(GD&TĐ) - Tôi vẫn còn nhớ rõ lúc vừa đẻ con thứ 2 xong, khi bác sĩ hỏi “Chị định đặt tên con là gì?”, lúc ấy tôi gần như trống rỗng, mải lặng ngắm những nhành cơm nguội đu đưa ngoài cửa kính, rồi như chợt tỉnh khỏi cơn đau, tôi đáp lời bác sĩ: “Chị ghi tên cháu là Lê Hà Nội”. Tôi nghe thấy tiếng ồ à, tiếng cười khúc khích của kíp đỡ đẻ “Đây là con gái xinh đẹp của chị, không phải là con trai đâu nhé…”. “Vâng, tôi muốn tên ấy, đẹp chứ sao?”. “Thôi được rồi, tôi ghi tạm vào phiếu đẻ, sau này chị đổi cũng không sao đâu…” Cô bác sĩ nhẹ nhàng đi ra.
1. Sẽ chẳng có gì để nói, nếu như cái tên của con gái tôi không gây ra cho nó biết bao nỗi ấm ức cũng như bao niềm hạnh phúc mà nó được hưởng sau này.
Hà Nội lớn lên như bao cô bé 8X, băng qua tuổi mẫu giáo một cách mạnh mẽ, con hầu như không ốm vặt, dễ nuôi và ngoan vô cùng.
Vào Tiểu học, lớp chọn 1A, một hôm con về, ném cặp sách xuống sàn nhà rồi phụng phịu: Các bạn đều cười tên con, sao mẹ lại đạt tên con vậy? Con bắt đền mẹ đấy... Rồi con khóc. Tôi giải thích: Cách nhà mình 2 nhà có anh Trần Hải Dương này, bạn mẹ tên là Lê Vĩnh Phúc nhé, đấy là những địa danh tỉnh mà ai cũng ghi nhớ trong đời, tên con rất hay, để dành làm kỷ niệm con ạ…Kỷ niệm gì hả mẹ? À, vì nhà mình ai cũng yêu Hà Nội, nơi có ông bà nội , ngoại sinh sống… Con tôi đã có phần nguôi ngoai.
Hà Nội thường được gọi lên bảng đọc thơ, giải Toán, hát…có thể các thầy, cô cũng thấy con bé có tên ngồ ngồ mà hay gọi chăng? Cũng nhờ vậy mà con bé rất chăm học, vì sợ mất mặt và cũng muốn khẳng định Hà Nội là 1 cái tên đẹp? Nhờ Trời, nó luôn đứng thứ Nhất trong lớp. Tôi đi họp phụ huynh thường được gọi là “mẹ Hà Nội” chứ chẳng ai biết tên tôi là gì? Thế cũng hay.
Học Trung học cơ sở, con tôi được tuyển vào đội tuyển Toán thành phố. Tên con đứng đầu top 9. Chả hiểu sao thầy phụ trách Trung học cơ sở Toán của Sở thế nào lại gạch tên con bé đi và ghi chú bên cạnh công văn trình Giám đốc Sở “tất nhiên là đội Hà Nội nhà mình rồi, nhầm dòng, chỉ có 8 em trong đội tuyển” . May quá, cô Mai dạy Toán cho Hà Nội nhà tôi biết chuyện này, cô hớt hải trình lại Văn phòng Sở danh sách dự thi và kết quả thi. Chánh Văn phòng Sở cười rất tươi, xin lỗi cô Mai và nói sẽ khiển trách thầy phụ trách môn Toán. Và quả là không phụ lòng tận tâm của thầy ,cô, Hà Nội con tôi giành giải Nhất Toán thành phố. Từ đấy trở đi, cô Mai đi đâu cũng kể về con bé học trò phổng phao có cái tên đến là may cho trường, cho cô dạy nó.
Học Trung học phổ thông, con không thi chuyên Toán mà lại thi chuyên Anh Trường Amstecdam. Cô giáo Mai cứ tiếc cho nó. Nào là con có thể trở thành nhà Toán học, rồi con gái xuất sắc Toán là hiếm lắm, trên thế giới cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Con bé không nghe và nó đã đỗ dễ dàng vào chuyên Anh như đi thi hát ở Cung Thiếu nhi. Rồi 1 sự kiện đã xảy ra, bước ngoặt đầu tiên đã mang đến cho Hà Nội một cơ hội mới.
