Tổ chức kỳ thi nghiêm túc, chất lượng, an toàn
- Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường. Trong bối cảnh này, Bộ GD&ĐT đã có phương án như thế nào để tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, thưa ông?
- Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 diễn biến khá phức tạp. Tuy nhiên, với tinh thần chủ động, kế thừa kinh nghiệm tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo rất sát sao, quyết liệt.
Bộ GD&ĐT đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, các địa phương và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 để có các giải pháp phù hợp, nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2020-2021, trong đó có kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Quan điểm chung là tổ chức kỳ thi nghiêm túc, chất lượng, nhưng phải bảo đảm an toàn, nhất là trong việc phòng chống dịch Covid-19.
Cho đến nay, với sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, chúng tôi đã xây dựng các kịch bản khả thi, chủ động để tổ chức kỳ thi trong bối cảnh dịch Covid-19.
Nguyên tắc là sẽ tổ chức Kỳ thi đối với các địa phương an toàn (không bị giãn cách xã hội); tiến hành các biện pháp khử khuẩn, trang bị khẩu trang, dung dịch sát khuẩn tại các điểm thi. Các điểm thi, khu vực thi sẽ bố trí phòng thi cho các thí sinh diện F1, F2, F3 với các phương án phòng chống dịch phù hợp với các thí sinh diện này.
Trong trường hợp cần thiết, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp chặt chẽ với địa phương để tổ chức thêm các đợt thi trong trường hợp bất khả kháng. Để thực hiện phương án này, Bộ GD&ĐT đã chủ động, đặc biệt trong khâu chuẩn bị ngân hàng câu hỏi đáp ứng số lượng, chất lượng để xây dựng đề thi đáp ứng yêu cầu tổ chức thi nhiều đợt.
Tóm lại, đến nay, Bộ GD&ĐT đang cùng các địa phương chủ động các phương án để tổ chức Kỳ thi trong điều kiện dịch Covid-19. Với sự chủ động, việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp tới đây trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 sẽ được thực hiện với giải pháp tốt nhất; theo quan điểm an toàn, nghiêm túc, bảo đảm được quyền lợi của thí sinh kể cả trong việc thi cũng như trong việc xét tuyển ĐH, CĐ.
- Hiện các trường cho học sinh tạm dừng đến trường đều đã chuyển sang học trực tuyến. Nhiều học sinh khối lớp 12 khá lo lắng khi việc học, ôn tập trực tuyến khó bảo đảm chất lượng được như học trên lớp. Ông có thể cho biết, đề thi tốt nghiệp THPT năm 2021 sẽ như thế nào trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19?
- Tôi chia sẻ, đồng cảm với tâm tư lo lắng của các học sinh cũng như phụ huynh thời điểm này. Băn khoăn của các em đã được Bộ GD&ĐT tính toán trong việc xây dựng đề thi.
Đề tham khảo Bộ GD&ĐT đã công bố thể hiện rất rõ tinh thần: Nội dung đề thi nằm trong chương trình trung học phổ thông và chủ yếu là ở lớp 12; những nội dung nào đã tinh giản thì sẽ không được đưa vào đề thi. Đề nghị các địa phương, thầy cô giáo, các em học sinh bám sát đề thi tham khảo để có định hướng ôn tập.
Bên cạnh đó, đây là kỳ thi tốt nghiệp THPT nên các câu hỏi trong đề thi trước hết phục vụ cho mục đích này. Do đó, đề thi sẽ gồm phần lớn các câu hỏi ở mức độ cơ bản; đồng thời, cũng có số lượng hợp lý các câu hỏi khó để phân hóa kết quả thi của thí sinh (nhất là đối với vùng điểm cao như điểm 9, điểm 10).
Ngoài ra, các câu hỏi trong đề thi sẽ được sắp xếp độ khó tăng dần để hỗ trợ thí sinh trong quá trình làm bài. Các em hãy tập trung tốt nhất điều kiện và sử dụng tốt nhất các phương thức học tập linh hoạt khác nhau để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tới đây.
Bảo đảm chất lượng thật trong giáo dục
- Quy chế thi tốt nghiệp THPT đã được Bộ GD&ĐT công bố. Ông có thể nêu những điểm mới điều chỉnh, bổ sung so với năm 2020 và cho biết thí sinh cần lưu ý điều gì ở Quy chế thi năm nay?
- Phương thức tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay về cơ bản được giữ ổn định như năm 2020. Có một số điều chỉnh về mặt kỹ thuật, chủ yếu hướng tới việc tổ chức kỳ thi gọn nhẹ hơn nhưng vẫn bảo đảm an toàn.
