Sai lầm trong giáo dục giới tính cho trẻ

GD&TĐ - Nhiều bậc cha mẹ phó thác cho trường học trong việc giáo dục giới tính cho con hoặc nghĩ rằng “nó còn rất nhỏ” và bỏ qua việc này.

Dù bé trai hay gái đều cần được dạy về giới tính. Ảnh minh hoạ
Dù bé trai hay gái đều cần được dạy về giới tính. Ảnh minh hoạ

Bé gái hay trai đều có thể là nạn nhân

Một số báo cáo nghiên cứu xã hội cho thấy, xung quanh việc giáo dục giới tính cho trẻ, bản thân cha mẹ vẫn có những hiểu nhầm. Từ đó, việc làm thế nào để dạy con cho đủ và đúng giới tính, tình dục vẫn là bài toán khó.

Cô Nguyễn Thùy Dương - Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn tâm lý Thanh niên Việt cho rằng, nhiều cha mẹ mắc sai lầm trong quá trình hướng dẫn hay trò chuyện với trẻ về giới tính.

Cụ thể như quan điểm “con gái mới đáng lo, con trai thì sợ gì” là hoàn toàn sai lầm. Bởi không có giới tính nào là an toàn tuyệt đối. Vì vậy, cả nam và nữ đều cần được giáo dục giới tính.

Tội phạm ấu dâm có thể là bất cứ ai chung quanh trẻ. Từ người thân ruột thịt trong gia đình, hàng xóm làng giềng, bạn bè của cha mẹ, kể cả thầy cô giáo tại trường. Chưa kể đến những nanh vuốt tiềm ẩn ngoài xã hội như những kẻ biến thái xa lạ, những tên ấu dâm đội lốt người thành đạt, nổi tiếng, người tu hành, nhà hoạt động xã hội… tìm cách để tiếp cận các em…

Chủ nhiệm dự án giáo dục giới tính S Project Nguyễn Thị Song Trà (Dự án vừa nhận giải thưởng tình nguyện quốc gia 2018) cho hay, dù là trẻ em gái hay trẻ em trai thì việc đảm bảo an toàn đều cần được chú ý bậc nhất. Khi bị xâm hại, các em đều rơi vào trạng thái khủng hoảng, lo sợ và có thể luôn sống trong ám ảnh. Nhiều em nói ra, nhiều em biết cách để bảo vệ mình, song cũng có nhiều em tìm đến những điều tiêu cực để thoát khỏi nỗi sợ hãi.

“Nhiều bạn trai, thậm chí nhiều bậc phụ huynh cho rằng may mắn khi là con trai và không bị xâm hại. Khi đứng các lớp dạy về kiến thức giới tính, tôi thấy rằng nhiều bạn nhỏ rất chủ quan khi nghĩ mình là con trai, mình mạnh mẽ và không ai dám xâm hại mình. Các bạn luôn nghĩ mình phải bảo vệ các bạn gái và chưa nghĩ phải tự bảo vệ chính mình mặc dù các bạn cũng có thể là nạn nhân”, Chủ nhiệm dự án S Project cho biết.

Lớn con sẽ tự hiểu, không “vẽ đường cho hươu chạy” cũng chính là quan niệm sai lầm của nhiều cha mẹ trong giáo dục giới tính cho trẻ.

Theo cô Nguyễn Thùy Dương, nhiều cha mẹ cho rằng dạy giáo dục giới tính cho trẻ từ sớm khiến trẻ coi tình dục là thứ bình thường, dễ sa vào các mối quan hệ yêu đương từ sớm, có thể quan hệ tình dục sớm. Tuy nhiên, đây là một sai lầm.

Thế hệ trước thường sử dụng những câu như “Khi nào lớn lên thì sẽ hiểu” để đối phó với những câu hỏi nhạy cảm liên quan đến tình dục của trẻ con.

