Săn ma, thú vui mới của người dân Na Uy

Báo New York Times cho biết hiện săn ma là một thú vui của người dân Na Uy.

Săn ma, thú vui mới của người dân Na Uy
San ma o Na Uy

Refnes Gods, một khách sạn cao cấp nằm ở ngoại ô thị trấn Moss bị đồn là bị ma ám

Có thể bạn quan tâm

Sự hấp dẫn của những câu chuyện săn ma ở Na Uy, đã giúp chương trình truyền hình “Sức mạnh của những linh hồn” trở nên phổ biến hơn bao giờ hết.

Chương trình đang bước vào mùa thứ 10, thu hút gần nửa triệu người xem khi phát sóng vào ngày chủ nhật, gấp đôi số người đi nhà thờ thường xuyên ở Na Uy.

Tom Stromnaess, người dẫn chương trình cho biết ông không tin ma quỷ là “những sinh vật với tấm khăn trắng và đôi mắt” nhưng tin chúng có tồn tại.

Stromnaess nhiều lần đến những căn nhà có những hiện tượng kỳ quái “thách thức mọi định luật vật lý”, và do đó “rất khó để phủ nhận, hồn ma không có thật”.

Đã có hàng trăm người viết thư đến chương trình, để xin các nhà tâm linh giúp đỡ giải quyết những chuyện kỳ lạ đang xảy ra ở nhà hoặc nơi làm việc của họ.

“Không thể có chuyện mọi người đều điên và bịa ra những chuyện này”, theo ông Stromnamess.
Chính quyền tổ chức "du lịch săn ma"

Thị trấn Moss có nhiều câu chuyện ma, đến nỗi chính quyền thị trấn đã quyết định tổ chức một chuyến “du lịch săn ma”.

Chuyến du lịch này được hướng dẫn bởi Vibecke Garnaas, nhân viên của một công ty du lịch và còn kiêm thêm việc “đuổi ma” với thù lao 800 kroner (tiền Na Uy) cho một giờ làm việc.

Garnaas cho biết: “Tôi không chắc sẽ đuổi được những hồn ma. Tôi chỉ cố gắng thuyết phục chúng rời đi, còn việc có rời đi hay không thì là do chúng tự quyết định”.

Một “nhà săn ma” khác là cậu sinh viên 19 tuổi Martin Ormen. Ormen tin rằng ma thực chất là những xung đột điện từ mà con người ta có thể dùng thiết bị để dò ra.

Ormen đã cùng với những người bạn đi khắp thị trấn, để theo dấu những hồn ma và thường đăng những đoạn video về các phát hiện của mình lên mạng.

“Thật buồn khi mọi người cứ nói nếu chúng ta không thấy thì chúng không tồn tại”, Ormen nói.

Unn Bohm Tveito từng không tin vào ma quỷ, cho đến khi cô đến làm quản lý Văn phòng thông tin du lịch thị trấn Moss.

Tveito để ý rằng những tờ quảng cáo du lịch bằng tiếng Đức luôn được xếp trên cùng, ở vị trí dễ nhìn thấy nhất, mà điêùkỳ lạ là rất ít du khách nói tiếng Đức đến thị trấn Moss.

Năm 2013, cô nói điều này với các đồng nghiệp, và được biết rằng họ cũng nhận thấy điều tương tự: “Lúc đầu tôi không hề nghĩ là có ma, nhưng chuyện này không thể được giải thích bằng cách thông thường được”.

Sau đó, một nhà tâm linh của chương trình “Sức mạnh của những linh hồn” đã đến và giải quyết chuyện bí ẩn này.

Theo nhà tâm linh cho biết, có một linh hồn người lính Đức vẫn còn lởn vởn tại đây, quậy phá bằng cách làm rối những tờ quảng cáo du lịch. Người lính này bị chết trong khoảng thời gian 1940-1945, khi phát xít Đức chiếm đóng Na Uy.

Theo Tveito, “bất kể bạn gọi chúng là linh hồn, là ma hay là bất cứ thứ gì thì chúng vẫn tồn tại”. “Hồn ma người lính Đức đã đi khỏi nơi làm việc của tôi”, Tveito cho biết thêm.

Như nhiều người châu Âu khác, Marianne Haaland Bogdanoff, quản lý của một công ty du lịch ở một thành phố bắc Na Uy không tin có Chúa và không hề đi nhà thờ, trừ dịp lễ Noel.
Nhưng khi những điều kỳ lạ bắt đầu xảy ra: máy tính gặp sự cố khó hiểu, mùi hương và tiếng động lạ, nhân viên phàn nàn vì bị đau đầu liên tục khi ngồi làm việc ở tầng trệt văn phòng, Bogdanoff nhờ chuyên gia máy tính, thợ điện và thợ sửa ống nướcđến sửa.
Họ đều không thể giải quyết được những điều kỳ lạ trên, Bogdanoff đã phải cầu cứu đến một nhà tâm linh, người có khả năng giap tiếp với người chết. Và kỳ lạ là, với sự giúp đỡ này, những cơn đau đầu và các vấn đề khác đều đã biến mất.

Khi nhớ lại cách mà nhà tâm linh này “dọn dẹp” văn phòng công ty khỏi một hồn ma - mà Bogdanoff và nhân viên dù không nhìn thấy nhưng vẫn cảm nhận được sự hiện diện - Bogdanoff cho biết: “Tôi không biết bà ta (nhà tâm linh) đã làm gì. Nó rất kỳ lạ”.

Hege Sandtro Kruse, một nhân viên công ty, đã diễn tả trải nghiệm đuổi ma lần này “có một chút kỳ quái, một chút thú vị và một chút ghê rợn”.

Cũng giống như quản lý và đồng nghiệp của mình, Kruse cảm nhận được sự có mặt của hồn ma và tin rằng nhà tâm linh đã đuổi được hồn ma này.

“Tôi không biết “nó” là gì nhưng tôi chắc chắn có thứ gì đó trong văn phòng này và bây giờ “nó” đã biến mất”, Kruse nói.

Chỉ là trò lừa của "ông đồng bà cốt"
Theo các cuộc thăm dò ý kiến, trong khi các nhà thờ luôn vắng người, số người theo đạo ngày càng giảm, nhưng số người tin vào linh hồn và ma quỷ lại đang tăng mạnh.

Ngay cả gia đình hoàng gia Na Uy, gia đình được xem là đi theo Giáo hội Luther về mặt pháp lý, cũng tin có ma quỷ, thậm chí một công chúa còn chỉ mọi người cách tiếp cận với các linh hồn.

Ngay cả tòa án cũng bị lôi vào chuyện này. Hai năm trước, tòa án nước này đã phải xử lý vụ một người đàn ông sau khi mua một ngôi nhà ở thị trấn Vinstra, đã tin rằng nhà này bị ma ám, do đó ông yêu cầu chấm dứt mua bán. Ông bảo đáng lẽ ra mình phải được cho biết về chuyện này trước khi mua.
Cuối cùng, tòa án đã phán quyết chuyện mua bán căn nhà vẫn phải được tiếp tục, và người bán không có nghĩa vụ phải thông báo về sự tồn tại của một thứ “không hiện hữu”.

Một người không tin hồn ma là Velle Espeland, nhà nghiên cứu văn học dân gian của Thư viện Na Uy, tác giả của một quyển sách về lịch sử các hồn ma. Ông Espeland bảo “chúng ta tạo ra ma để giải thích những thứ không thể giải thích. Ma chỉ là cái tên để chúng ta gọi những thứ chúng ta không hiểu”. Ma chỉ là sự tưởng tượng của những người cho rằng mình đã thấy và cảm nhận được chúng, ông Espeland nói thêm.

Roar Fotland, một người theo phong trào Giám lý (tin tưởng tuyệt đối vào sự có mặt của Chúa) và là trợ lý giáo sư tại trường thần học Na Uy, cho biết “thay vì tin tưởng Chúa thì người ta lại tin vào linh hồn và ma quỷ”.

Ông Fotland cũng cho rằng “tôn giáo tiền hiện đại” đang hồi sinh với việc “số người tin vào thần thánh, hay chí ít là tin vào Chúa Jesus đang giảm đi trong khi số người tin vào linh hồn đang tăng lên”.

Tuy nhiên, Tom Hendalen, một người vô thần đang là kỹ sư cầu đường và là Chủ tịch Hiệp hội nhân văn Na Uy, cho rằng việc ngày càng có nhiều người tin vào ma quỷ, chẳng qua là sự do sự lừa gạt quá tài tình của những ông đồng bà cốt mà thôi.

Theo New York Times/motthegioi.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