Sáng tạo không gian mới trong trường học

GD&TĐ - Từ Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đến không gian tự học hiện đại, tất cả đều được trường học ở TPHCM sáng tạo...

Một góc của Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Trường Tiểu học Đặng Trần Côn. Ảnh: TH
Một góc của Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Trường Tiểu học Đặng Trần Côn. Ảnh: TH

Những “địa chỉ” này không chỉ là nơi lý tưởng để học sinh đến tìm hiểu, trải nghiệm, mà còn hỗ trợ đắc lực quá trình dạy và học của nhà trường.

“Con đường Hồ Chí Minh”

Tháng 5/2024, Trường THPT Dương Văn Thì (TP Thủ Đức) khánh thành Không gian văn hóa Hồ Chí Minh mở rộng mang tên “Con đường Hồ Chí Minh”. Việc mở rộng không gian nhằm tiếp tục tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ.

Hiện nay, 100% cơ sở giáo dục đều xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh phù hợp với điều kiện của đơn vị, kết hợp triển khai trên không gian mạng.

Toàn ngành có hơn 1.400 mô hình, công trình vật thể trưng bày tại các trường học, phục vụ cho việc dạy và học các môn như: Lịch sử, Ngữ văn, Giáo dục địa phương, Giáo dục công dân, kể cả sinh hoạt, trải nghiệm.

Việc các trường học mở rộng không gian ra sân trường, hành lang, đổi mới hình thức truyền đạt thông tin đã tạo ra những cảm hứng mới mẻ cho cả thầy và trò. - Bà Cao Thị Thiên Phúc (Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT TPHCM)

Cô Nguyễn Thị Hà - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Dương Văn Thì cho biết, từ năm học 2022 - 2023, nhà trường xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trang trọng để học sinh tham quan và học tập. Không dừng lại ở đó,

Ban giám hiệu nhà trường luôn trăn trở với những câu hỏi: “Bác Hồ gần gũi với quần chúng biết bao nhiêu, Bác ở trong tim của mỗi người, hiện diện ngay trong mỗi việc ta làm, mỗi lời ta nói, hàng ngày. Sao chỉ vào một căn phòng mới có Không gian văn hóa Hồ Chí Minh?

Sao không để những hình ảnh, sự kiện về Người xuất hiện hàng ngày bên cạnh các em? Từ đó giúp các em tự xem, tự cảm nhận, tự nhìn và tự thấy mỗi ngày…”.

Ngay sau đó, Ban giám hiệu nhà trường lên kế hoạch để thầy cô bắt tay vào thực hiện. Giáo viên các tổ Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật cùng trình bày ý tưởng, bàn bạc, chọn chủ đề, chia nhóm tìm tư liệu…

“Con đường Hồ Chí Minh” nhanh chóng được hình thành trong khuôn viên nhà trường. Điều đáng mừng là học sinh vô cùng thích thú. Công trình được thiết kế ở khu vực hành lang lầu 1, trải dài với 3 chủ đề đặt tại 3 sảnh hành lang, gồm: “Bác Hồ và sự nghiệp giáo dục”; “Bác Hồ và bạn bè quốc tế”; “Con đường Người đã đi qua”. “Mỗi chủ đề có 6 - 8 khung hình, chọn lọc các hình ảnh, tư liệu phù hợp với mỗi chủ đề, mang ý nghĩa giáo dục”, cô Hà nói.

Mới đây, ngày 5/9, Trường Tiểu học Đặng Trần Côn (Quận 4) khánh thành Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Điều đặc biệt, không gian không nằm trong phòng kín, mà là những bức tranh sống động, đầy màu sắc về cuộc đời Bác được vẽ trên những bức tường bao quanh sân trường.

Từ Làng Sen, nơi Bác được sinh ra đến Bến Nhà Rồng nơi Người ra đi tìm đường cứu nước, căn cứ địa cách mạng hang Pác Bó (Cao Bằng), Quảng trường Ba Đình lịch sử - nơi Bác Hồ đọc “Tuyên ngôn độc lập”, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và cuối cùng là Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, mỗi “địa điểm” đều có những tủ sách riêng để học sinh đọc. Cô Phạm Thúy Hà - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đặng Trần Côn cho biết: “Nhà trường mong muốn đưa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh đến gần hơn nữa với học sinh. Hàng ngày, các em đều thấy được những hình về Bác, đọc được các câu chuyện về Bác, từ đó giúp việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở nên gần gũi, thiết thực hơn nữa”.

sang-tao-khong-gian-moi-trong-truong-hoc-4-588.jpg
Học sinh Trường Tiểu học Đặng Trần Côn lấy sách từ các ống để đọc. Ảnh: TH

Phát triển văn hóa đọc, kỹ năng tự học

Chia sẻ thêm về Không gian văn hóa Hồ Chí Minh vừa mới khánh thành, cô Phạm Thúy Hà - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đặng Trần Côn cho hay, đây là nơi để thầy trò cùng nhau tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ.

