Sập cầu Ghềnh: Lại bàn chuyện dời ga Sài Gòn

Sau vụ sập cầu Ghềnh, nhiều ý kiến cho rằng nên dời luôn ga Sài Gòn ra ngoại ô thành phố để giảm tình trạng kẹt xe.

Sập cầu Ghềnh: Lại bàn chuyện dời ga Sài Gòn

“Ý kiến nào cho rằng nên dời ga ra hẳn ngoại ô thành phố chắc chắn là những người dân không có chuyên môn về quy hoạch đô thị và vận tải”, giảng viên Hà Ngọc Trường - Ủy viên thường vụ Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật TP HCM chia sẻ như vậy khi đề cập hiện có một luồn ý kiến mong muốn di dời ga Sài Gòn.

Nhà ga đều nằm ở trung tâm TP

Mở đầu câu chuyện, thầy Trường, giảng viên thỉnh giảng cao cấp của chuyên ngành Đường sắt – metro trường ĐH Giao thông vận tải TP HCM khẳng định, ga Sài Gòn không thể dời ra Biên Hòa và thậm chí là cả ngoại ô TP. Theo ông, chuyện quy hoạch nhà ga là vấn đề lớn, đã được Bộ GTVT và Chính phủ quyết định, phê duyệt từ năm 2013.

Ga bắt buộc phải nằm ở trung tâm TP, đây là quy hoạch phổ quát trên thế giới. Nhu cầu đi lại bằng tàu hỏa của người dân ở trung tâm là rất lớn, nếu dời ga ra ngoại ô thì rất khó khăn, lượng khách chắc chắn sẽ giảm đi đáng kể. Minh chứng khi sập cầu Ghềnh, hành khách phải chuyển tải ôtô xuống Biên Hòa, lượng khách ngay lập tức giảm mạnh.

Nhân viên ga Biên Hòa làm việc cật lực khi "bất đắt dĩ" phải đón một lượng khách rất lớn do sự cố sập cầu Ghềnh. Ảnh: Phước Tuần.
Nhân viên ga Biên Hòa làm việc cật lực khi "bất đắt dĩ" phải đón một lượng khách rất lớn do sự cố sập cầu Ghềnh. Ảnh: Phước Tuần.

Một số người dân muốn đưa ga Sài Gòn ra ngoại ô để giảm gánh nặng ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, để đưa 1.000 người ra ngoại ô đến đi một chuyến tàu từ trung tâm thành phố thì cần khoảng 30 xe buýt. Một ngày có trung bình 10 chuyến tàu thì có hơn 300 chuyến xe buýt. "Làm vậy đôi lúc lại ùn tắc giao thông ở các cửa ngõ thành phố hơn", thầy Trường phân tích.

Ngoài ra đường sắt đô thị quốc gia phải liên hoàn với nhau mới bảo đảm phục vụ khách, bởi vì không chỉ có những người từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung mà còn phục vụ cả hành khách ở miền Đông, miền Tây. Tàu đưa hành khách vào càng gần trung tâm thành phố càng tốt.

Đồng tình, TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, cho rằng, quy hoạch đô thị là một bài toán khó. Các chuyên gia, Bộ GTVT, Chính phủ đưa ra mổ xẻ, cái được cái mất mới quyết định giữ ga Sài Gòn ở trung tâm.

Ga ở trung tâm thành phố không những giải quyết bài toàn vận tải lớn hành khách mà còn ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội, quốc phòng của TP HCM, đô thị lớn nhất Việt Nam.

"Chúng ta không nên ngụy biện cho vấn đề ùn tắc giao thông để di dời ga Sài Gòn ra ngoại ô, vấn đề kẹt xe sẽ trầm trọng hơn khi một lượng lớn xe buýt vận chuyển hành khách từ trung tâm ra ngoại ô để lên tàu", tiến sĩ Sanh cảnh báo.

Theo ông, cái quan trọng ở đây chính là phải tìm cách để khai thác, thay đổi kịp thời vận tải đường sắt tốt hơn, sắp xếp lịch tàu chạy hợp lý hơn. Còn vấn nạn ùn tắc giao thông cần phải có giải pháp tổng thể hơn như giảm xe cá nhân, phát triển hệ thống giao thông công công có sức chở lớn, an toàn và nhanh.

