Bộ Y tế cho biết, theo thông tin từ phía Nhật Bản, sáng nay 9/7 lô vắc xin phòng Covid-19 AstraZeneca thứ 3 (gồm khoảng 600.000 liều) do Chính phủ và nhân dân Nhật Bản viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam sẽ về đến Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, TP Hồ Chí Minh.
Trước đó, ngày 16/6, Nhật Bản đã viện trợ Việt Nam gần 1 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 AstraZeneca.
Đến ngày 2/7, gần 400.000 liều vắc xin trong tổng số 1 triệu liều mà Nhật Bản viện trợ không hoàn lại thêm cho Việt Nam phòng chống dịch Covid-19 đã về đến sân bay Tân Sơn Nhất.
Tính cả lô vắc xin thứ 3 mà Nhật Bản hỗ trợ về Việt Nam sáng nay 9/7 là Việt Nam tiếp nhận tổng cộng hơn 5,5 triệu liều vắc xin, trong đó gần 2,5 triệu liều do COVAX Facility hỗ trợ, hơn 400.000 liều đặt mua thông qua công ty VNVC, khoảng 2,5 triệu liều vắc xin do các nước tặng, hơn 97.000 liều vắc xin đặt mua của Pfizer/BioNTech.
Dự kiến cuối tuần này, thêm 2 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 của Moderna cũng về đến Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, thời gian qua Việt Nam đã rất nỗ lực để có thể tiếp cận vắc xin phòng Covid-19. Đã có khoảng 200 cuộc đàm phán, trao đổi ua đàm phán liên quan đến vấn đề vắc xin. Đến nay, có khoảng 105 triệu liều vắc xin từ các nguồn cung ứng khác nhau được cam kết phân bổ cho Việt Nam.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, trong tháng 7/2021, sẽ có khoảng 8,7 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 về Việt Nam và sẽ ưu tiên cho TP.Hồ Chí Minh, các tỉnh lân cận có dịch; ưu tiên lực lượng tuyến đầu trong phòng chống dịch và phát triển kinh tế; ưu tiên người trên 65 tuổi và có bệnh lý nền.
Việc tiêm chủng tại TPHồ Chí Minh nên chia thành nhiều điểm nhỏ và chia theo khung giờ thay vì tập trung tại điểm lớn; Bộ Y cũng sẽ chuyển đến TP Hồ Chí Minh 30 xe tiêm chủng lưu động để phục vụ công tác tiêm chủng của thành phố.