Học sinh có thể đọc sách bất cứ chỗ nào trong khuôn viên trường, ngoài các tủ sách di động, các bàn đọc được bố trí rải rác ở trên sân, nhà trường còn thiết kế các ống treo sách trên các cây xanh trong sân trường nhằm tạo sự thích thú, tò mò khám phá các quyển sách mới của từng em. Đây cũng là cách nhà trường phát triển kỹ năng đọc, kỹ năng tự học cho các em học sinh.

“Việc đọc sách tự phát sẽ rất khó giữ chân học sinh lâu dài. Do đó, trường đã thiết kế những tiết học đọc sách có định hướng để các em tham gia. Sau đó, thầy cô sẽ tổ chức các hoạt động có liên quan như vẽ tranh về sách, kể chuyện, đóng vai… để học sinh ghi nhớ sâu hơn nội dung của sách.

Đặc biệt, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh cũng đã được gắn mã QR code để mọi người có thể kết nối trực tuyến nhằm nghiên cứu về những tác phẩm nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh như: Đường Kách Mệnh, Nhật ký trong tù, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Tuyên ngôn độc lập, Di chúc… cùng các ca khúc ca ngợi Hồ Chủ tịch…”, cô Hà nói thêm.

Trong dịp khai giảng năm học mới 2024 - 2025, Trường THPT Lê Quý Đôn (Quận 3) đã khánh thành khu tự học rộng hơn 200m2 khiến học sinh rất thích thú. Khu tự học không có tường bao quanh, mà chỉ có cây xanh, gió trời và ánh sáng tự nhiên. Tại đây, nhà trường bố trí nhiều dãy bàn ghế, mỗi khi có hoạt động, bàn ghế có thể điều chỉnh hướng về phía sân khấu chung.

Cô Bùi Minh Tâm - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn cho rằng, Chương trình GDPT 2018 đòi hỏi học sinh phải có năng lực tự học, tự tìm hiểu. Không gian tự học rộng rãi, hiện đại sẽ giúp các em có thêm cảm hứng học tập, kết nối với nhau trong quá trình học tập và thực hành.

“Thư viện trường rất lớn nhưng đã không đáp ứng được yêu cầu của các em. Thay vì để học sinh chỉ ngồi không hay la cà ở quán cà phê những khi rảnh rỗi, việc tự học hoặc đọc sách ở khu tự học hiệu quả và an toàn hơn. Thầy cô cũng có thể đưa học sinh xuống đây học tập, dạy cùng lúc 2 lớp để các bạn giao lưu với nhau. Gần 20 câu lạc bộ của trường có thể tổ chức các chương trình…”, cô Tâm cho hay.

sang-tao-khong-gian-moi-trong-truong-hoc-1-1315.jpg
Khu tự học tại Trường THPT Lê Quý Đôn. Ảnh: MA

Trước đó, cuối tháng 8/2024, trong khuôn khổ chương trình “Những ngày Hà Nội tại TPHCM”, Triển lãm “Văn Miếu - Quốc Tử Giám, ươm mầm khát vọng hiền tài” do Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám được thực hiện tại Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn (Quận 3) mang lại nhiều ấn tượng, trải nghiệm thú vị cho học sinh.

Triển lãm giúp học sinh và giáo viên TPHCM có cơ hội tìm hiểu, khám phá di sản văn hóa của Thăng Long - Hà Nội thông qua các hoạt động trải nghiệm thú vị như tô màu di sản, viết thư pháp, in mộc bản, hỏi đáp AI với Cụ Rùa…

Đặc biệt, sau triển lãm, những di sản trưng bày tại triển lãm Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã được trao tặng cho nhà Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn. Do đó trong năm học mới 2024 - 2025, khu vực trưng bày “Văn Miếu - Quốc Tử Giám” thực sự là điểm trải nghiệm lý thú của các em học sinh trong trường.

