Sao Hỏa “sát khuẩn”

GD&TĐ - Công trình nghiên cứu công bố trên tạp chí khoa học “Scientific Report” (Vương quốc Anh) là gáo nước lạnh đối với những ai còn hi vọng rằng chúng ta sẽ tìm thấy sự sống hoặc dấu vết sự sống trên bề mặt sao Hỏa.

Sao Hỏa “sát khuẩn”

Hai nhà khoa học Jennifer Wadsworth và Charles S. Cockell ở Trung tâm sinh học thiên văn, Đại học Edinburgh (Scotland) đã chứng minh trên “Scientific Report” rằng bề mặt sao Hỏa có tính sát khuẩn. Trong phòng thí nghiệm, hai ông đã tạo ra đất sao Hỏa và những điều kiện môi trường trên hành tinh này, sau đó kiểm tra xem đó có phải là nơi thân thiện đối với trực khuẩn cỏ khô (Bacillus subtilis) hay không.

Kết quả cho thấy bề mặt sao Hỏa rất độc đối với các vi sinh Trái đất. Chúng thậm chí không thể tồn tại trên đó trong vài phút.

Hi vọng về nền văn minh sao Hỏa?

Suốt một thời gian dài, sao Hỏa làm say mê những người tìm kiếm nền văn minh ngoài Trái đất. Trong nửa cuối thế k ỷ XIX, các nhà thiên văn học đã hối hả tìm kiếm dấu vết sự sống trên bề mặt sao Hỏa.

Những kênh đào bí ẩn – lần đầu tiên được phát hiện trên sao Hỏa vào năm 1877 bởi nhà thiên văn học Giovanni Schiaparelli người Italy – được xem là tạo vật của một nền văn minh phát triển cao, dùng để dẫn nước từ khu vực địa cực sao Hỏa về vùng xích đạo.

Doanh nhân Mỹ Percival Lowell là người đam mê thiên văn. Ông đã xây dựng một đài quan sát thiên văn ở Arizona nhằm mục đích theo dõi sự sống trên sao Hỏa. Qua kính viễn vọng, ông quan sát thấy bề mặt sao Hỏa tối đi rồi lại sáng lên vào mùa xuân và mùa thu, như trong nhịp điệu sống động.

Người tí hon màu xanh hay những vi sinh?

Vào những năm 1922- 1924, trong giai đoạn sao Hỏa đến gần Trái đất nhất, chính phủ Mỹ thậm chí yêu cầu các đài phát thanh tắt sóng, để tập trung nghe tín hiệu từ hành tinh Đỏ. Tất cả các máy phát, thậm chí cả của quân đội, đã im lặng trong vài ba ngày. Tuy nhiên sao Hỏa cũng im hơi lặng tiếng!

Huyền thoại về khả năng sống trên sao Hỏa tan vỡ như bong bóng xà phòng, khi vào những năm 60 thế kỷ trước, tàu thăm dò vũ trụ đầu tiên Mariner 4.21 chụp được những bức ảnh không rõ nét về cảnh quan hoang vu của sao Hỏa. Không có người sao Hỏa, không có nước, không có kênh đào, sự sống, cây xanh, thậm chí không có cả hoạt động kiến tạo địa chất.

Nhũng sứ mệnh tiếp theo, đặc biệt là sứ mệnh Mariner-9 bay vào quỹ đạo sao Hỏa, đã xoa dịu nỗi thất vọng. Người ta nhìn thấy những ngọn núi lửa khổng lồ trên sao Hỏa, cao hơn đỉnh Everest tới 3 lần.

Thậm chí các nhà khoa học còn quan sát thấy những khe suối và vùng châu thổ cổ đại (hiện tại đã khô cạn nhưng trong quá khứ có thể chứa đầy nước) cùng những khe nứt lớn và hệ thống những hẻm núi Valles Marineris (hình thành do kết quả nứt vỡ của vỏ hành tinh).

Đặc biệt, vào năm 2004, tàu thăm dò vũ trụ Mars Express trong khi bay trên quỹ đạo sao Hỏa, đã phát hiện khí methane trong khí quyển hành tinh này. Các kính viễn vọng trên mặt đất, quan sát sao Hỏa trong dải hồng ngoại, cũng phát hiện được khí methane. Khí này không bền vững trong điều kiện sao Hỏa.

Lẽ ra, methane đã biến mất trong khí quyển sao Hỏa từ vài trăm năm trước do tác động của các phản ứng hóa học, trừ phi có những loại vi sinh sản xuất ra methane sống trên sao Hỏa, giống như vi sinh trong dạ dày bò!

