Bỏ việc để về…nuôi cá
Tốt nghiệp về chuyên ngành kinh tế, anh Trần Thướt Vỹ (34 tuổi, trú quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) từng làm việc ở nhiều cơ quan, tổ chức. Thế nhưng, với sở thích đam mê nuôi cá cảnh từ nhỏ, cộng với khát khao “chinh phục” được loài cá Koi nổi tiếng Nhật Bản, đã khiến anh Vỹ bỏ việc, lao vào khởi nghiệp với công việc nuôi cá Koi của mình.
Năm 2012, anh Vỹ mày mò tìm hiểu về nghề nuôi cá Koi. Rồi bắt đầu sự nghiệp nuôi cá Koi với một hồ cá nhỏ chỉ 5m2, sau đó nhân rộng ra.
Thế nhưng, niềm đam mê nuôi cá Koi là chưa đủ, những kiến thức như: thức ăn cá Koi, môi trường sống, bệnh tật… hầu như anh Vỹ không có, dẫn đến việc cá sau khi được mua về thì chết hàng loạt. Đỉnh điểm là năm 2014, cá Koi nhập về sau mấy ngày bị chết hàng loạt, thiệt hại gần 1 tỷ đồng.
Quyết không bỏ cuộc, sau đó anh Vỹ thường xuyên lên mạng tìm hiểu thông tin, học hỏi kinh nghiệm từ việc cho cá ăn, chăm sóc cá và chữa bệnh cho cá…từ Hiệp hội xúc tiến Nishikigoi, Nhật Bản. Từ 2 bàn tay trắng, được sự giúp đỡ từ gia đình, động viên từ người thân bạn bè, giờ đây anh Vỹ đã mở một công ty kinh doanh cá Koi trên địa bàn Đà Nẵng, số lượng cá Koi được nuôi rất “khủng” hơn 3.000 con.
Không dừng lại ở đó, vào thời điểm cá Koi Đà Nẵng chưa phải là phong trào, anh đã tiên phong sáng lập nên Koi Service cung cấp trọn gói các dịch vụ từ thiết kế, thi công hồ cá Koi cho đến cung cấp đa chủng loại cá Koi Nhật Bản và cả đồ ăn cho cá Koi. Cho đến nay, Koi Service đã phát triển với quy mô rộng lớn bao gồm nhiều hệ thống tại Đà Nẵng.
Theo anh Vỹ, để có được thành công thì việc đầu tiên phải có định hướng và nắm bắt thông tin rõ ràng.
“Một con cá Koi Nhật Bản có đầy đủ các tiêu chuẩn về màu sắc, khỏe mạnh, càng nuôi càng phát triển tốt và đẹp là cả một quá trình công phu. Cụ thể, hồ nuôi phải phù hợp, tương ứng giữa kích cỡ với số lượng cá thả xuống. Toàn bộ nước phải có hệ thống xử lý lọc, những hệ thống lọc có khả năng tách được phân cá, giữ được phần lớn lượng nước của hồ và tuân thủ nghiêm ngặt về chỉ số sạch của môi trường nước để cá sống khỏe…”, anh Vỹ phân tích.
Cũng theo anh Vỹ, bên cạnh đó, phải theo dõi và bổ sung khoáng chất, vitamin các loại, canxi, cho cá ăn đúng giờ với thức ăn giàu lượng dinh dưỡng, bảo đảm sức đề kháng tự nhiên cho cá. Người nuôi phải thường xuyên theo dõi để phát hiện cá có dấu hiệu bị nhiễm bệnh hay không.
“Ngoài ra, khi nhập cá Koi về bán thì đừng nên nhập cá quá nhỏ. Chỉ trừ trường hợp nhập cá nhỏ ví dụ như đầu mùa trại cá bán hàng loạt, mình đặt hàng rồi thì phải chấp nhận mua những con cá nhỏ đó. Nhưng mua rồi thì phải về đầu tư, chăm sóc, dưỡng thật kỹ để bảo tồn được số cá đó. Đỡ rủi ro bao nhiêu thì đó là lãi của mình”, anh Vỹ chia sẻ.
Sẵn lòng mở cửa miễn phí, để HS đến tham quan sinh hoạt ngoại khóa
Anh Trần Thướt Vỹ cho hay, mỗi con cá Koi Nhật Bản đều có sự chăm sóc kỹ lưỡng nên thường có giá thành rất cao. Có thể lên tới 20 đến 30 triệu đồng/con, có nhiều con giá hàng trăm triệu đồng. Mỗi năm, công ty của anh Vỹ bán từ 7.000 - 8.000 con cá Koi. Bên cạnh đó, trang trại Koi Service của anh Vỹ tại Đà Nẵng cũng tạo việc làm ổn định cho gần 50 lao động với mức thu nhập cao từ 7 - 10 triệu đồng/người/tháng. Đến nay, Koi Service đã phát triển với quy mô bao gồm nhiều hệ thống tại Đà Nẵng.
Không chỉ là người đi đầu trong phong trào nuôi cá Koi ở Đà Nẵng, tạo công ăn việc làm cho người dân, anh Vỹ luôn tiên phong trong công tác thiện nguyện trên địa bàn thành phố.
Khi Đà Nẵng bùng phát dịch Covid-19 (đợt thứ hai năm ngoái), để sẻ chia với tuyến đầu chống dịch, anh Vỹ cùng nhiều anh em đam mê cá Koi tại Đà Nẵng tổ chức đấu giá nhiều con cá Koi với số tiền hơn 200 triệu đồng, góp vào chương trình những suất cơm thiện nguyện, trao tặng các y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch tại Đà Nẵng và Quảng Nam.
Anh Vỹ còn mở quán kinh doanh với tên gọi Nhà Koi Coffee & Restaurant (tại TP Đà Nẵng). Địa điểm Nhà Koi Coffee & Restaurant đầu tiên của thành phố biển nhanh chóng trở thành điểm đến lý tưởng cho người dân và du khách tham quan, chiêm ngưỡng loài cá vốn được xem là “quốc ngư” của Nhật Bản.
Để mở rộng thị trường tiêu thụ, anh Vỹ cũng cho biết, sắp tới anh sẽ đầu tư mở rộng cơ sở nuôi cá Koi ở TP HCM và Hà Nội, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Chia sẻ về dự định sắp tới, anh Vỹ tâm sự rằng, trong tương lai gần anh mong muốn kết hợp với các cơ sở giáo dục và đào tạo, xây dựng các điểm tham quan, sinh hoạt ngoại khóa, tìm hiểu cá Koi miễn phí cho học sinh.
Đây là điểm đến để các em có dịp hoà mình vào thiên nhiên, lan tỏa tình yêu thiên nhiên, động vật đến các em học sinh trên địa bàn thành phố. Nâng cao nhận thức và hành động, góp phần xây dựng quê hương Đà Nẵng – Thành phố môi trường.
“Mong muốn lớn nhất của tôi và vợ tôi là sớm được các bạn học sinh tiểu học đến tham quan, tìm hiểu về đời sống cá Koi. Chúng ta dạy con trẻ tình yêu thiên nhiên, tình yêu dành cho muôn loài cùng chung sống với chúng ta. Điều đó rất có ý nghĩa và tác động rất tích cực đến tâm sinh lý của trẻ sau này. Nếu từ nhỏ, các bé đã yêu tự nhiên, nhất định lớn lên, các em sẽ hành động đúng với tự nhiên và con người”, anh Vỹ nhấn mạnh.