Em Võ Văn Hùng - học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn cho biết: “Bản thân em rất vui khi Văn Miếu - Quốc Tử Giám xuất hiện ngay trong khuôn viên trường. Quá trình tham quan đã giúp em biết được rất nhiều điều như hiểu rõ hơn quá trình viết thư pháp, về tiểu sử các bậc danh nhân Đất Việt.

Qua đó giúp em tự hào về lịch sử nước nhà. Đặc biệt, em rất khâm phục tinh thần học tập của cha ông ta ngày xưa, qua đó lựa chọn được những nhân tài thực sự cho đất nước. Được trải nghiệm những mô hình về học tập, em và các bạn thêm phấn khởi, có thêm động lực để phấn đấu học tập, rèn luyện tốt hơn nữa trong thời gian tới”.

sang-tao-khong-gian-moi-trong-truong-hoc-5-6078.jpg
Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn tham quan khu vực trưng bày Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: MA

Phát huy hiệu quả trong giảng dạy

Theo cô Nguyễn Thị Hà - Phó Hiệu trường Trường THPT Dương Văn Thì, nhà trường thiết kế “Con đường Hồ Chí Minh” tại 3 hành lang của dãy nhà với các chủ đề khác nhau nên việc thầy cô chia nhóm học rất phù hợp. Bởi với Chương trình GDPT 2018, việc chia nhóm là một hoạt động thường xuyên của các môn học.

Trong năm học 2024 - 2025, các tổ bộ môn nhà trường, đặc biệt là tổ Lịch sử, Địa lí sẽ thiết kế các chuyên đề tại “Con đường Hồ Chí Minh” để học sinh tham quan, học tập. Chẳng hạn ở khối 12, trong học kỳ II, thầy cô môn Lịch sử sẽ giảng dạy trực tiếp cho học sinh ngay tại không gian này ở các bài như: Khái quát cuộc đời sự nghiệp Hồ Chí Minh; Hồ Chí Minh anh hùng giải phóng dân tộc; Dấu ấn Hồ Chí Minh trong lòng bạn bè thế giới…

“Nhà trường có lợi thế là hành lang rộng, vì thế, việc hình thành Con đường Hồ Chí Minh rất phù hợp, vừa trang trọng lại có không gian để học sinh tham quan, mà không ảnh hưởng đến việc đi lại của các em khác. Đây là không gian mở rất tiện lợi để tích hợp vào một số tiết học theo chương trình mới, đồng thời việc học tập tại một không gian mở chắc chắn sẽ tạo tâm lý thoải mái, hứng thú nhẹ nhàng cho học sinh”, cô Hà cho hay.

Thầy Đinh Hữu Đắc - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn chia sẻ, những tư liệu về “Văn Miếu - Quốc Tử Giám” thực sự đã trở thành cầu nối đưa Thủ đô Hà Nội đến gần hơn với giáo viên, học sinh trong trường. Ngay giữa lòng TPHCM các em cũng có thể được tham quan, tìm hiểu về nét đẹp văn hóa Thủ đô.

Trong năm học mới này, nhà trường tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu và giáo dục về văn hóa, lịch sử cho học sinh, nhất là với khối 4 và 5. Từ đó, nhà trường nhắm tới việc hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực học sinh theo Chương trình GDPT 2018.

“Một điều rất đáng mừng là ngay trong Chương trình GDPT 2018 cũng có bài học về Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ngoài ra, khi dạy về bài học này, thay vì phải cho học sinh trải nghiệm từ thực tế ảo, không gian 3D thì những di sản văn hóa này sẽ là mô hình trực quan cụ thể để nhà trường giáo dục học sinh, mở ra thêm các không gian học tập mới để các em tiếp thu bài học một cách hiệu quả nhất”, thầy Đinh Hữu Đắc cho hay.

Em rất thích thú Không gian văn hóa Hồ Chí Minh của nhà trường. Sau khi biết về hành trình của Bác Hồ, điều mà em muốn tìm hiểu là bản Tuyên ngôn độc lập đã viết những gì. Em sẽ tìm đọc thêm để hiểu rõ về cuộc đời Bác Hồ. Đặc biệt, từ khi trường mở không gian này, em hay ra đọc sách vì ở đây mát mẻ. Đặc biệt, em mong trường sẽ có thêm nhiều sách tiếng Anh để em rèn luyện vốn từ vựng của mình. - Nguyễn Minh Hữu Nhật (học sinh Trường Tiểu học Đặng Trần Côn)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