Thắp lên cơ hội thay đổi cuộc sống mới
Đến lớp học tại thôn Khuổi Ún (Xã Nghiên Loan, Pác Nặm, Bắc Kạn) lúc 19h30, chúng tôi được cảm nhận một không khí học tập sôi nổi, những khuôn mặt rạng rỡ, những nụ cười ấm áp, không gian được làm ấm lên bởi những tiếng đọc bài, trao đổi giữa các học viên với cô giáo của mình.
Bà Phương Thị Lai (SN 1956, Dân tộc Dao) là học viên lớn tuổi nhất trong lớp hồi tưởng, trong ký ức của bà vì nhà có em nhỏ, bố mẹ đẻ nhiều con, bản thân bà lại là con gái nên không được cho đi học, chỉ ở nhà trông em, làm việc nhà nên không biết chữ.
Những bàn tay thô ráp vốn quen với việc canh tác trồng lúa, trồng ngô thì nay đang cố gắng nắn nót từng con chữ với mong muốn biết đọc, biết viết tiếng phổ thông, tính toán thành thạo, từ đó dễ dàng tiếp cận các kiến thức, tăng thêm hiểu biết vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn minh.
Qua những ngày đầu còn lóng ngóng chưa biết cầm bút, nét chữ còn nguệch ngoạc, đến hôm nay bà đã biết viết tên mình, tên của các thành viên trong gia đình. Với bà đó là một kỳ tích. Khi nói lời cảm ơn các thầy giáo, các cán bộ đã cho bà được đi học dường như khóe mắt bà đã nhòe đi...
Còn anh Đặng Văn Pham (SN 1974, Dân tộc Dao) ngập ngừng chia sẻ, lúc đầu khi được vận động đi học bản thân anh rất e ngại. Bởi cả lớp có 27 học viên mà chỉ có 3 học viên là nam giới. Sau khi được cán bộ thôn và người thân trong gia đình động viên, vượt qua mặc cảm của bản thân, anh Pham đã quyết tâm đến lớp và trở thành một trong những học viên khá của lớp.
Anh bộc bạch: “Ngày xưa thì gia đình rất khó khăn, cái ăn còn chẳng đủ nên bố mẹ không cho đi học, không biết chữ. Bây giờ được các thầy giáo giảng dạy, biết đọc một tí, biết viết một tí, biết cộng, trừ, nhân, chia nên đi chợ bán con gà, con lợn đã biết tính toán, không sợ bị người ta bắt nạt nữa”.
“Ánh sáng” từ chủ trương của Đảng, từ những lớp học đặc biệt mà thầy cô đã miệt mài gieo chữ trên rẻo cao nơi đây đang giúp bà con đọc thông, viết thạo, thắp lên cơ hội thay đổi cuộc sống mới…
Khắc phục khó khăn
Cô giáo Hoàng Mùi Muổng (Dân tộc Dao), hiện đang công tác tại trường PTDT Bán trú Tiểu học Nghiên Loan II cho biết cô được phân công nhiệm vụ phụ trách lớp học xóa mù chữ tại thôn Khuổi Ún với 27 học viên dân tộc Dao, đa số đều làm nông nghiệp có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.
Bản thân cô cũng là người dân tộc thiểu số, sinh ra và lớn lên ở xã khó khăn nên cô hiểu rất rõ hoàn cảnh của các học viên, vì nhiều lý do mà họ không được đến lớp, được học hành, lâu dần ngại giao tiếp. Có người nói ngọng, không nói được dấu ngã, các vần khó như uya, uyên, uyết… cô đã dùng các phương pháp gợi mở, vấn đáp nhẹ nhàng để học viên thêm tự tin, mạnh dạn hơn khi học.
Vì học viên là những người lớn tuổi phải hướng dẫn học viên tỉ mỉ từng con chữ, cách đọc, cách cầm bút viết, truyền tải bài học gắn liền với cuộc sống để học viên dễ hiểu nhất, với các học viên lớn tuổi luôn dành sự quan tâm nhiều hơn, luôn khen ngợi kịp thời để tạo không khí vui vẻ trong lớp học.
Cô Muổng cho biết thêm: Trước đây, lớp học Xóa mù chữ được tổ chức tại hội trường thôn Khuổi Ún nhưng do ảnh hưởng của cơn bão số 3, hội trường thôn vốn là nơi học tập của 27 học viên đã bị đất đá đè lấp. Hiện tại, lớp học xóa mù chữ phải học nhờ tại lớp học trường PTDT Bán trú Tiểu học xã Nghiên Loan II, xa hơn địa điểm cũ khoảng 2km.
Đa số học viên ở cách nhau khá xa, phải đi bộ và không ở gần trường, đường đi lại tối, nên cô mong muốn các cấp chính quyền, UBND xã Nghiên Loan sẽ có phương án khắc phục trong thời gian tới để cô trò sớm được trở lại học tập tại địa điểm cũ, giúp con đường đi tìm con chữ của bà con dân tộc bớt xa xôi hơn.