển đổi mỡ trắng thành mỡ nâu.

Sắp có thuốc chống béo phì

Theo bài viết công bố trên tạp chí khoa học Genes & Development, một nhóm chuyên gia Mỹ từ Đại học Pennsylvania đã tìm thấy con đường tín hiệu trong các tế bào mỡ, qua đó các mô mỡ trắng có thể được chuyển đổi thành mô mỡ nâu.

Các chuyên gia không loại trừ rằng nhờ phát hiện này, trong tương lai sẽ bào chế được loại thuốc có thể chống lại một cách hiệu quả tình trạng thừa cân và béo phì, cũng như ngăn chặn sự phát triển của bệnh tiểu đường.

Như chúng ta biết, mỡ trắng trong cơ thể con người dùng để lưu trữ năng lượng và tình trạng dư thừa mỡ trắng gây ra bệnh béo phì và trong một số trường hợp thậm chí gây bệnh tiểu đường và các chứng bệnh khác.

Như vậy, mỡ nâu là đối lập với mỡ trắng – mỡ nâu dễ dàng bị "đốt cháy", làm ấm cơ thể, cung cấp năng lượng cho cơ thể và chống lại lượng dư thừa.

Tuy nhiên, mỡ nâu chiếm ưu thế chỉ trong cơ thể trẻ nhỏ trong khi ở người trưởng thành chủ yếu là các mô mỡ trắng. Và như vậy không lạ gì khi theo thống kê hiện nước Mỹ có 36% dân số bị béo phì và gần 10% bị mắc bệnh tiểu đường thể 2.

Mặc dù các nhà khoa học phát hiện ra đường tín hiệu (chuỗi các phân tử, thông qua đó thông tin được truyền từ các thụ thể tế bào bên trong các tế bào), cho phép các mô mỡ trắng chuyển đổi thành mỡ nâu, nhưng trong tình huống thông thường, quá trình chuyển đổi này bị protein FLCN chặn lại khi nó tương tác với các phức hợp protein mTOR.

Tuy nhiên, các thử nghiệm trên chuột đã cho thấy rằng việc loại bỏ protein FLCN cho phép khởi động quá trình chuyển đổi mỡ trắng thành mỡ nâu. Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng trong tương lai, các kết luận thu được của họ sẽ giúp bào chế ra loại thuốc có thể đạt được hiệu quả tương tự mà không cần loại bỏ protein FLCN.

Theo Một Thế Giới

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