Hoàn thiệt các tuyến metro là việc làm cấp thiết

Ông Lâm Thiếu Quân (đại biểu HĐND TP HCM) cho rằng, phương án thuận lợi nhất là chuyển ga Sài Gòn ra khu vực Bình Triệu (quận Thủ Đức) để tận dụng đường Phạm Văn Đồng mới xây xong. Đồng thời, cần mở rộng tuyến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quốc lộ 13 từ nút giao thông Ngã tư Hàng Xanh ra Bình Triệu, xây thêm cầu ở bán đảo Thanh Đa.

Hành khách lên tàu ở ga Sài Gòn. Ảnh: Phước Tuần.
Hành khách lên tàu ở ga Sài Gòn. Ảnh: Phước Tuần.

Ga Sài Gòn hiện tại vẫn giữ nguyên làm ga trung tâm vận chuyển hành khách khi xây dựng xong đường sắt trên cao từ Bình Triệu vào trên mặt bằng tuyến đường sắt có sẵn. Như vậy, ga Sài Gòn cũng có tính kết nối với tuyến Metro số 2 Bến Thành – Tham Lương để lên cửa ngõ phía Tây Bắc thành phố.

Giảng viên Hà Ngọc Trường cho rằng, hiện mật độ xe lưu thông ở thành phố ngày càng tăng, đặc biệt là ôtô cá nhân. Từ ga Bình Triệu vào ga Sài Gòn hiện hữu cần làm ngay đường sắt trên cao. Hiện, Thủ tướng đã phê duyệt dự án đường sắt trên cao từ Bình Triệu – Hòa Hưng và vẫn giữ ga Sài Gòn làm điểm kết nối tuyến đường sắt quốc gia.

“Mục tiêu của đường sắt quốc gia và đường sắt đô thị phải kết nối với nhau để phục vụ người dân đi lại thuận lợi nhất. Vì thế giữ ga Sài Gòn lại điều chắc chắn giúp cho 2 tuyến đường sắt này kết nối thuận lợi”, thầy Trường cho hay.

Thầy Hà Ngọc Trường cho rằng nên cần thiết phải giữ lại ga Sài Gòn ở trung tâm thành phố. Ảnh: Phước Tuần.

Thầy Hà Ngọc Trường cho rằng nên cần thiết phải giữ lại ga Sài Gòn ở trung tâm thành phố. Ảnh: Phước Tuần.


Chia sẻ về vấn đề này, PGS TS Nguyễn Minh Hòa, chuyên gia đô thị học, nhận định, cốt lõi vấn đề là tìm giải pháp để giảm ùn tắc giao thông. Ông Hòa nói: “Thành phố phải dồn toàn lực để xây dựng được các tuyến Metro càng nhanh càng tốt, đặc biệt 2 tuyến số 1 và 2. Khi ấy mới giảm được vấn nạn ùn tắc giao thông và bài toán ga Sài Gòn cũng sẽ dễ giải hơn. Nếu được làm luôn tuyến đường sắt trên cao từ ga Bình Triệu và Sài Gòn, giảm đi 14 nút cắt ngang do đường sắt gây ra”.

Giảng viên trường ĐH Bách khoa ĐH Quốc gia TP HCM cho rằng, chuyện dời ga Sài Gòn ra Bình Dương và Biên Hòa là đều chắc chắn không được. Với một đô thị lớn như TP HCM bắt buộc phải có ga tàu ở trung tâm TP.

Tuy nhiên với mật độ giao thông tăng mạnh hiện nay, việc dịch ga Sài Gòn ra Bình Triệu, ngay nút giao thông Quốc lộ 13 giao với vành đai Tân Sơn Nhất – Bình Lợi cũng là một giải pháp hay nếu đầu tư các tuyến xe buýt, hạ tầng kết nối. Đây là điểm giao, người dân các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai đều đến được.

Theo news.zing.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