Cho đến lần đi khám mới đây, chị Minh cho biết, chị thường tưa lưỡi cho con bằng mật ong. Đây là cách do mẹ chồng chị hướng dẫn vì cho rằng mật ong làm sạch lưỡi trẻ và lại ngọt nên trẻ sẽ thích.
Hơn nữa, mật ong rất “lành”, và ở quê chị, nhiều người cũng dùng cách này. Nhưng kết quả khám bệnh cho thấy con chị bị rối loạn tiêu hóa, đi ngoài, đau bụng kèm theo quấy khóc. Chị không biết, việc mình làm có đúng với khoa học không?
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi không nên ăn mật ong
Điều này được BS. Đào Thị Ngọc - Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM, trực thuộc Viện Y học ứng dụng Việt Nam lý giải như sau: Mật ong là thực phẩm rất bổ dưỡng vì có chứa nhiều vitamin, đường glucoza, đường fructoza, nhiều loại axit hữu cơ và các nguyên tố vi lượng có ích cho sức khỏe.
Bác sĩ Đào Thị Ngọc - Viện Y học ứng dụng Việt Nam.
Một số người cho rằng thêm chút mật ong vào trong sữa hoặc ăn một lượng mật ong hằng ngày sẽ làm tăng dinh dưỡng cho trẻ, giúp trẻ tiêu hóa tốt. Thậm chí, nhiều bà mẹ còn dùng mật ong để làm sạch miệng cho trẻ khi vừa sinh ra.
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi không nên ăn mật ong và các chế phẩm từ phấn hoa. Bởi trẻ có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn có tên Botulinum, gây ra ngộ độc. Vi khuẩn này sau khi được đưa vào cơ thể dễ sinh sôi và sản sinh ra độc tố trong đường ruột, gây trúng độc thức ăn.
Trẻ trúng độc bị táo bón kéo dài 1-3 tuần, nặng hơn sẽ xuất hiện chứng bại liệt, tiếng khóc yếu, trẻ mút sữa yếu và hô hấp khó khăn. Độc tố botulium còn tác động lên dây thần kinh cơ, gây liệt, thậm chí tử vong. Trẻ dưới 1 tuổi (đặc biệt dưới 6 tháng) có nguy cơ ngộ độc cao với độc tố này, do vậy không được cho bé dùng mật ong cũng như đánh tưa lưỡi bằng mật ong.
Tưa lưỡi theo y khoa là nấm lưỡi, do loại nấm có tên khoa học là candida albicans gây ra. Những trẻ sinh thiếu tháng hoặc các vật dụng như bình sữa không được vệ sinh kỹ có thể tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển.
Khuyến cáo của bác sĩ
Đánh tưa lưỡi bằng mật ong là kinh nghiệm dân gian, được nhiều người cho là có hiệu quả nhưng khoa học hiện đại chứng minh phương pháp này nguy hiểm với trẻ nhỏ.
Thay vào đó, để phòng bệnh nấm lưỡi ở trẻ, các mẹ nên cho trẻ ăn uống hợp vệ sinh, khi cho trẻ bú sữa xong, phải rửa bình thật sạch. Tráng lại bình sữa bằng nước sôi trước khi pha sữa cho trẻ để khử trùng.
Khi trẻ bị tưa lưỡi, các mẹ không nên cạy những chấm trắng trên lưỡi trẻ vì sẽ gây chảy máu, dẫn đến nhiễm trùng. Nên dùng gạc thấm nước muối sinh lý xoa lên lưỡi bé. Do bệnh dễ tái phát nên sau khi hết triệu chứng vẫn phải tiếp tục đánh tưa lưỡi cho trẻ với nước muối sinh lý loại 0,9% hai ngày/lần.
Sau khi đánh tưa cho trẻ không nên cho trẻ bú ngay, mà nên chờ ít nhất 20 phút mới cho trẻ bú hoặc ăn. Nếu trẻ bị tưa nặng nên đưa đến khám để được tư vấn cách dùng thuốc đặc trị nấm.