Nhưng phổ chất lượng của giáo dục không phải là đồng nhất mà dao động từ tối thiểu có thể chấp nhận được tới những mức cao hơn tùy theo năng lực từng trường. Chính vì vậy, cần có sự phân biệt rõ ràng, công khai, minh bạch bằng cấp của các trường. Trường nào chất lượng cao hay thấp, đủ hay không đủ tiêu chuẩn đều phải công bố cho xã hội biết. Cho đến nay, công tác kiểm định các cơ sở giáo dục đại học đạt khoảng 2/3 số trường. Có trường đại học bắt đầu chuẩn bị cho việc tái kiểm định các điều kiện bảo đảm chất lượng sau một chu kỳ 5 năm. Thế nhưng, kiểm định chương trình đào tạo là một khối lượng công việc lớn và cần phải tăng tốc quá trình kiểm định.
Có không ít ý kiến lo ngại về sự tham gia của công ty tư nhân vào lĩnh vực giáo dục. Liệu có bảo đảm tính khách quan, trung thực và tin cậy hay không? Năng lực của đội ngũ kiểm định viên cũng như các chuyên gia tham gia đoàn kiểm định cũng được đặt ra. Thế nhưng, cần phải lưu ý rằng, thời gian cấp phép hoạt động của mỗi trung tâm chỉ trong 5 năm, sau đó sẽ đánh giá lại. Nếu trung tâm đáp ứng đầy đủ các tiêu chí và uy tín trong hoạt động mới được tiếp tục cấp phép. Chính vì vậy, các trung tâm kiểm định chất lượng buộc phải lưu ý đến sự công minh khi “cầm cân nảy mực”. Kết quả kiểm định phải được xã hội, nhà tuyển dụng, người học và các trường đại học, cao đẳng thừa nhận mới có thể tồn tại được.
Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, với yêu cầu cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, việc tự đánh giá và được kiểm định độc lập là minh chứng quan trọng để các cơ sở giáo dục đại học giải trình chất lượng với xã hội, là căn cứ để cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo. Ở chiều ngược lại, các tổ chức kiểm định cũng phải chịu sự giám sát của Bộ GD&ĐT. Bảo đảm tính minh bạch, công khai về thông tin kết quả kiểm định cơ sở giáo dục đại học của các trung tâm kiểm định là điều mà chính sách pháp luật có thể can thiệp được. Sự đánh giá của xã hội, nhà tuyển dụng và người học cũng là một kênh quyết định sự tồn tại của các trung tâm kiểm định.
Đạt kiểm định chất lượng giáo dục không phải là điểm cuối cùng mà là dấu mốc đầu tiên để các trường đại học cải tiến và hoàn thiện các điều kiện phục vụ công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học. Một kiểm định chất lượng giáo dục được coi là hiệu quả khi không chỉ đánh giá một trường hay một chương trình đào tạo có đạt chất lượng hay không, mà còn tư vấn, sẵn sàng giúp đỡ nhà trường giải quyết các vấn đề tồn tại và nâng cao chất lượng. Thế nên, những trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục tư nhân, muốn đi đường dài không thể không đầu tư về nhân lực và phải đáp ứng 3 nhóm nguyên tắc chủ yếu với hoạt động kiểm định: Khách quan, đúng pháp luật; trung thực, công khai, minh bạch và bình đẳng, bắt buộc, định kỳ.