Điều chỉnh này tác động nhiều hơn đến các thầy cô giáo, các cán bộ làm thi; còn với học sinh về căn bản không thay đổi gì lớn, nên các em yên tâm. Tuy nhiên, một nội dung cần đặc biệt lưu ý với thí sinh là ghi nhớ các trang thiết bị cấm không được mang vào phòng thi.
Tôi đề nghị tất cả các phòng thi tới đây, trước khi cán bộ coi thi phát đề thi thì nhắc lại lần nữa xem còn thí sinh nào quên mang thiết bị cấm vào phòng thi, chẳng hạn như điện thoại di động hay không. Những em nào cố tình vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật bằng hình thức đình chỉ và hủy bỏ toàn bộ kết quả thi. Các thí sinh bị đình chỉ thi sẽ phải lưu lại phòng chờ tại điểm thi cho đến khi kết thúc buổi thi mới được ra về.
- Năm nay chúng ta vẫn tiến hành đối sánh kết quả thi và điểm trung bình cả năm lớp 12 của học sinh lớp 12 trong năm tổ chức thi. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về nội dung này?
- Thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong những năm qua, Bộ GD&ĐT đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng, bảo đảm chất lượng thật và giảm dần bệnh thành tích trong giáo dục. Việc từ 2020 chúng ta tiến hành đối sánh kết quả thi và kết quả học tập lớp 12 của các thí sinh là giải pháp đồng bộ để hướng tới bảo đảm chất lượng thực trong giáo dục.
Năm nay, trên tinh thần ngày một nghiêm túc hơn, Bộ GD&ĐT cũng sẽ tiếp tục đối sánh kết quả học tập lớp 12 và kết quả thi tại các địa phương và sẽ có chế tài cần thiết, phù hợp để tiến tới việc bảo đảm chất lượng thực. Nhân đây, tôi đề nghị các sở GD&ĐT chỉ đạo các nhà trường tiến hành kiểm tra, đánh giá học sinh một cách khách quan, nghiêm túc; đặc biệt không được để xảy ra những tiêu cực, ví dụ như nâng điểm cho học sinh.
UBND cấp tỉnh quyết định thành công Kỳ thi ở địa phương
- Theo Quy chế thi tốt nghiệp THPT thì UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn bộ về việc chỉ đạo tổ chức kỳ thi tại địa phương. Các địa phương có tính chất quyết định như thế nào trong thành công của kỳ thi, thưa ông?
- UBND cấp tỉnh, mà trực tiếp là đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương có vai trò quyết định trực tiếp tới sự thành công của tổ chức kỳ thi này tại địa phương mình. Bộ GD&ĐT thực hiện chức năng quản lý nhà nước sẽ ban hành quy chế, hướng dẫn; cung cấp đề thi; cung cấp hệ thống phần mềm; thanh tra, kiểm tra.
Tinh thần đó được thể hiện rõ ở Chị thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2021.
Hiện nay, nhiều địa phương đã có chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh về tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT trên địa bàn; theo đó huy động được hệ thống chính trị địa phương, các sở ngành cùng với ngành Giáo dục, ngành Y tế, ngành Công an để tổ chức Kỳ thi nghiêm túc, không nặng nề.
Vai trò cuối cùng, thành bại là ở các địa phương, nên tôi đề nghị, tới đây các đồng chỉ Chủ tịch UBND các tỉnh dành nhiều thời gian hơn, quyết liệt hơn để triển khai Kỳ thi này tại địa phương của mình.
- Còn về công tác thanh tra, kiểm tra Kỳ thi sẽ được tổ chức như thế nào để đảm bảo an toàn, nghiêm túc, xin ông cho biết?
- Công tác thanh tra, kiểm tra có vai trò quan trọng trong việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT hàng năm.
Từ kinh nghiệm năm 2020, công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi này cũng sẽ được tiến hành ở tất cả các khâu của Kỳ thi; nhưng sẽ được tổ chức lại theo hướng tinh gọn hơn, hiệu quả hơn.
Theo đó, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức các Đoàn thanh tra, kiểm tra; các sở GD&ĐT thành lập các Đoàn thanh tra, kiểm tra; thanh tra tỉnh cũng sẽ cử người tham gia Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh và tham gia vào các đoàn thanh tra, kiểm tra. Chúng tôi cũng lưu ý việc phân công, sắp xếp một cách hợp lý để tránh chồng chéo, theo tinh thần không để lọt; thanh tra, kiểm tra tất cả các khâu, nhưng vẫn gọn gàng, hiệu quả.
- Xin cảm ơn ông!