Tất nhiên, methane trên sao Hỏa không phải là chứng cớ của sự sống – nó có thể có nguồn gốc vô cơ.

Nước có trên sao Hỏa, nhưng là nước nhiễm muối

Điều kiện cơ bản để sự sống tồn tại trên Trái đất là nước. Chỗ nào có nước là có sự sống. Tại những khu vực lạnh nhất thuộc năm cực và trong những nguồn nước nóng nhất, sâu dưới lòng đất, đều có sự sống. Ô xi không phải là điều kiện cần.

Trên sao Hỏa không có sông hay hồ chứa nước lỏng. Áp suất và nhiệt độ (trung bình khoảng -55 độ C) trên hành tinh quá thấp. Tuy nhiên theo các phép đo của xe tự hành Opportunity, vào mùa hè sao Hỏa, ở phía Nam, nhiệt độ có thể lên tới 20 độ C, như vậy, lớp băng vĩnh cửu có thể tan chảy theo chu kỳ.

Tất nhiên các tàu quỹ đạo sao Hỏa cũng đã phát hiện dấu vết các dòng suối theo chu kỳ trên bề mặt hành tinh này.

Hai năm trước, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ NASA khẳng định rằng trên bề mặt sao Hỏa có nước chảy. Nước xuất hiện trong một thời gian ngắn, sau đó biến mất (bốc hơi hoặc thấm vào đất và đóng băng ở trong đó).

Hơn nữa, bằng quang phổ kế, các nhà khoa học phát hiện những muối perchlorate (muối perchlorate có thể làm giảm nhiệt độ đóng băng của nước) trong lòng những dòng suối khô cạn. Muối perchlorate cũng được tàu đổ bộ sao Hỏa Phoenix phát hiện vào năm 2008. Sau đó vài năm, xe tự hành Curiosity cũng bắt gặp dấu vết loại muối này.

Thí nghiệm “chết chóc”

Các nhà khoa học Vương quốc Anh quyết định kiểm tra xem nước nhiễm muối có phải là môi trường thân thiện cho sự sống hay không. Họ đã cố gắng tạo ra những điều kiện như trên bề mặt sao Hỏa, dựa trên những dữ liệu mà các tàu quỹ đạo và xe tự hành sao Hỏa cung cấp. Họ dùng tia cực tím chiếu vào dung dịch magnesium perchlorate (trên sao Hỏa tia cực tím chiếu đến bề mặt hành tinh này bởi sao Hỏa không có tầng ô zoonbaro vệ như Trái đất).

Hóa ra, dung dịch perchlorate được kích hoạt bởi tia cực tím là chất đặc biệt độc hại đối với vi khuẩn, đặc biệt trong nhiệt độ trên 4 độ C. Đất nhiễm muối sao Hỏa cũng có tính sát khuẩn

Sự có mặt của tia cực tím là nguyên nhân gây ra tính độc hại. Nếu không có tia cực tím, vi khuẩn xoay xở dễ dàng trong môi trường có muối.

“Thí nghiệm của chúng tôi chứng tỏ rằng bề mặt sao Hỏa là độc hại đối với sự sống và không thể tồn tại trên đó được” – Các nhà khoa học Anh cho biết. Điều này đặc biệt liên quan đến những dòng nước ngầm, mà một số trong đó vẫn được xem là ốc đảo sự sống sao Hỏa.

Vẫn chưa hết hi vọng

Tẫt nhiên, những cuộc săn tìm sự sống trên sao Hỏa cũng không kết thúc. Thứ nhất, chúng ta chưa biết cụ thể thành phần hóa học của toàn bộ đất sao Hỏa. Không loại trừ khả năng là có những khu vực mà đất không có độc tính.

Cũng có thể sự sống sao Hỏa trong quá trình tiến hóa đã thích nghi được các điều kiện khắc nghiệt. Thật ra, chúng ta không biết sự sống ngoài Trái đất trông như thế nào và hiện tại chúng ta dành chấp nhận các thử nghiệm trên Trái đất.

Ngoài ra, sự sống giả tưởng có thể ẩn náu sâu dưới bề mặt sao Hỏa, không có tiếp xúc với tia cực tím, khí quyển và mặt trời.

Điều này cũng không phải là khác thường. Cách đây chưa lâu, các nhà khoa học đã phát hiện một sinh quyến lớn trong lòng Trái đất. Đó là các cổ khuẩn dinh dưỡng bằng methane. Chúng xuất hiện rất sớm, khoảng 3,5 tỷ năm về trước và suốt một thới gian dài, chúng chế ngự Trái đất, cùng các vi khuẩn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