Điều này có thể phù hợp trong thời điểm trước đây, khi kiến thức tình dục của đại bộ phận đều còn ít, sự cách biệt với thế giới Internet, truyền thông... cũng có thể được coi như là một sự bảo vệ. Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay, mức độ cởi mở của xã hội ngày một cao, các chương trình Internet, tivi thúc đẩy sự tò mò, tìm hiểu của trẻ, khiến trẻ trưởng thành sớm hơn trước rất nhiều. Vì thế, sự trì hoãn trò chuyện thẳng thắn với con về tình dục để bảo vệ chúng là không cần thiết.

Nếu cha mẹ cố gắng giấu kín trẻ chuyện giới tính, phủ nhận các thông tin thực tế về quấy rối tình dục, hành động đó giống như cố bịt mắt trẻ để chúng tự mày mò băng qua con đường đầy rủi ro. Con của bạn có thể bị “tai nạn” bất cứ lúc nào. Nguy hiểm hơn là chúng có thể sẽ không nói với bạn về chuyện đã rồi.

Do đó, hãy dạy trẻ biết cách để “băng qua đường”. Quan trọng hơn cả là dạy chúng thái độ sống đúng đắn và tình yêu thương, sự tôn trọng với người khác. Ngoài việc hiểu biết đúng đắn về cơ thể mình, có thái độ sống tích cực là chìa khóa giúp trẻ an toàn.

Không né tránh, nói dối trẻ

Cô Dương cũng cho biết, nhiều cha mẹ cũng có suy nghĩ “chờ đến dậy thì mới giáo dục giới tính”. Đây là quan điểm cần thay đổi. Giáo dục giới tính cần phải bắt đầu từ thời thơ ấu, thời điểm chủ chốt là 5 tuổi. Tuy nhiên, nội dung giáo dục giới tính ở các độ tuổi khác nhau là khác nhau. Điều quan trọng là không có thái độ tránh né, nói dối trẻ.

Trong quá trình dạy trẻ về giới tính, cha mẹ hầu như ai cũng đối mặt với câu hỏi đơn giản nhất về giới tính của trẻ, đó là: Con sinh ra từ đâu. Bạn sẽ sai khi nói: Con sinh ra từ nách, nhặt được từ ông đổ rác, con cò chở đến... Điều này không những không thỏa mãn trí tò mò của trẻ, mà còn gây cho chúng cảm giác không an toàn.

Ngay từ khi con có khả năng tiếp nhận thông tin về giới tính và biết đặt ra câu hỏi về giới tính, tình dục, nên chia sẻ một cách khoa học. Mục đích để con hiểu về bản thân, từ đó biết cách bảo vệ cơ thể của chính mình.

Mắt, rốn, mũi là những bộ phận cơ thể mà cha mẹ có thể nói bình thường, thoải mái với con, nhưng các vùng nhạy cảm đôi khi trở thành câu chuyện cấm kỵ mà họ ngại không mở miệng nói. Điều này vô tình khiến trẻ có quan điểm sai lầm về vùng kín. Thậm chí lớn lên hình thành suy nghĩ tình dục là thứ gì đó bẩn thỉu, xấu xa.

Hãy đề cập đến các bộ phận cơ thể con một cách tự nhiên, khéo léo, để trẻ hiểu hơn về chính bản thân chúng, trước khi dạy chúng bảo vệ mình.

Theo cô Dương, ngoài những quan niệm chưa đúng, cha mẹ cần cập nhật những kiến thức về giới tính để dễ dàng trao đổi với trẻ một cách phù hợp. Cần cho con hiểu, vùng đồ bơi, với nam bao gồm bộ phận sinh dục, vùng mông, với nữ là ngực, bộ phận sinh dục, vùng mông, là những nơi riêng tư.

“Cần phải dạy con, nếu một người muốn hôn con, chạm vào con, con nên làm gì? Hay khi một người xấu yêu cầu trẻ không nói cho bố mẹ, người thân những việc mình làm với trẻ, thì bé phải làm gì? Tất cả những điều này, cha mẹ cần phải hướng dẫn cho con ngay từ khi chúng còn nhỏ”, cô Dương nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.