Số là cơ quan Bộ có 1 suất học bổng Tú tài của trường Quốc tế Chữ thập đỏ Nauy (phải phỏng vấn bằng tiếng Anh và xét học bạ) cho học sinh là con cán bộ của Bộ. Tôi ghi tên con cho nó đi thi. Tôi nghĩ đơn giản là để cho con có dịp thử sức với các anh chị lớn (nó là đứa ít tuổi nhất dự thi). Có 8 thí sinh, toàn dân lớp 11 chuyên Anh Ams, hoặc Chu Văn An.
Hà Nội kể : Con vào phòng phỏng vấn số thứ 5, con chào cô giáo người Anh. Cô hỏi con tại sao lại tên là Hà Nội? Con nói là mẹ và cả nhà cháu đều yêu Hà Nội, mới lại lúc đặt tên cho cháu, mẹ cháu không nghĩ được ra một cái tên nào khác cả? Con nói tự nhiên bằng tiếng Anh. Sau đó con hỏi tên cô giáo, cô nói cô là Sarah Stone, con cười phá lên và nói rằng tại sao tên cô lại gắn với “tảng đá”? Cô nói là ông nội cô muốn thế. Thế rồi nó nói luôn về đường phố Hà Nội, về những món ăn vặt tuyệt vời của Hà Nội và hỏi cô có thích ăn kem không, nó sẽ mời cô nếu cô không ngại?
Thế nào mà con bé đỗ trước sự kinh ngạc của mọi người. Nó đi phỏng vấn mà như đi xem phim vậy. Nó thành công dễ dàng nên tôi lại lo cho tương lai của con, vì cuộc đời làm sao có thể thẳng một mạch như vậy?
|
Nữ sinh Hà thành. Ảnh: Bắc Việt |
|
2. Thư của con viết từ Nauy về “ Lớp học của con chỉ có 12 bạn. Đứa nào cũng tò mò về tên con. Khi được biết là tên của Thủ đô nước Việt Nam, tất cả đều tìm tòi trên mạng về Hà Nội. Nhiều bạn ao ước được đến Hà Nội, được đi lang thang ở phố cổ, ăn chè Hà Nội.
Mẹ ơi, con cảm ơn mẹ vì đã cho con 1 cái tên ý nghĩa. Con yêu cái tên của con biết bao nhiêu mẹ ạ “. Ông Hiệu trưởng viết thư về cho gia đình tôi , thông báo kết quả học tập của con và viết đậm một dòng cuối “cảm ơn ông, bà đã sinh ra được một tia nắng mạnh mẽ, làm ấm lòng những người sống ở đất nước Bắc Âu lạnh giá này…”. Tôi không kể với Hà Nội , tôi muốn con thật bình thường, sống vui vẻ với các bạn.
Con thi SAT với điểm cao tuyệt đối nên được học bổng học Đại học tại Mỹ. Tôi vừa mừng, vừa lo. Thế là con lại xa nhà 4 năm nữa.
Chuẩn bị nhận bằng tốt nghiệp, Hà Nội gửi giấy mời của trường cho phụ huynh sang dự lễ tốt nghiệp. Con còn khoe với tôi , nó được là thành viên của Hội Phi Beta Kappa. Nó không giải thích là hội gì. Tôi bèn tra trên mạng mới biết được đó là Hiệp hội Học thuật đầu tiên và danh giá nhất nước Mỹ, là tổ chức mà có 17 Tổng thống Mỹ và 162 người đoạt giải Nobel là thành viên.
