Chiều ngày 22/3, một chiếc xe lao lên vỉa hè của cầu Westminster, gần tòa nhà quốc hội Anh khiến 4 người thiệt mạng. Tiếp đó, một tên trên xe nhảy xuống và đâm chết một cảnh sát. Tên này bị bắn. Khi đó, không ai biết hắn là ai ngoại trừ việc hắn có làn da sẫm màu và để râu. Sau đó cảnh sát đã cung cấp tên những người đã bị chết trong thảm kịch này. Theo ông Jenkins, những người có thể là mục tiêu của vụ tấn công là thành viên quốc hội may mắn thoát nạn.
Đó sẽ là cách báo chí đưa tin về những vụ tấn công ở Anh mỗi năm. Kẻ tấn công thường là những người đang tức giận hoặc có vấn đề về tinh thần. Cách đưa tin có vẻ nhàm chán nhưng không có gì bất thường mặc dù một số trong những vụ đó có liên quan đến người Hồi giáo.
Tất nhiên, vụ tấn công hôm 22/3 xảy ra tại địa điểm mang tính biểu tượng của London, nhưng trước khi có thông tin gì khác, truyền thông nên xem đó là một địa điểm bình thường như những địa điểm khác.
Một người bị thương trong vụ tấn công, đâm xe trên cầu Westminster, London, Anh hôm 22/3/2017.
Theo ông Jenkins, truyền thông không nên lấp đầy các trang báo, các giờ truyền hình và đài phát thanh bằng những từ ngữ gây sợ hãi, những từ ngữ mang tính đe dọa, kinh dị, quái đản.
Thứ khiến cho vụ việc hôm 22/3 bị đưa tin khác biệt chính là hàng loạt những giả định hay dự đoán vô căn cứ. Đó là sự lựa chọn của truyền thông và chính trị. Một sự lựa chọn khiến quan điểm về vụ tấn công kinh hoàng hoàn toàn đi theo một hướng, thậm chí ngay cả khi chưa rõ nguyên nhân vụ tấn công là gì. Bởi nó giống một vụ khủng bố nên nó ngay lập tức được giả định như vậy mà chưa có căn cứ gì đáng kể. Dù chưa có bằng chứng cũng như chưa có ai đứng ra nhận trách nhiệm, các đài phát thanh, truyền hình và báo chí đã tràn ngập các giả định rằng, vụ tấn công “lấy cảm hứng từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS)”.
Ngay cả khi đó thực sự là một hành động "khủng bố" chứ không phải hành động tự phát của một kẻ điên nào đó, thì cách phản ứng đúng đắn của truyền thông là coi đó là một tội ác. Đừng suy đoán khi suy đoán đó có thể gây hoang mang, thậm chí kích động các hoạt động bạo lực, khủng bố khác.
Theo ông Jenkins, đừng lấp đầy các trang báo, giờ truyền hình và đài phát thanh bằng những từ gây sợ hãi, đe dọa, kinh dị. Đừng để Thị Trưởng London phải vội vàng hét lên "đừng hoảng sợ". Bên cạnh đó, truyền thông cũng đừng vội hỏi ý kiến chuyên gia những câu kiểu như "IS muốn gì?” và “Làm thế nào để tự bảo vệ mình khỏi các cuộc tấn công”. Đừng dựng London thành bối cảnh của một bộ phim kinh dị. Nói cách khác, truyền thông đừng giả vờ như mình đang đưa tin như thường lệ trong khi đang làm điều ngược lại.
Khi Thủ tướng Anh Theresa May đứng trước quốc hội tuyên bố: "Chúng ta không sợ", nhiều người đã đặt câu hỏi: “Vậy tại sao khi đó, toàn bộ bộ máy chính phủ hành xử như thể họ đang rất sợ hãi?”.
Tóm lại, ông Jenkins cho rằng, cách phản ứng sai lầm của chính quyền và truyền thông Anh trong vụ tấn công ở Westminster vừa qua có thể thôi thúc khủng bố. Cho đến nay, mặc dù đã bắt giữ thêm nhiều nghi phạm nhưng theo cảnh sát Anh, các bằng chứng hiện tại vẫn cho thấy Khalid Masood, 52 tuổi, hành động đơn độc vào thời điểm tấn công.