Có đi mới biết, có gặp mới hay, những thầy cô giáo cắm bản lo lắng, trăn trở cho năm học mới như thế nào. Họ lo lắng không biết học sinh có đi học đầy đủ hay không, các em có đủ đầy sách vở, quần áo đến trường... Bởi thế mới có nhiều thầy, cô giáo, dù chưa hết thời gian nghỉ hè nhưng đã trở lại trường lớp để lo cho học trò. Họ sẵn sàng băng rừng, lội suối đến từng nhà dân để vận động HS đến trường. Nói như một thầy giáo ở Lũng Táo (Đồng Văn, Hà Giang): Làm thế nào để cổng trường luôn mở mà học sinh không bỏ về.
Hay như các trường học vùng lũ, chuẩn bị cho năm học mới, các thầy cô giáo đã chủ động vận chuyển thực phẩm thiết yếu về trường, phục vụ nhu cầu bán trú của HS và đề phòng thiên tai có thể bất ngờ xảy ra. Trước thềm năm học mới, cũng có nhiều giáo viên tự nâng cao trình độ, năng lực sư phạm của mình bằng cách tham gia các khóa bồi dưỡng ngắn hạn, hoặc học lên đại học, thạc sỹ... Điều quan trọng nhất là ý thức tự bồi dưỡng của hàng trăm, hàng nghìn giáo viên để bắt nhịp với đổi mới của GD, nhất là năm học 2019 - 2020 năm học tiền đề để triển khai thực hiện Chương trình GDPT, SGK mới đối với lớp 1.
Song dù bằng hình thức nào thì suy cho cùng đó là, tâm thế sẵn sàng của đội ngũ giáo viên trước thềm năm học mới. Tâm nguyện lớn nhất của hàng triệu giáo viên là mang con chữ đến với HS trên mọi miền của Tổ quốc và truyền tải thông điệp về 9 nhiệm vụ và 5 giải pháp năm học 2019 - 2020 của ngành Giáo dục.
Nói rộng ra, đó là sự chủ động chuẩn bị của toàn ngành GD trước năm học mới - năm học được coi là bản lề chuẩn bị các điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất để triển khai Chương trình GDPT mới. Chính vì vậy, từ Bộ cho đến các đơn vị cơ sở giáo dục đều chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục nhằm đáp ứng yêu cầu mới. Đây cũng là cách để mỗi người tự đáp ứng tốt yêu cầu Chương trình GDPT mới đặt ra.
Bởi thế, ngay từ bây giờ, khi được bồi dưỡng, tập huấn, các thầy cô giáo cần áp dụng luôn vào việc dạy học của mình. Điều mà không riêng gì Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ mà cả xã hội mong muốn giáo viên phải được đào tạo trở thành những nhà giáo dục chứ không phải là thợ dạy, hết giờ là về. Bộ GD&ĐT luôn luôn bảo vệ những thầy cô giáo tâm huyết và trách nhiệm với nghề, đồng thời kiên quyết đưa ra khỏi ngành những giáo viên không đủ phẩm chất đạo đức.
Ngày khai giảng cận kề và năm học mới đã đến, chúng ta cùng nhớ lại, để cùng suy ngẫm và hành động theo những điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn trong bức thư cuối cùng gửi cho ngành Giáo dục vào tháng 10/1968.
Trong thư Bác viết: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt. Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng văn hoá và chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra và trong một thời gian không xa, đạt những đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật. Các cô, các chú, các cháu phải cùng nhau tổ chức và quản lý đời sống vật chất và tinh thần ở các trường học ngày một tốt hơn, tăng cường bảo đảm sức khoẻ và an toàn…”.