Sáng tỏ nhiều bí ẩn lịch sử

Có thể nói, năm 2014 là một năm “bội thu” đối với ngành Khảo cổ, khi các nhà khoa học đã liên tiếp tiến hành khai quật và phát hiện được nhiều vấn đề quan trọng, mới lạ ở nhiều khu di tích trên cả nước. 

Sáng tỏ nhiều bí ẩn lịch sử

Trong số này, phải kể đến những phát hiện ở các khu di tích như: Thành Cổ Loa; Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) và Thành cổ Luy Lâu (Bắc Ninh). Những phát hiện ở các khu di tích này là cơ sở để làm sáng tỏ nhiều vấn đề chưa rõ ràng, gây tranh luận bấy lâu nay.

Các bằng chứng khẳng định, những giá trị không thể đong đếm được bằng vật chất ở các di tích sẽ góp phần tô điểm, giáo dục đối với thế hệ trẻ ngày nay về truyền thống văn hóa, văn minh của dân tộc Việt Nam tự ngàn đời.

Thành Cổ Loa đắp trên một tòa thành có trước đó

Trong giai đoạn 2007 – 2014, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long- Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam cùng với các đối tác uy tín nước ngoài đã có 3 đợt khai quật, nghiên cứu khảo cổ tại Khu di tích thành Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội). 

Đó là vào các năm 2007 - 2008: cắt lũy hào Thành Trung tại xóm Thượng và xóm Bãi; năm 2012: cắt Thành Ngoại tại xóm Đống Dân và năm 2014: Ụ Hỏa hồi và thành Nội tại thôn Chợ.

Theo Tiến sĩ Trịnh Hoàng Hiệp (Viện Khảo cổ học Việt Nam), kết quả nghiên cứu 3 vòng thành Cổ Loa cho thấy, nếu như kỹ thuật đắp Thành Ngoại, Thành Trung, hay vọng gác trong giai đoạn Đông Sơn, thành được đắp hình vòng cung, rồi các giai đoạn đắp tiếp theo cũng có hình dáng như vậy đã làm to thêm kích thước của tường thành thì kỹ thuật đắp thành Nội, Ụ Hỏa hồi phía Đông Bắc thành Nội cho thấy, các lớp đất đắp ở các giai đoạn khác nhau đều có tính thống nhất, đó là tạo thành mặt phẳng, chứ không đắp đất thành hình vòng cung và không có hiện tượng cắt đất (cắt đất là kỹ thuật được phát hiện trong quá khứ của xã hội Trung Quốc cổ) như kỹ thuật đắp Thành Trung.

Tuy nhiên: “Cắt đất ở các di chỉ thuộc nhà Hán Trung Quốc có xu hướng mỏng và có độ dày thống nhất, khoảng 12-14cm, trong khi các lớp đất cắt của giai đoạn 2 rất dày, thô và thiếu tính đồng nhất. Các tài liệu của các nền văn minh khác nhau cho thấy, sử dụng kỹ thuật cắt đất đã được ghi trong hồ sơ khảo cổ học và dân tộc học ở thành phố miền Nam Lưỡng Hà, Inka của Peru và các quốc gia Yoruba ở châu Phi. 

Do đó, chúng tôi không tin người Trung Quốc đã đắp thành giai đoạn 2 của Thành Trung, nhưng không loại trừ khả năng do ảnh hưởng từ người Trung Quốc hoặc dưới sự chỉ đạo của người Trung Quốc”, TS. Trịnh Hoàng Hiệp đặt giả thuyết.

Thêm một phát hiện quan trọng nữa khi nhóm các nhà khoa học cho rằng, Thành Cổ Loa, do vua An Dương Vương đắp, đã kế thừa tòa thành có trước đó, tòa thành của làng phòng thủ tương ứng với chế độ xã hội dạng Chiefdom. 

