Săn đón từng thí sinh

GD&TĐ - Từ ngày 18/9, thí sinh có thể vừa đăng ký xác nhận trúng tuyển trên hệ thống vừa xác nhận nhập học với nhà trường. 

Thí sinh bổ sung và hoàn thiện hồ sơ thủ tục nhập học vào Trường ĐH Hoa Sen năm 2022.
Thí sinh bổ sung và hoàn thiện hồ sơ thủ tục nhập học vào Trường ĐH Hoa Sen năm 2022.

Thời điểm này, các trường tìm đủ cách để đón thí sinh với mục tiêu không để em nào “rơi rụng” giữa đường.

Chăm sóc tận tình

Ngay sau khi Bộ GD&ĐT lọc ảo và nhả dữ liệu, các trường ngoài việc thông báo cho thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 (NV1) bằng nhiều cách như gọi điện thoại, nhắn tin, gửi thông báo trúng tuyển, thậm chí tặng quà. Với em ở xa, điều kiện khó khăn, có trường còn lên phương án tập trung lại theo địa bàn và thuê xe về đón. Cùng với đó, chương trình học bổng, hỗ trợ học phí một lần nữa được nhắc lại trên mọi diễn đàn… Chương trình chào đón tân sinh viên được tổ chức rầm rộ. Việc này để đảm bảo thí sinh không rơi rụng trên chặng đường từ trúng tuyển đến xác nhận nhập học và đóng học phí.

Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng chia làm 3 đợt đón tân sinh viên K22 vừa trúng tuyển vào trường. Mỗi đợt sẽ kéo dài 3 ngày để giãn lượng thí sinh, tạo điều kiện cho các em nhanh chóng hoàn tất thủ tục nhập học.

Em Nguyễn Ngọc Vũ hào hứng khi biết mình trúng tuyển vào Khoa Điện tử Viễn thông nên quyết định nhập học ngay trong đợt đầu. “Ngoài sự hướng dẫn chi tiết và tỉ mỉ của các anh chị tình nguyện viên ở khu vực điền hồ sơ, em còn được tham gia mini tour gồm đi thăm các khu vực của trường, đến văn phòng khoa, trung tâm học liệu. Các anh chị chia sẻ kinh nghiệm để có thể khai thác hiệu quả tài liệu ở đây. Em chỉ mong em sẽ là một phiên bản tốt hơn ở thời điểm tốt nghiệp”, Ngọc Vũ nói.

Theo ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh & Truyền thông, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM (HUFI), thực tế tuyển sinh năm nay cho thấy không ít thí sinh khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển có sự nhầm lẫn trong đặt nguyện vọng ưu tiên (NV1).

Ngoài ra có em để nguyện vọng ưu tiên xét tuyển vào trường tốp đầu để thử sức mình dù không phải ngành học yêu thích. Hệ lụy là không ít thí sinh có tên trong danh sách trúng tuyển NV1 của trường nào đó nhưng vẫn bỏ để tìm kiếm cơ hội ở NV2, 3 cho đúng ngành yêu thích.

“Quy chế và Luật Giáo dục cho phép thí sinh có thể chuyển tiếp ngành học khác trong cùng một trường nếu cùng nhóm ngành và có điểm trúng tuyển cao hơn ngành muốn chuyển. Việc này giải quyết được “điểm tắc” cho sinh viên khi buộc phải theo học ngành mình không yêu thích và đam mê. Tuy vậy, đây vẫn là điều không nên vì nó dẫn đến tỷ lệ trúng tuyển và nhập học dễ bị vênh nhau.

Thực tế, ngay từ đầu mùa của công tác tuyển sinh, các trường đã hướng dẫn thí sinh rất kỹ, thậm chí là hỗ trợ thí sinh 24/24 giờ ở khâu ghi thông tin, đặt nguyện vọng ưu tiên xét tuyển lên hệ thống của Bộ GD&ĐT. Vì vậy, lời khuyên của tôi là thí sinh hãy thực hiện đúng và đủ quy trình 6 bước để xác nhận trúng tuyển” - ThS Sơn nói.

Chuyên gia tuyển sinh Trường ĐH Hoa Sen giải đáp thắc mắc cho phụ huynh và thí sinh trong quá trình nhập học năm 2022.

Chuyên gia tuyển sinh Trường ĐH Hoa Sen giải đáp thắc mắc cho phụ huynh và thí sinh trong quá trình nhập học năm 2022.

Hiện rõ bức tranh lệch pha giữa nhóm ngành

Với kinh nghiệm tuyển sinh nhiều năm, ThS Trịnh Hữu Chung, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Gia Định cho biết, số thí sinh đỗ NV1 nhập học đạt 80% là thành công. Bởi thực tế, tỷ lệ học sinh trúng tuyển nhưng không nhập học để đi du học, rẽ lối học nghề, hay đơn thuần chỉ là bỏ NV1 để tìm kiếm cơ hội học tập ở trường khác với nguyện vọng bổ sung là không nhỏ.

“Theo quy định, khi Bộ GD&ĐT trả dữ liệu cho các trường và thí sinh được xác định trúng tuyển NV1 vào bất cứ trường nào phải xác nhận nhập học trên hệ thống. Nếu không xác nhận, thí sinh đó xem như loại trừ cơ hội trúng tuyển của mình. Tuy nhiên, không ít em dù trúng tuyển nhưng khi nhà trường gọi nhập học vẫn không chịu (bỏ) để tìm kiếm cơ hội khác ở nguyện vọng bổ sung.

Điều này khiến tỷ lệ dự đoán chính xác con số thí sinh trúng tuyển và nhập học của các trường rất khó khăn. Tuy vậy, theo tôi thí sinh không nên từ bỏ cơ hội trúng tuyển bằng NV1, bởi ngoài việc đối diện nguy cơ rớt ở nguyện vọng sau vì điểm cao, tỷ lệ cạnh tranh lớn thì cơ hội trúng tuyển ngành học yêu thích vào trường công lập cũng giảm đi” - ThS Chung nói.

Theo Quy chế tuyển sinh đại học 2022 của Bộ GD&ĐT, từ đầu tháng 10, các trường mới được thông báo tuyển sinh bổ sung. Tuy nhiên, dù đang trong thời điểm thí sinh xác nhận trúng tuyển và nhập học đợt 1, đã có không ít trường lên phương án tuyển bổ sung nhằm đảm bảo không thiếu hụt nguồn tuyển.

Giải thích cho lý do hàng loạt các trường năm nay phải tuyển bổ sung, TS Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM cho biết; Nguyên nhân mấu chốt nằm ở việc năm nay quy chế tuyển sinh yêu cầu các trường xác định chỉ tiêu theo từng lĩnh vực (nhỏ nhất) chứ không xét theo khối ngành như mọi năm (ví dụ khối ngành 3, 5, 7).

Việc xét tuyển theo từng khối ngành khiến cho một trường có nhiều ngành tuyển đủ nhưng có ngành sau khi lọc ảo, số thí sinh trúng tuyển NV1 không đủ buộc phải tuyển thêm. Trong khi mọi năm xét theo khối ngành, trường có thể tự cân đối chỉ tiêu bằng cách lấy ngành này bù đắp cho ngành kia.

“Về nguyên tắc thì sau khi thí sinh nhập học xong đợt 1 các trường mới được tuyển bổ sung khi thiếu. Tuy nhiên, năm nay khi Bộ GD&ĐT nhả dữ liệu chúng tôi đã biết chắc mình thiếu nên buộc phải tính chuyện tuyển bổ sung. Nhóm ngành tuyển bổ sung đều là những ngành khó tuyển và kén người học” - TS Nhân cho biết.

Quy trình xác nhận nhập học trực tuyến thí sinh cần lưu ý:

Bước 1: Thí sinh truy cập vào website http://thisinh.thitotnghiepthpt.edu.vn; sau đó, nhập các thông tin số chứng minh nhân dân (căn cước công dân), mã đăng nhập, mã xác nhận và nhấn nút Đăng nhập.

Bước 2: Vào menu Tra cứu kết quả xét tuyển sinh từ chức năng Tra cứu.

Bước 3: Xem kết quả xét tuyển. Mỗi trường mà thí sinh đăng ký xét tuyển chỉ có 1 kết quả là đỗ hoặc trượt. Nếu kết quả là trượt, có nghĩa là thí sinh trượt tất cả nguyện vọng đã đăng ký vào trường.

Bước 4: Xác nhận nhập học. Đối với nguyện vọng đỗ, thí sinh có quyền xác nhận nhập học. Để xác nhận nhập học, thí sinh nhấn nút Xác nhận.

Bước 5: Nhấn Đồng ý để hoàn thành việc xác nhận nhập học.

Bước 6: Kiểm tra lại. Trạng thái thông tin của thí sinh “Đã nhập học” nghĩa là thí sinh đã xác nhận nhập học thành công và trường đại học nhận được thông tin xác nhận nhập học của thí sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.