Sẵn sàng đón nhận chỉ tiêu tăng trưởng không cao để chú trọng đến chất lượng

Sẵn sàng đón nhận chỉ tiêu tăng trưởng không cao để chú trọng đến chất lượng

(GD&TĐ)-Hội nghị kế hoạch và ngân sách năm 2011 các trường, các đơn vị trực thuộc Bộ GD&ĐT đã diễn ra hôm nay (25/12) dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận.

ssssscc
Hội nghị kế hoạch và ngân sách năm 2011 các trường, các đơn vị trực thuộc Bộ GD&ĐT. Ảnh: gdtd.vn

Tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài Chính (Bộ GD&ĐT), ông Nguyễn Văn Ngữ đã báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch và ngân sách năm 2010 và dự toán ngân sách năm 2011 các đơn vị trực thuộc Bộ GD&ĐT. Theo đó, năm 2011, việc tuyển mới ĐH, CĐ chính quy sẽ tăng 6,5% và tuyển mới TCCN tăng 10% so với năm 2010. Các trường sẽ chủ động xác định chỉ tiêu tuyển sinh trên cơ sở thực hiện tuyển sinh năm 2010, năng lực đội ngũ giảng viên, diện tích sàn xây dựng và báo cáo thực hiện 3 công khai. Bộ sẽ ưu tiên dành chỉ tiêu tăng thêm cho các trường có bổ sung đội ngũ giảng viên, tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mở rộng diện tích phòng học, phòng thí nghiệm, thực hành, thư viện. Chỉ tiêu tăng thêm cũng dành đào tạo nguồn nhân lực theo địa chỉ cho các khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm, đào tạo bác sĩ, dược sĩ cho các địa phương, đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học và giáo viên những bộ môn còn thiếu cho các vùng khó khăn, vùng dân tộc, 3 vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ; đào tạo cán bộ nông lâm ngư theo hợp đồng của địa phương, doanh nghiệp.

Năm 2011 là năm đầu của thời kỳ ổn định ngân sách thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập. Tổng dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2011 của Bộ GD&ĐT sẽ tăng 2,9% so với năm 2010. Chi thường xuyên sẽ tăng 11,9% so với năm 2010.

Riêng về đầu tư xây dựng cơ bản, ông Trần Duy Tạo, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất và thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em cho biết, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng so với năm 2009, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng cơ bản của các đơn vị trực thuộc Bộ GD&ĐT trong năm 2010 đã có nhiều tiến bộ. Công tác chỉ đạo, quản lý của Bộ đã đi vào chiều sâu và toàn diện hơn; đã kịp thời triển khai hướng dẫn và chỉ đạo sát sao các đơn vị trong việc tiến hành các thủ tục thực hiện điều chỉnh dự toán xây dựng công trình; điều chỉnh giá và hợp đồng xây dựng theo các văn bản quy định của nhà nước. Về cơ bản các chủ đầu tư đã thực hiện tương đối nghiêm túc theo đúng các quy định của nhà nước trong quy chế quản lý đầu tư và xây dựng.

Tuy nhiên, cũng theo ông Trần Duy Tạo, công tác này vẫn tồn tại nhiều hạn chế như: công tác lập quy hoạch xây dựng chưa được quan tâm đúng mức; công tác chuẩn vị đầu tư, thực hiện đầu tư, kết thúc đầu tư đưa công trình xây dựng vào khai thác sử dụng các dự án có vốn đầu tư tập trung nói chung còn chậm; các dự án đầu tư thuộc chương trình mục tiêu quốc gia vừa phân tán, manh mún, không đồng bộ nên hiệu quả thấp; công tác quản lý dự án của các chủ đầu tư còn yếu về nhiều mặt …

Vì vậy, năm 2011 sẽ tăng cường công tác quy hoạch, kế hoạch; chấn chỉnh quy trình, thủ tục chuẩn bị và thực hiện đầu tư; nâng cao năng lực quản lý.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: gdtd.vn
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: gdtd.vn

Tại Hội nghị, đại diện của các trường đã trình bày những khó khăn, vướng mắc cũng như đưa ra những kiến nghị với Bộ GD&ĐT, trong đó, nổi bật là vấn đề kinh phí hỗ trợ cho các đại học vùng, các trường ĐH sư phạm và trường đào tạo đặc thù (đào tạo nghệ thuật).

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, năm 2011 sẽ sẵn sàng đón nhận chỉ tiêu tăng trưởng không cao như năm trước để ưu tiên, chú trọng đến chất lượng, hiệu quả. Theo Bộ trưởng, dù ngân sách cho năm 2011 tăng không nhiều, nhưng vấn đề quan trọng nhất, cái chính yếu nhất là phải giải quyết được khâu nhận thức chứ không phải vấn đề nguồn lực. Bộ trưởng đề nghị các đơn vị rà soát lại quy chế chi tiêu nội bộ; bộ máy làm kế hoạch cần ổn định và lưu ý vấn đề quyết toán, có thể chưa quyết toán ngay hết được nhưng phải có tiến bộ.

Hiếu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