San sẻ gánh nặng

San sẻ gánh nặng

Những hình ảnh, việc làm trên cho thấy sự quan tâm, tình cảm cao đẹp, cùng dìu nhau đi qua khó khăn trong ngày dịch bệnh của thầy với trò. 

Việc làm đẹp

Theo thống kê sơ bộ, Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) có khoảng 540 sinh viên sinh sống tại ký túc xá Mễ Trì và các nhà trọ trên địa bàn Hà Nội. Thấu hiểu những khó khăn đối mặt trong ngày giãn cách xã hội (không có trợ giúp từ gia đình, không đi làm thêm), Ban giám hiệu nhà trường cùng Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên và Công đoàn trường đứng lên kêu gọi đóng góp để trợ giúp các em.

Với mục tiêu “Không để sinh viên nhân văn nào bị bỏ lại phía sau”, ban tổ chức nhận được những cuộc điện thoại thăm hỏi, chuyến xe chở đồ hỗ trợ. Người có nhiều góp nhiều, người có ít góp ít, đó là những thùng mỳ, bao gạo, hộp trứng… là nghĩa tình của thầy cô giáo, các nhà hảo tâm gửi đến sinh viên khó khăn.

GS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn cho biết: Dịch bệnh ập đến, không chỉ người lao động gặp khó khăn mà chính sinh viên cũng là đối tượng chịu ảnh hưởng không nhỏ. Có em đến từ vùng sâu, vùng xa, đời sống còn rất nhiều vất vả. Nhà trường mong muốn với những hỗ trợ về lương thực, thực phẩm, vật dụng cá nhân, ít nhiều giúp sinh viên không cảm thấy mình bị bỏ rơi trong giai đoạn này.

Theo GS.TS Phạm Quang Minh, nhà trường hỗ trợ lương thực và thực phẩm cho sinh viên ở lại Hà Nội gặp khó khăn. Nguồn hỗ trợ trích từ kinh phí của trường, các thầy cô và nhà hảo tâm đóng góp. Dự kiến chương trình kéo dài đến khi hết dịch, chia thành nhiều đợt. Một số thầy cô tình nguyện trở thành shipper mang quà đến tận tay học trò.

San sẻ gánh nặng ảnh 1
Thầy cô Trường Đại học KHXH&NV (ĐHQGHN) trao quà cho sinh viên. Ảnh: TG

Nghĩa cử và những tấm lòng

Không chỉ đồng hành với sinh viên khó khăn vì dịch Covid-19, những em gia đình gặp khó do hạn mặn ở các tỉnh miền Tây cũng được trợ giúp. Trường Đại học Mở TPHCM dành 5 - 6 tỷ đồng để hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Dự kiến có khoảng 2.500 - 3.000 suất học bổng, trị giá 2 triệu đồng/suất, được cấp cho sinh viên của trường. Đối tượng hỗ trợ là sinh viên có cha, mẹ hoặc người giám hộ phải nghỉ việc từ tháng 3, gặp khó khăn trong việc bán nông sản do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn dẫn đến mất mùa, chết cây trồng, gia đình nợ nần.

Trường Đại học Ngoại ngữ tin học TPHCM cũng thông báo hỗ trợ 1 triệu đồng/sinh viên có hộ khẩu tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long nhằm chia sẻ với gia đình bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn.

Cho đến nay, nhiều trường đại học trên cả nước có gói hỗ trợ cho sinh viên từ việc miễn giảm học phí đến phát gói cứu trợ. Mức miễn giảm học phí được đưa ra từ 5% - 25%, có trường còn thêm gói học bổng cho sinh viên khá giỏi có hoàn cảnh khó khăn. Trong danh sách các trường hỗ trợ sinh viên, Trường Đại học Trà Vinh miễn giảm tới 30% cho sinh viên học tín chỉ theo hình thức online vào học kỳ II năm học này. 

PGS. TS Phạm Tiết Khánh, Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh chia sẻ: Sinh viên của trường đến từ nhiều tỉnh thành trên cả nước, có em là người dân tộc Khmer nên cần trợ giúp để cùng gia đình qua đi khó khăn của những ngày dịch bệnh. Vì thế trường quyết định giảm 30% học phí, cho dù mức giảm này ảnh hưởng lớn đến nguồn thu và các hoạt động của trường. Tuy nhiên, chúng tôi động viên nhau vì sinh viên, tiết giảm tối đa chi phí không cần thiết. Chia sẻ và đồng cảm với khó khăn của sinh viên là điều cần và nên làm vào lúc này.

Nhiều nhà giáo dục cho rằng, ngoài xã hội hay môi trường giáo dục trong hoạn nạn mới biết lòng nhau. Nhìn vào thực lực của các trường và mức hỗ trợ cho sinh viên mới thấy nghĩa tình lớn nhường nào. Giảm nguồn thu sẽ ảnh hưởng đến hoạt động chung của trường và thu nhập của cán bộ, giảng viên. Biết khó khăn nhưng họ vẫn làm bởi ẩn sau đó là niềm vui trong việc đồng cảm, chia sẻ với gian khó của sinh viên. Những ngày này, các thầy cô cùng động viên nhau, trò khó thì thầy cũng khó. Cùng dìu nhau qua cơn bĩ cực rồi sẽ đến ngày thái lai!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ông Phạm Văn Quang đi xác minh hoàn cảnh học sinh để hỗ trợ.

'Già làng khuyến học' đất Cà Mau

GD&TĐ - 77 năm tuổi đời, ông Phạm Văn Quang đã có 30 năm gắn bó với công tác khuyến học, khuyến tài tại huyện Thới Bình (Cà Mau).

Sinh viên năm thứ nhất ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng với buổi học nhập môn tại Trạm xử lý nước thải Phú Lộc, TP Đà Nẵng. Ảnh: NTCC

Giữ sinh viên ở lại với nghề

GD&TĐ - Để SV năm thứ nhất hứng thú trong học tập, nhiều trường học đã có những hoạt động dạy - học gắn với thực tế tại doanh nghiệp, đơn vị sản xuất…