Vợ chồng tôi làm visa để đến nước Mỹ. Bạn bè tôi tư vấn, ông bà làm tách riêng ngày vào sứ quán ra, ngộ nhỡ họ không cho cả 2 vợ chồng cùng đi thì sao, với lý do sợ ông bà trốn ở lại với con gái? Tôi gạt đi, làm gì mà họ chả biết đến lý do của chúng tôi vào Mỹ, đã khai hết ở trên mạng rồi, chả gì bằng cứ ngay thật. Chúng tôi cùng vào phỏng vấn, nhân viên sứ quán Mỹ là 1 cô gái Việt Nam rất xinh đẹp, cô chỉ hỏi tôi có 5 phút, chồng tôi cô hỏi chưa đến 3 phút , rồi tự nhiên cô nói nhỏ với tôi “Cháu làm ở đây 5 năm mà chỉ thấy 1 sinh viên mang tên là Hà Nội. Chúc 2 bác lên đường mạnh khỏe.”
3. Tôi choáng ngợp vì ngôi trường con tôi học: đẹp, cổ kính và hiện đại. Và đặc biệt sạch sẽ. Có hàng trăm phụ huynh, đủ các màu da trên thế giới, tụ tập tại sân trường. Hà Nội của tôi đi như chạy, trong bộ áo tốt nghiệp màu tím than. Con giới thiệu Harrison và bố mẹ của cậu ta với chúng tôi. Họ là những người Mỹ điển hình, cao lớn, tóc vàng óng, mắt xanh, nụ cười hiền hậu luôn trên môi. Rồi thấy con gọi tên ai đó, tôi quay người nhìn, thấy 1 chàng trai châu Á đang vui vẻ dắt tay Hà Nội.
“Đây là Xao Bình, người Phúc Kiến –Trung Quốc mẹ ạ” , Xao Bình chào tôi bằng tiếng Anh và nói là cháu rất tiếc bố mẹ không sang đây được như hai bác. Tôi hỏi tại sao? Cậu ấy nhún vai và nói bố mẹ cậu đã 2 lần xin phỏng vấn nhưng vẫn không được visa. Sau này Hà Nội nói với tôi là Xao Bình học rất giỏi, được học tiếp Tiến sỹ ngay tại 1 trường nổi tiếng của Mỹ ngành Sinh học phân tử. Hình ảnh cậu bé Trung Quốc dong dỏng gầy, xanh xao, ngơ ngác trong đám đông như đang đợi mẹ làm tôi nhớ mãi.
Hà Nội đưa cho tôi 1 tấm bảng bìa rất đẹp, in bằng chữ cái Latinh, đó là danh sách Hội viên Phi Beta Kappa gồm 12 người của Trường đại học Minnesota. Dòng chữ tên Hà Nội nổi bật giữa những cái tên châu Mỹ, châu Âu. Con nói với tôi, rằng họ biết đến Hà Nội cũng một phần vì tên con mẹ nhỉ? Tôi cười, ừ có thể như vậy lắm chứ? Nếu tôi không sinh con ở bệnh viện C, nơi gần thư viện Quốc gia-chốn yêu thích của tôi thời sinh viên, nơi có hàng cơm nguội đẹp nao lòng khi xuân về, nơi mẹ ngắm nhìn bầu trời chớp đỏ khi sinh con…tất cả là quê hương và tình yêu con phố, hàng cây đã thành 1 cái tên Hà Nội, không chỉ riêng con tôi có, mà là tình yêu của thế hệ tôi, được lớn lên và trưởng thành cùng Hà Nội.
Đôi lúc tôi nghĩ : Nếu tôi không đặt tên con bé là Hà Nội thì nó sẽ thành người thế nào? Cái tên ấy đã vận vào nó những thứ hấp dẫn kỳ lạ , chi phối nó trong tiềm thức, lay động nó và nâng đỡ con trong mọi hoàn cảnh cuộc sống . Nhưng xét cho cùng, nếu Hà Nội không có đủ nghị lực và tiềm năng vượt qua mọi thách thức mà mọi người và ngay cả tôi cũng có lúc nghĩ vậy là con bé hay gặp may? Nhưng may làm sao được mà 4 năm qua con bé đều dành hết điểm A, được chuyển tiếp học tiến sỹ? Nếu không phải là sự nỗ lực bền bỉ thì vận may cũng bỏ ta đi . Điềm may trong cuộc đời chỉ lóe sáng một, hoặc hai lần, nếu không cố gắng, nó sẽ chẳng bao giờ đến với ta nữa.
Đấy là kinh nghiệm của người sống gần 60 năm trên đời này.
Hoàng Lan