Hết lòng vì học trò
Về trường công tác năm 23 tuổi, đến nay gần 30 năm đưa đò thầm lặng cho biết bao thế hệ học trò khiếm thị của trường, cô Thu Sương cho biết, niềm hạnh phúc lớn lao nhất của cô là thấy các em trưởng thành, tự phục vụ được cho bản thân; có nhiều em ra trường có việc làm ổn định. Cũng có một số em tiếp nối nghiệp đưa đò ngay chính tại ngôi trường này khiến các thầy cô rất xúc động.
Qua nhiều năm đứng lớp, cô Thu Sương chia sẻ về kinh nghiệm dạy học với những HS đặc biệt của mình: Đến với các em chuyên biệt đòi hỏi giáo viên phải tự học mỗi ngày mới có đủ kiến thức, kỹ năng để dạy các em. Với tôi, sau mỗi buổi lên lớp đều tự đánh giá lại bản thân những ưu, khuyết điểm gì, cần đổi mới ra sao để những buổi học sau các em có thể tiếp thu nhanh hơn.
Ngoài ra, quan điểm trong giảng dạy của cô là dạy theo nhu cầu của học sinh, không nên dạy những nội dung quá tầm đối với sự tiếp thu của các em. Và quan trọng hơn hết vẫn là lòng yêu nghề, mến trẻ, bởi trẻ ở đây là những học sinh khiếm thị.
Nói về cô giáo Nguyễn Thị Thu Sương, cô Hà Thanh Vân, Hiệu trưởng Trường PT chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu cho biết: Cô Thu Sương là người có phẩm chất đạo đức, tác phong tốt, rất gần gũi, yêu thương học sinh khiếm thị, luôn nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của các em để góp phần cùng nhà trường chăm lo, giáo dục các em.
Hướng dẫn học sinh trong giờ thực hành chế biến thực phẩm |
Tiên phong trong đổi mới dạy học
Qua khảo sát, thấy mong muốn tập trung nhất của các em là được học kỹ năng, học nghề…, từ đó nhà trường mới bắt tay thực hiện. Năm học 2017-2018 lànăm thứ tư Trường Nguyễn Đình Chiểu tổ chức lớp học dạy chế biến thực phẩm cho học sinh khiếm thị của mình. Nghề chế biến thực phẩm khơi nguồn cho các nghề khác theo sau, như giặt là, làm nhang, mát-xa…
Cứ vào thứ 4 hằng tuần, từ sáng sớm, với sự hướng dẫn của cô Thu Sương, các em của lớp học chế biến thực phẩm rủ nhau đi siêu thị mua thực phẩm. Sau đó, HS phân chia nhau làm các công đoạn: Có bạn ướp thịt, tay này sờ soạng tìm chai nước mắm, tay kia cầm một cái hũ nhỏ lắc mạnh để tìm bột nêm (giữa những hũ muối, đường, tiêu, bột ngọt). Có bạn được phân công ngồi thái hành tây, hành lá, hay lau chén, đũa, muỗng…, có bạn xếp giấy hoặc chuẩn bị bánh mì để làm món bánh mì kẹp thịt…
Có thể hiểu được niềm vui đó của các em, vì với người khiếm thị, để có thể nắm bắt các công đoạn chế biến thức ăn, tìm hiểu về nguyên vật liệu nấu nướng và cả cách đi siêu thị mua đồ như thế nào là một vấn đề lớn. Những công đoạn ấy phải lặp đi lặp lại nhiều lần các em mới ghi nhớ, “lập trình” trong đầu, ngốn rất nhiều thời gian của cô và trò.
Đối với cô Thu Sương nói riêng, các thầy cô trong trường nói chung, mỗi món ăn của HS mình làm ra được xem như một công trình. Và với chương trình này, có thể nói, đó là một cách “dắt tay vào đời” thiết thực cho học sinh của mình mà nhà trường đã và đang thực hiện.