Các tỉnh, thành phía Nam sẵn sàng cho ngày khai trường

GD&TĐ - Cùng với cả nước, tại phía Nam, các địa phương đã chuẩn bị chu đáo cho lễ khai giảng năm học 2019-2020 vào ngày mai (5/9). Trước đó, các địa phương đặc biệt quan tâm về đảm bảo về cơ sở vật chất, tuyển dụng giáo viên, nhiều chương trình đột phá để tiếp tục thực hiện tốt việc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT trong năm học mới này.

Cô và trò Trường Tiểu học Phạm Văn Chính (quận 9, TP.HCM) hân hoan trong ngày khai giảng và khánh thành trường sáng 4/9.
Cô và trò Trường Tiểu học Phạm Văn Chính (quận 9, TP.HCM) hân hoan trong ngày khai giảng và khánh thành trường sáng 4/9.

Đảm bảo cơ sở vật chất, chú trọng nâng cao chất lượng

Năm học 2019-2020, TP.HCM tăng hơn 75 ngàn học sinh, để đảm bảo 100% chỗ học cho con em trên địa bàn, TP đưa vào sử dụng gần 1.500 phòng học mới.

Ngày 4/9, được sự cho phép của UBND TP, một số ngôi trường mới tại các quận, huyện đã tổ chức lễ khánh thành và khai giảng năm học mới trong niềm hân hoan của học sinh, phụ huynh và các giáo viên.

Bên cạnh cơ sở vật chất, công tác tuyển dụng giáo viên được TP chú trọng. Năm học 2019-2020 là năm thứ hai TP thực hiện chủ trương bỏ hộ khẩu trong tuyển dụng viên chức ngành GD và thu hút được số ứng viên ứng tuyển lớn.

Học sinh Trường Tiểu học Phạm Văn Chính, quận 9, TP.HCM trong lễ khánh thành và khai giảng năm học 2019-2020 tổ chức vào sáng 4/9.
 Học sinh Trường Tiểu học Phạm Văn Chính, quận 9, TP.HCM trong lễ khánh thành và khai giảng năm học 2019-2020 tổ chức vào sáng 4/9.

Trước thềm năm học mới, UBND TP.HCM cũng đã ban hành chỉ thị năm học. Trong đó yêu cầu ngành chủ động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực trình độ, chính trị chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ; Đột phá trong cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng CNTT và truyền thông; Nâng cao chất lượng GD theo định hướng hội nhập khu vực và quốc tế; Tích cực chuẩn bị các điều kiện để triển khai chương trình GD phổ thông, đặc biệt là CSVC và đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên.

Triển khai mạnh, hiệu quả các mô hình, giải pháp đổi mới của ngành: mô hình trường tiên tiến theo xu thế hội nhập, chương trình dạy “Toán, Khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam”, tiếng Anh tăng cường, mô hình Trường học không dùng tiền mặt...

Niềm vui của các em học sinh được học trong ngôi trường mới.
 Niềm vui của các em học sinh được học trong ngôi trường mới.

Tại tỉnh Đồng Nai, lãnh đạo Sở GD&ĐT cho biết, đến thời điểm hiện tại, các địa phương hiện đã gấp rút hoàn thành các công trình sửa chữa, nâng cấp, xây dựng thêm phòng học, phòng chức năng… để đưa vào sử dụng ngay trong đầu năm học. Ở các địa bàn có học sinh tăng cơ học nhanh như TP Biên Hòa, Trảng Bom, Nhơn Trạch đều đã có sự chuẩn bị khá đầy đủ.

Tuy không có nhiều trường học được xây mới nhưng năm học 2019-2020, số lượng phòng học của toàn tỉnh vẫn tăng lên nhờ việc xây dựng thêm phòng học trên cơ sở hiện hữu. Do đó, dù sĩ số học sinh tiếp tục tăng nhưng Đồng Nai vẫn đáp ứng đủ trường, lớp học cho học sinh... 

Đồng bằng sông Cửu Long: Gỡ khó ngay từ đầu năm học

Năm học qua, ngành GD&ĐT các địa phương ĐBSCL vẫn còn những khó khăn, trong đó vấn đề thiếu giáo viên, thiếu trường lớp là cấp thiết nhất. Để tháo gỡ khó khăn này, các địa phương cùng ngành giáo dục tìm giải pháp ngay từ đầu năm học 2019 - 2020.  

Trước thềm ngày khai giảng, ông Trần Thanh Liêm - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Năm học mới, tỉnh có thêm 3 công trình trường mới, đó là Trường THPT Đốc Binh Kiều, Trường THCS - THPT Tân Mỹ và Trường THPT Cao Lãnh 2.

Ngân sách của tỉnh chi khoảng 4,5 tỷ đồng để sửa chữa trường học. Bên cạnh đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã chi khoảng 35 tỷ đồng sửa chữa, bổ sung cơ sở vật chất, thiết bị cho ngành giáo dục…”.

Một điều khiến phụ huynh, cán bộ, giáo viên và học sinh tỉnh Đồng Tháp đồng tình ủng hộ là lời kiêu gọi của Giám đốc Sở GD&ĐT “nói không với việc thả bóng bay trong lễ khai giảng”.

Các tỉnh, thành phía Nam sẵn sàng cho ngày khai trường ảnh 3
Học sinh Trường Tiểu học A Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) trong giờ học vần. Ảnh: Q.Ngữ.        

Ngay từ đầu năm học 2019 - 2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Trần Hồng Quân lưu ý ngành Giáo dục địa phương về vấn đề biên chế giáo viên.

“Chủ trương của tỉnh là tiếp tục sắp xếp trường lớp, sắp xếp giáo viên một cách hợp lý, ngăn nắp, ổn định, không nên cứng nhắc, ồ ạt. Sắp xếp cán bộ, giáo viên không được nóng vội, tuyệt đối phải đảm bảo quyền lợi của người lao động, phù hợp với pháp luật… Năm học 2019 - 2020, toàn thể cán bộ, giáo viên trong ngành luôn trong tư thế sẵn sàng cho Chương trình GDPT mới”, ông Quân cho biết. 

Bước vào năm học 2019 - 2020, tỉnh Hậu Giang tập trung giải quyết vấn đề thiếu biên chế giáo viên, nhân viên, nhất là ở cấp Mầm non, Tiểu học.

Theo Sở GD&ĐT, toàn tỉnh thiếu gần 1.400 giáo viên, nhân viên. Tuy nhiên, có sự thừa, thiếu giáo viên cục bộ giữa các trường, các địa phương.

Về giải pháp tháo gỡ, theo bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hậu Giang: “Ngành đã đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương hợp đồng 879 giáo viên. Năm học 2019 - 2020, tỉnh dự kiến gom 25 điểm trường lẻ, sáp nhập 12 trường tiểu học. Trên cơ sở đó sắp xếp đội ngũ giáo viên, nhân viên và điều động giáo viên từ đơn vị thừa sang đơn vị thiếu…”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.