Tuy nhiên, thành do vua An Dương Vương đắp có quy mô to lớn gấp nhiều lần, khối lượng công việc đó chắc chắn tương ứng với một chế độ xã hội cao cấp dạng nhà nước sơ khai, có người đứng đầu quản lý các hoạt động chung như nhà nước Âu Lạc. 

Nghiên cứu kỹ thuật đắp thành, quy mô và hình dáng của thành thấy rằng, đó là truyền thống đắp thành của người Việt, rất khác với kỹ thuật, những quy định cụ thể của nhà Hán.

Như vậy, với những nguồn tư liệu hiện nay, nhóm các nhà khoa học cho rằng, có một chính thể kiểu nhà nước bản địa và địa phương đã xuất hiện trong giai đoạn Đông Sơn trước khi nhà Hán đến đô hộ. 

Trước khi thành Cổ Loa được xây dựng, chưa có một di tích nào được xây dựng ở lưu vực châu thổ sông Hồng có kích cỡ và diện tích lớn như Cổ Loa và để xây dựng được thành lớn như Cổ Loa, chắc chắn cần phải có một lực lượng quân sự hùng mạnh, sự quản lý kiểu nhà nước và tập trung hóa.

Khu đô hội Luy Lâu của quận Giao Chỉ

Thành Luy Lâu được coi là di tích thành cổ có quy mô to lớn và bề thế nhất so với những di tích thành lũy thời Bắc thuộc hiện còn ở miền Bắc nước ta. Tính đến thời điểm này, di tích Thành cổ Luy Lâu vẫn còn nhiều bí ẩn lịch sử. 

Mới đây, nhóm nghiên cứu thuộc dự án hợp tác nghiên cứu khảo cổ học Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn 2014-2019 tại khu di tích Thành cổ Luy Lâu đã bước đầu đưa ra được một số kết quả về phạm vi, niên đại, cũng như cấu trúc của di tích này, đặc biệt là khu vực thành Nội.

Di tích thành cổ Luy Lâu vẫn còn nhiều bí ẩn lịch sử. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia cung cấp.

Di tích thành cổ Luy Lâu vẫn còn nhiều bí ẩn lịch sử. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia cung cấp.

Cách thành cổ 5km về phía Đông Bắc, nhóm khai quật phát hiện di tích bãi Phà Hồ rộng lớn, có tính chất một khu dân cư cảng thị. Bên cạnh đó, cách thành Luy Lâu khoảng 4km về phía Tây là khu Sen Hồ, có cao độ cao hơn so với mực nước biển 6-7m, trước đây là cửa nhánh phía Đông của dòng sông Dâu cổ. 

Thông qua việc sử dụng ảnh vệ tinh Corona từ năm 1964, có thể nhận thấy rất rõ các dấu vết do khúc uốn của sông Dâu để lại. Khoảng vài trăm năm đầu Công nguyên, vùng Sen Hồ từng là một khu dân cư, cảng thị khá lớn. 

Cả hai khu dân cư, cảng thị này đều là những trung tâm quan trọng trong giao thương buôn bán vận tải sông nước của trị sở Luy Lâu ở Giao Chỉ. Như vậy Thành cổ Luy Lâu của quận Giao Chỉ chính là khu đô hội với khu dân cư, cảng thị “vệ tinh” trong phạm vi bán kính 5km.

Một trong những kết quả đáng lưu ý là nhóm nghiên cứu đã tìm thấy một số lượng lớn gạch ngói cùng với các hiện vật đúc đồng cho thấy, có hoạt động sản xuất chế tạo đồ kim loại tại khu vực Luy Lâu. Đoàn nghiên cứu đã thu được khoảng hơn 50 mảnh khuôn trống bằng đất nung, gồm cả khuôn ngoài và khuôn trong, thuộc các bộ phận khác nhau như mặt, tang, lưng và chân. 

