Sai phạm trong đào tạo tiến sĩ

Qua thanh tra tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã chỉ ra sai phạm trong đào tạo tiến sĩ (TS).

Sai phạm trong đào tạo tiến sĩ
Sai phạm trong đào tạo tiến sĩ
Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đào tạo 5 ngành trình độ TS. Tuy nhiên, việc rà soát, cập nhật chương trình đào tạo chưa đầy đủ... Ảnh: Internet

Chương trình đào tạo chưa đầy đủ

Tính đến tháng 7/2018, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương có 4 Giáo sư, 12 Phó Giáo sư, 29 TS. Ngoài ra, Viện còn có 19 Giáo sư, 49 Phó Giáo sư và 11 TS là giảng viên thỉnh giảng.

Viện đào tạo 5 ngành trình độ TS. Tuy nhiên, việc rà soát, cập nhật chương trình đào tạo chưa đầy đủ theo quy trình tại Thông tư 07/2015 của Bộ GD&ĐT, đề cương chương trình đào tạo chưa chi tiết đề mục.

Đáng nói, Viện lại gửi nghiên cứu sinh (NCS) đến các cơ sở đào tạo khác thực hiện việc đào tạo các học phần của trình độ thạc sĩ, trong khi các học phần thuộc chương trình đào tạo TS của Viện. Giữa Viện và các cơ sở đào tạo gửi NCS đến học tập chưa có văn bản ký kết về chương trình, nội dung theo dõi học tập, đánh giá.

Ngoài ra, Viện cũng chưa có quy định về thỉnh giảng theo quy định; không có văn bản quy định cụ thể việc học chương trình bổ sung kiến thức tại các cơ sở đào tạo; không ký kết văn bản đối với các cơ sở đào tạo Viện gửi NCS học bổ sung kiến thức.

Kiểm tra xác suất 7 hồ sơ NCS, đoàn thanh tra phát hiện còn có tồn tại như: Chưa có kế hoạch nghiên cứu của NCS, bản nhận xét của thành viên hội đồng không đầy đủ nội dung (không có tên đề tài luận án, tên NCS, nhận xét chưa đầy đủ…).

Việc xét tuyển NCS đối với bác sĩ Chuyên khoa II không đúng đối tượng tuyển sinh theo quy định.

Có đối tượng trúng tuyển NCS sai quy định

Là cơ sở đào tạo trình độ TS, nhưng Viện Dinh dưỡng Quốc gia không quy định cụ thể các học phần/khối lượng tín chỉ NCS bổ sung theo quy định. Viện cũng chưa có văn bản sửa đổi, bổ sung quy chế đào tạo trình độ TS.

Hàng năm, Viện có kế hoạch triển khai hoạt động đào tạo, nhưng chưa có hợp đồng, kế hoạch giảng dạy của các giảng viên thỉnh giảng.

Sổ gốc quản lý văn bằng chưa thực hiện đúng quy định, sổ không đóng dấu của Viện, thiếu nhiều nội dung thông tin.

Bên cạnh đó, Viện cũng chưa thực hiện đầy đủ các nội dung về cam kết chất lượng giáo dục đào tạo, các điều kiện đảm bảo chất lượng và thu chi tài chính.

Viện được giao đào tạo 1 ngành trình độ TS dinh dưỡng. Hàng năm, Viện có thông báo kế hoạch tuyển sinh theo quy định (mỗi năm 1 đợt), nhưng thông báo tuyển sinh của 3 năm 2016, 2017, 2018 còn thiếu thông tin danh sách người hướng dẫn.

Viện cũng đã thành lập Hội đồng tuyển sinh và các ban giúp việc, tuy nhiên các quyết định hội đồng hồ sơ lưu không bảo đảm đầy đủ tính pháp lý, không đóng dấu, không có biên bản họp... Nghịch lý là hội đồng tuyển sinh lại được thành lập sau khi đã có thông báo tuyển sinh.

Trong năm 2016, Viện đã có quyết định công nhận danh sách NCS, quyết định giao đề tài nghiên cứu và cán bộ hướng dẫn khoa học. Năm 2017 Viện cũng đã có quyết định công nhận danh sách NCS từ tháng 12/2017, nhưng đến thời điểm thanh tra vẫn không có quyết định giao đề tài và cán bộ hướng dẫn.

Kiểm tra hồ sơ tuyển sinh năm 2016, 2017 của 6 NCS cho thấy, có 3 NCS tốt nghiệp thạc sĩ tại nước ngoài nhưng không có văn bằng công nhận tương đương văn bằng trước khi dự tuyển theo đúng quy định; hồ sơ thiếu chứng chỉ bổ sung kiến thức; phiếu đánh giá không có đầy đủ điểm thành phần; biên bản họp xét của Hội đồng sơ sài…

Ngoài ra, Viện cũng chưa có văn bản quy định về thỉnh giảng, chưa lưu đầy đủ lý lịch khoa học, văn bằng của giảng viên thỉnh giảng, người hướng dẫn, tham gia hội đồng… Viện chỉ trực tiếp mời các cá nhân, đơn vị tham gia giảng dạy khi có nội dung liên quan.

Kiểm tra xác suất 4/8 hồ sơ NCS đã hoàn thành bảo vệ luận án cho thấy, việc đổi tên đề tài nghiên cứu; việc gia hạn thời gian đào tạo chưa đúng. Đáng nói, thành phần hội đồng đánh giá luận án, phản biện độc lập có nhiều người chưa đúng chuyên ngành đào tạo.

Năm 2018, Viện có thông báo tuyển sinh trình độ đại học chuyên ngành Dinh dưỡng hệ đào tạo chính quy và vừa học vừa làm khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Bộ GD&ĐT yêu cầu, Viện Dinh dưỡng Quốc gia rà soát toàn bộ các trường hợp đối tượng trúng tuyển NCS không đúng quy định, đề xuất phương án xử lý.

Theo Thanhtra.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