Sáng tạo giải pháp tăng hiệu quả Chương trình mới ở một tỉnh miền núi

GD&TĐ - Để triển khai Chương trình GDPT 2018 một cách hiệu quả, phù hợp, các trường học ở Lào Cai đã tăng cường kiến thức, kỹ năng cho cả thầy và trò.

Tiết học chuyên đề "Phương pháp, kĩ thuật dạy học môn Toán lớp 4 Chương trình GDPT 2018" của trường Tiểu học Kim Đồng.
Tiết học chuyên đề "Phương pháp, kĩ thuật dạy học môn Toán lớp 4 Chương trình GDPT 2018" của trường Tiểu học Kim Đồng.

Tăng cường kỹ năng cho thầy và trò

Với mục tiêu giúp học sinh lớp 1 phát âm chuẩn, làm nền tảng trong việc phát triển năng lực ngôn ngữ để học tốt môn Tiếng Việt, trường Tiểu học Lê Ngọc Hân, thành phố Lào Cai đã tổ chức chuyên đề “Rèn kỹ năng phát âm” cho học sinh.

Cô Bùi Thị Việt Hà, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Ngay trong tuần học thứ 2, tổ chuyên môn khối lớp 1 đã tổ chức chuyên đề “Rèn kỹ năng phát âm” cho học sinh thông qua môn Tiếng Việt. Tiết học do cô Đỗ Thị Liên và học sinh lớp 1A7 thực hiện với bài học các âm: g – gh. Ngoài việc rèn phát âm cho học sinh, các em còn được hợp tác với bạn nghe, nói trong nhóm 2, nhóm 4. Tất cả học sinh phát âm chưa chuẩn đều được giáo viên hướng dẫn sửa ngay trong tiết học”.

Bên cạnh sự sáng tạo, đổi mới trong cách truyền đạt, giáo viên còn ứng dụng công nghệ thông tin để tạo hứng thú và thu hút sự tập trung, chú ý của học sinh bằng những hình ảnh đẹp, hấp dẫn. Lớp học trở nên sôi nổi với phần trao đổi những điều biết được thông qua quan sát hình ảnh theo hình thức thảo luận cặp đôi.

Tiết học chuyên đề “Rèn kỹ năng phát âm” tại trường Tiểu học Lê Ngọc Hân.

Tiết học chuyên đề “Rèn kỹ năng phát âm” tại trường Tiểu học Lê Ngọc Hân.

Cô Đỗ Thị Liên, giáo viên trường Tiểu học Lê Ngọc Hân cho biết: “Trong mỗi tiết học với âm vần khác nhau, học sinh thường có những lỗi phát âm sai. Tôi đã cùng các thầy cô giáo dạy lớp 1 hệ thống những lỗi sai cơ bản về phát âm của học sinh. Qua đó, lựa chọn giải pháp khắc phục trong mỗi tiết học”.

Em Thiên Di, học sinh lớp 1A7 chia sẻ: “Em rất thích tiết học này vì được phát âm cho bạn nghe. Em cũng được nghe các bạn phát âm và từ đó biết được những lỗi sai của mình để sửa”.

“Học sinh thoải mái, tự tin tìm hiểu và khám phá kiến thức và rèn kỹ năng phát âm. Tiết học không chỉ mang lại kiến thức mới mà còn tạo ra những trải nghiệm bổ ích cho học sinh. Qua đó, giúp các em phát triển toàn diện hơn về ngôn ngữ, ứng dụng tốt trong việc giao tiếp cũng như trong cuộc sống hàng ngày” – cô Bùi Thị Việt Hà chia sẻ.

2023 – 2024 là năm học đầu tiên triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 4. Để nâng cao năng lực cũng như kĩ thuật và phương pháp dạy học, trường Tiểu học Kim Đồng, thành phố Lào Cai đã tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Phương pháp, kĩ thuật dạy học môn Toán lớp 4 Chương trình GDPT 2018” theo hướng nghiên cứu bài học.

Cô Nguyễn Thị Vinh Hoa, trường Tiểu học Kim Đồng đã thực hiện chuyên đề ở tiết Toán với bài “Chia cho số có hai chữ số”. Học sinh lớp 4A2 được thực hiện các hoạt động của tiết học với tinh thần tích cực, chủ động và phát huy tối đa năng lực của mình. Ngay từ hoạt động đầu tiên, các em đã được đến với trò chơi toán học vui vẻ, bổ ích. Qua đó, thể hiện yêu cầu chuyển đổi số trong học tập.

Cô Hoàng Thị Hương Giang, Hiệu trưởng trường Tiểu học Kim Đồng cho biết: “Chuyên đề nhằm bồi dưỡng các phương pháp, kĩ thuật, quy trình dạy học cho giáo viên. Cùng với đó, khai thác học liệu điện tử, sách giáo khoa, vận dụng các hình thức tổ chức dạy học theo hướng phát huy năng lực và phẩm chất người học cho đội ngũ giáo viên dạy lớp 4”.

Học sinh lớp 4, trường Tiểu học Kim Đồng hứng thú tham gia tiết học Toán.

Học sinh lớp 4, trường Tiểu học Kim Đồng hứng thú tham gia tiết học Toán.

Bên cạnh đó, chuyên đề còn giúp giáo viên nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học theo Chương trình GDPT mới. Bồi dưỡng năng lực thiết kế, xây dựng Kế hoạch bài học và tổ chức dạy học theo mục tiêu đổi mới phương pháp.

“Trong các hoạt động của chuyên đề, giáo viên cũng nhận thấy sự tương tác của cả cô và trò trong tiết học. Qua đó, đúc rút kinh nghiệm thực hiện và áp dụng cho những tiết học tiếp theo để phát huy được ưu điểm của Chương trình mới” – cô Giang chia sẻ.

Dạy học liên thông 2 cấp

Với mục tiêu dạy học cần có sự liên thông, trường Tiểu học Bắc Lệnh đã phối hợp với trường THCS Lê Quý Đôn, THCS Lý Tự Trọng (Tp. Lào Cai) tổ chức chuyên đề “Liên cấp về đổi mới phương pháp dạy học liên thông lớp 5 lên lớp 6 chương trình GDPT mới”.

Chuyên đề có sự góp mặt của Ban Giám hiệu 3 trường cùng giáo viên khối 4, 5 trường Tiểu học Bắc Lệnh và giáo viên khối 6 trường THCS Lê Quý Đôn, THCS Lý Tự Trọng.

Theo đó, giáo viên trường Tiểu học Bắc Lệnh đã được dự tiết Tiếng Việt tại lớp 6C và Tiếng Anh tại lớp 6A của trường THCS Lê Quý Đôn. Cùng đó, tiếp tục dự 3 tiết: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh lớp 6 tại trường THCS Lý Tự Trọng.

Tiết học Tiếng Anh của học sinh lớp 6, trường THCS Lê Quý Đôn.

Tiết học Tiếng Anh của học sinh lớp 6, trường THCS Lê Quý Đôn.

Cô Trần Thị Liên, Hiệu trưởng trường Tiểu học Bắc Lệnh cho biết: “Sau các tiết dạy ở từng lớp, từng trường, Ban Giám hiệu và giáo viên dự giờ đã tổ chức Hội thảo trao đổi nhanh về những khó khăn, vướng mắc trong phương pháp, độ chênh về kiến thức giữa hai cấp học. Cùng với đó, chia sẻ điều tâm đắc, những hoạt động có thể học hỏi, bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn nhằm đáp ứng việc dạy học liên thông lớp 5 lên lớp 6”.

Qua các tiết học và buổi Hội thảo, giáo viên khối lớp 4, 5 trường Tiểu học Bắc Lệnh đã mạnh dạn nêu vấn đề để nắm được phương pháp, những bí quyết dạy học lớp 6 của giáo viên THCS. Từ đó, có sự điều chỉnh để các em tiếp cận sớm phương pháp dạy và học.

“Đây không chỉ là hoạt động chuyên môn đơn thuần mà còn là sự chủ động kết nối, gắn kết mối quan hệ giữa 3 trường - 3 môi trường học tập. Từ đó, giúp thầy cô hiểu mục tiêu, chương trình, lợi ích thiết thực trong dạy – học, thu hẹp khoảng cách giữa 2 cấp học” – cô Trần Thị Liên chia sẻ.

Năm học này, trường Tiểu học Bắc Lệnh có 30 lớp với 1.114 học sinh. Trong đó, khối 5 có 6 lớp với 235 em. Cô Trịnh Thị Nhung, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Bắc Lệnh cho biết, hiện đơn vị đang duy trì mô hình trường học mới. Trong đó, nhà trường đã tổ chức dạy học theo phương pháp nghiên cứu bài học và tích hợp Chương trình GDPT mới đối với lớp 5.

Để chủ động cho học sinh lớp 5 tiếp cận với Chương trình GDPT mới, cô Nhung cho biết: “Nhà trường đã cử đội ngũ giáo viên dự giờ cấp THCS. Cùng với đó, mời giáo viên THCS xuống dự các tiết học của lớp 5. Qua đó, đúc kết kinh nghiệm, tìm ra khó khăn vướng mắc và bàn giải pháp tháo gỡ. Đối với học sinh lớp 5 của trường, chúng tôi rèn cho học sinh kỹ năng viết vở kẻ ngang, tăng tốc độ ghi chép trong các tiết dạy”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