Các mảnh khuôn ngoài thường có những vòng hoa văn điển hình của trống Đông Sơn như: vòng tròn tiếp tuyến, vòng tròn đồng tâm, văn bông lúa… Điều này chứng minh cho tính bản địa của trống Đông Sơn, cũng như góp phần giúp chúng ta hình dung rõ hơn về quy trình đúc trống đồng của ông cha ta thời xưa.

Tiến sĩ Hoàng Hiểu Phấn khẳng định: “Ở khu di tích Thành cổ Luy Lâu có sự tích hợp giữa văn hóa Hán - tức văn hóa ngoại lai với văn hóa bản địa - là văn hóa Đông Sơn khoảng trước thế kỉ thứ 4 sau Công nguyên. Như chúng ta đã biết, thế kỉ thứ 4 là thời kì nhà Hán suy vong nhưng văn hóa Đông Sơn vẫn tồn tại, phát triển cùng di tích này”.

Kiến trúc phía Tây Nam của không gian chính điện Kính Thiên

Giáo sư Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện khảo cổ học Việt Nam cho biết, từ tháng 2 – 12/2014, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội đã phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành khai quật thăm dò khu vực phía Bắc di tích Đoan Môn với tổng diện tích gần 1.000m².

Di tích đường nước lớn thời Lý, Trần trong không gian chính điện Kính Thiên (Hoàng Thành Thăng Long). Ảnh: Viện Khảo cổ học cung cấp.

Di tích đường nước lớn thời Lý, Trần trong không gian chính điện Kính Thiên (Hoàng Thành Thăng Long). Ảnh: Viện Khảo cổ học cung cấp.

Kết quả khai quật đã phát hiện tầng văn hóa dày với nhiều lớp kế tiếp nhau, phát triển liên tục và có niên đại kéo dài suốt 13 thế kỷ ( từ thế kỷ VIII – IX đến thế kỷ XIX – XX) ở trục Trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

Đặc biệt, cũng trong năm 2014, các nhà khoa học đã xác định rõ kiến trúc thuộc 2 giai đoạn Lê Sơ và Lê Trung Hưng chồng xếp lên nhau, kéo dài qua 400 năm.

Thời Lý, Trần tiếp tục được làm rõ với di tích đường nước lớn và kiên cố, cùng tường, móng kiến trúc và nền sân gạch… Các phát hiện khảo cổ năm 2014 cho thấy sự phong phú, tính chất phức tạp của các di tích thuộc khu vực sân Đại Triều của điện Kính Thiên và càng chứng minh rõ giá trị to lớn nhiều mặt của Di sản Thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

Đóng góp ý kiến cho những nhận định bước đầu về tính chất, niên đại, quy mô, chức năng và giá trị của các di tích đã xuất lộ tại các hố khai quật tại khu vực chính điện Kính Thiện năm 2014. Nhiều nhà khoa học đánh giá rất tích cực kết quả của cuộc khai quật này. 

Theo Giáo sư Lê Văn Lan, việc khai quật đã được tiến hành công phu và đã tìm thấy những di tích quan trọng, góp phần làm rõ thêm lịch sử giai đoạn này. Cùng chung nhận định, Giáo sư Phan Huy Lê cho rằng, kết quả khai quật đã có những phát hiện rất mới mẻ, bổ sung nâng cao thêm những kết quả khảo cổ từ năm 2011 đến nay.

Trong đó có thể kể đến việc phát hiện một phần kiến trúc quy mô khá lớn thời Lê Trung Hưng khoảng thế kỷ XVII như bức tường bao 1,7m rất kiên cố, nền sân điện, móng cột đồ sộ khác hẳn móng cột thời Lê sơ… Bên cạnh đó, còn có nhiều di vật rất quý.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội, Trung tâm sẽ trình UBND TP Hà Nội kế hoạch tiếp tục khai quật khảo cổ với diện tích rộng hơn trong thời gian tới, dự kiến diện tích khai quật có thể lớn hơn gấp 5 lần diện tích khai quật thăm dò khảo cổ năm 2014.

Theo cand

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