Sản giật rình rập tính mạng chị em khi vượt cạn

Tỉ lệ tử vong mẹ trong quá trình mang thai, vượt cạn ở Việt Nam đang ở mức khá cao (65/100.000 ca sinh sống).

Các bác sĩ cứu thai phụ bị vỡ tử cung lúc vượt cạn
Các bác sĩ cứu thai phụ bị vỡ tử cung lúc vượt cạn

Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) vừa tiến hành cấp cứu một ca sản thuộc loại khó. Sản phụ mang thai 9 tháng nhập viện trong tình trạng cực kỳ nguy kịch: co giật toàn thân, hôn mê, sùi bọt mép, huyết áp rất cao, ngưng tim, ngưng thở.

Xác định bị sản giật, sản phụ đối mặt nguy cơ tử vong cả mẹ lẫn con. 

Ê kíp bệnh viện Thống Nhất, thêm sự giúp sức từ bệnh viện Hùng Vương đã tiến hành cuộc phẫu thuật lấy thai, hồi sức cấp cứu mẹ. Ca phẫu thuật thành công đón bé trai cân nặng 3,4kg chào đời trong niềm vui của gia đình và ê-kíp bác sĩ 2 bệnh viện.

Phó giám đốc Sở y tế TP.HCM Tăng Chí Thương vui mừng thông tin ca mổ thành công. Tuy nhiên, không phải sản phụ nào cũng may mắn. 

Chị Nguyễn Thị Thanh Hiền (28 tuổi, ngụ tại Bình Thuận) đang mang thai 35 tuần tuổi thì có biểu hiện mệt, khó thở phải tới bệnh viện đa khoa Đồng Nai cấp cứu.

Tại đây, các bác sĩ đã phải thực hiện cuộc phẫu thuật khẩn bắt con do người mẹ bị tiền sản giật, nhau bong non trên nền cơ địa bị bệnh tim bẩm sinh.

Sản phụ Hiền sau đó được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị trong tình trạng hôn mê, viêm phổi nặng. Người mẹ này đã vĩnh viễn ra đi sau 1 tháng chống chọi với bệnh tật, để lại đứa con thơ.

Sản giật - nguyên nhân tử vong hàng đầu

Theo Phó giám đốc Sở y tế TPHCM, tỷ lệ tử vong mẹ trong quá trình mang thai, vượt cạn ở Việt Nam đang ở mức khá cao (65/100.000 ca sinh sống). Trong đó, tiền sản giật, sản giật được xác định là những nguyên nhân gây tử vong mẹ hàng đầu trong sản khoa.

Ngoài ra, nhiều trẻ tử vong sau khi chào đời do mắc phải các dị tật bẩm sinh hoặc mang bệnh, dị tật suốt đời, ảnh hưởng đến chất lượng dân số. 

dị tật thai nhi, tiền sản giật, sản giật, tai biến sản khoa, bệnh viện Từ Dũ

Sản phụ Hiền bị tiền sản giật, đã tử vong sau khi sinh con

Ông Thượng cho hay, còn những khoảng trống giữa các bệnh viện đầu ngành về sản phụ khoa (bệnh viện Từ Dũ và bệnh viện Hùng Vương) với các bệnh viện đa khoa tuyến dưới trong thực hành liên quan đến thai kỳ nguy cơ cao.

Giám đốc bệnh viện Hùng Vương Hoàng Thị Diễm Tuyết cũng khẳng định, việc theo dõi thai kỳ, sàng lọc trước sinh góp phần phát hiện những nguy cơ ở người mẹ, dị tật ở thai nhi, nâng cao chất lượng dân số.

Tuy nhiên, thực tế lâm sàng không phải tất cả các trường hợp đều dễ dàng cho các bác sĩ chuyên khoa trong chẩn đoán hình ảnh, di truyền học đưa ra những kết luận và những quyết định can thiệp.

"Vấn đề trên càng khó khăn hơn tại các bệnh viện tuyến dưới", bà Tuyết nói.

Sở y tế TP.HCM đã yêu cầu 2 bệnh viện sản khoa đầu ngành (Từ Dũ và Hùng Vương) “lấp đầy” những khoảng trống trong lĩnh vực sản phụ khoa, tạo sự phối kết hợp hiệu quả giữa các bệnh viện có khoa sản và cả bệnh viện không có khoa Sản, góp phần gia tăng tỷ lệ cứu sống cả mẹ và con trong tình trạng nguy kịch khi không may bị tai biến sản khoa.

Theo vietnamnet.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