Sáng tạo trong đổi mới của ngành giáo dục Thanh Thủy

GD&TĐ - Những sáng tạo trong đổi mới đã đưa ngành giáo dục Thanh Thủy giữ vững vị trí trong tốp đầu của tỉnh Phú Thọ, đặc biệt giáo dục mũi nhọn.

Ông Nguyễn Minh Tường - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện uỷ Thanh Thuỷ trao đổi với Báo GD&TĐ.
Ông Nguyễn Minh Tường - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện uỷ Thanh Thuỷ trao đổi với Báo GD&TĐ.

Xây dựng vững chắc nền tảng giáo dục

Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế (Nghị quyết số 29) đã tạo sự lan tỏa cùng những chuyển biến mạnh mẽ trong đổi mới GD&ĐT trên địa bàn tỉnh Phú Thọ nói chung và huyện Thanh Thủy nói riêng.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Minh Tường - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện uỷ Thanh Thuỷ khẳng định, nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của công tác GD&ĐT, từ nhiều năm qua, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện luôn quan tâm tới GD&ĐT, xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

"Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã chỉ đạo ngành GD&ĐT kịp thời ban hành các kế hoạch cụ thể hóa nghị quyết và triển khai đồng bộ trong đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Các trường học trên địa bàn huyện đã xây dựng kế hoạch nhiệm vụ từng năm học, nhằm bảo đảm thực hiện đạt kết quả, nhiệm vụ được giao...”, ông Nguyễn Minh Tường nói.

Cụ thể, Thanh Thủy đã xây dựng và ban hành 17 văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 29. Trong đó, đặc biệt ban hành Nghị quyết chuyên đề số 13 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Với mục tiêu đổi mới đồng bộ GD&ĐT theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học, tăng cường thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn, hướng dẫn học sinh cách học, giáo dục ý thức tự học; chú trọng công tác giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống cho học sinh.

Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Công tác đổi mới trong thi, kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục được quan tâm, chỉ đạo, triển khai tích cực. Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lí giáo dục luôn được quan tâm chỉ đạo thực hiện hiệu quả đáp ứng yêu cầu đổi mới

Nghị quyết số 29 và Nghị quyết chuyên đề số 13 chính là “kim chỉ nam” để thực hiện công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT trong bối cảnh mới trên địa bàn huyện Thanh Thủy. Từ đó, cấp ủy, chính quyền luôn quan tâm, chăm lo cho sự phát triển giáo dục; mối quan hệ giữa nhà trường và cha mẹ học sinh ngày càng mật thiết; tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi đến trường ngày càng tăng...

Đây là những tín hiệu đáng mừng để ngành giáo dục huyện Thanh Thủy có những bước đi vững chắc trong giai đoạn đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Đặc biệt, với sự sáng tạo, nhạy bén trong triển khai kế hoạch, các cuộc vận động, phong trào thi đua của ngành gắn với những hoạt động cụ thể, thiết thực, phù hợp với đặc điểm tình hình của từng đơn vị trường đã đem lại nhiều kết quả trong công tác giáo dục của huyện.

Lấy giáo dục làm mũi nhọn dựng tương lai

Thực tế trong 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29 đã cho thấy những chuyển biến tích cực trong phát triển GD&ĐT của Thanh Thủy. Trong bức tranh đổi mới giáo dục, điểm nổi bật nhất là quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. Từ đó, hệ thống giáo dục từng bước được đổi mới theo hướng mở, linh hoạt.

Đến nay, toàn huyện đã có 51/53 trường đạt chuẩn Quốc gia, chiếm tỷ lệ 97,23%, trong đó 19 trường đạt mức độ 2 chiếm tỷ lệ 35,8%. Huyện cũng đã đầu tư xây dựng các công trình giáo dục trị giá hơn 270 tỷ đồng, mua sắm thiết bị gần 90 tỷ đồng, chi cho công tác bồi dưỡng giáo viên 1,62 tỷ đồng. Bình quân hàng năm chi ngân sách cho sự nghiệp giáo dục chiếm trên 30%.

Thanh Thủy đặc biệt quan tâm đến công tác khuyến học và động viên học sinh giỏi có hoàn cảnh khó khăn.

Thanh Thủy đặc biệt quan tâm đến công tác khuyến học và động viên học sinh giỏi có hoàn cảnh khó khăn.

Trong 10 năm qua, tỷ lệ huy động học sinh vào lớp 1 của huyện hằng năm luôn duy trì đạt 100%; tỷ lệ học sinh lớp 5 được xét hoàn thành chương trình tiểu học hằng năm đạt 100%; tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6 THCS đạt trên 100%; trên 99% học sinh tốt nghiệp THCS; trên 98% tốt nghiệp THPT.

Giáo dục huyện Thanh Thủy luôn là mũi nhọn giữ vững vị trí dẫn đầu của tỉnh Phú Thọ. Học sinh của huyện tham gia thi học sinh giỏi lớp 9 cấp Tỉnh có 803 lượt học sinh/9 năm, 610 em đoạt giải (trong đó có 35 giải Nhất, 176 giải Nhì; 2/9 năm xếp thứ Nhất toàn tỉnh; nhiều năm giáo dục Thanh Thuỷ xếp tốp đầu của tỉnh, một số lĩnh vực dẫn đầu). 3 năm gần nhất, huyện Thanh Thuỷ có 139 sản phẩm dự thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng cấp tỉnh. Đặc biệt trường THPT Thanh Thuỷ có 3 sản phẩm nghiên cứu khoa học kỹ thuật dự thi cấp quốc gia, trong đó có 1 giải Ba, 1 giải Tư.

Các mô hình giáo dục hay, cách làm hiệu quả, sáng tạo và nhân văn như: Mô hình trường học “an toàn - thân thiện - bình đẳng”; giáo dục, gìn giữ bản sắc dân tộc Mường ở một số cơ sở giáo dục tại xã Tu Vũ; lớp 24+ … được duy trì và nhân rộng.

Cùng với việc chú trọng nâng cao chất lượng dạy và học, Thanh Thủy đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng cán bộ, giáo viên, nhân viên không chỉ đủ về số lượng mà còn bảo đảm về chất lượng. Hiện, gần 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn. Huyện quan tâm hỗ trợ kinh phí chi trả chế độ cho giáo viên hợp đồng, đặc biệt là giáo viên mầm non.

Với những kết quả nổi bật, huyện Thanh Thủy được chọn kiểm tra thực hiện 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của tỉnh và được đánh giá xuất sắc.

Có thể khẳng định, kết quả đạt được của ngành giáo dục Thanh Thủy trong những năm qua đã khẳng định bước đi đúng hướng trong chỉ đạo, điều hành của ngành giáo dục huyện. Đây cũng là kết quả của sự quan tâm, chăm lo của các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân trong huyện; sự năng động, sáng tạo của các nhà trường, của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cùng với sự say mê học tập, sáng tạo không ngừng của các em học sinh.

Bí thư Huyện uỷ Thanh Thuỷ Nguyễn Minh Tường cho biết, thời gian tới, để thực hiện hiệu quả việc đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, huyện tiếp tục tổ chức triển khai, quán triệt sâu rộng Nghị quyết số 29 và Nghị quyết chuyên đề số 13 và các văn bản chỉ đạo có liên quan; nâng cao vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc thực hiện nghị quyết; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát.

Huyện Thanh Thủy cũng tăng cường chỉ đạo việc rà soát quy hoạch mạng lưới trường lớp, huy động số lượng; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018; đẩy mạnh hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.