Sách - “Liều thuốc” giảm đau cho bệnh nhi

GD&TĐ - Không chỉ nuôi dưỡng trí tưởng tượng phong phú và thế giới quan, sách còn được ví như liều thuốc giảm đau giúp trẻ em tạm quên nỗi sợ về bệnh tật.

Một buổi đọc sách cho các bệnh nhi của quỹ Bắc Cầu.
Một buổi đọc sách cho các bệnh nhi của quỹ Bắc Cầu.

Cội rễ và đôi cánh từ việc đọc sách

Cùng với việc khám phá thế giới xung quanh qua trang sách, “Tuần sách kết nối - Ehon Week” đang diễn ra tại Tòa nhà Văn hóa và Quan hệ công chúng thuộc Đại sứ quán Nhật Bản (số 8 Vạn Phúc, Ba Đình, Hà Nội) cũng nêu bật giá trị và ý nghĩa của sách đối với trẻ em mắc bệnh đang phải điều trị tại các bệnh viện.

Dưới sự bảo trợ của Đại sứ quán Nhật Bản, tuần sách được tổ chức bởi quỹ Bắc Cầu nhằm giúp trẻ em thêm tình yêu với sách, các bậc phụ huynh có con nhỏ cũng thêm những kiến thức và lưu tâm về việc chọn lựa sách, đọc sách; vun đắp ước mơ và hình thành thói quen yêu sách cũng như tính cách tốt cho trẻ.

Bà Lê Thu Hiền - người sáng lập quỹ Bắc Cầu cho biết, là tổ chức phi lợi nhuận thành lập năm 2019 có tên bắt nguồn từ cuốn sách “Bắc Cầu - Kỷ niệm đọc sách thời thơ ấu” của Hoàng thái hậu Nhật Bản Michiko. Cuốn sách là toàn văn bài diễn thuyết của bà vào ngày 21/9/1998 tại Đại hội IBBY thứ 26 New Delhi “Hòa bình qua những cuốn sách dành cho trẻ em”.

“Đọc sách giúp trẻ có được cội rễ vững chắc, có được đôi cánh mạnh mẽ của niềm vui và trí tưởng tượng. Sách cũng giúp trẻ biết tôn trọng bản sắc văn hóa, ngôn ngữ và các giá trị bản thân, giá trị quốc gia cũng như nền văn minh khác. Bởi vậy, chúng tôi đồng hành cùng các nhà tài trợ mang sách tới trẻ em trên khắp Việt Nam thông qua thư viện, trường học, bệnh viện và các điểm đọc trên toàn quốc”, bà Lê Thu Hiền cho biết.

Bắt đầu từ năm 2014, khởi điểm là những buổi “đọc sách dạo”, sau đó hoạt động trao tặng sách cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được tiến hành vào những năm 2017. Từ năm 2021, quỹ Bắc Cầu hướng tới việc tặng sách cho con em y bác sĩ trong đại dịch Covid-19, gây quỹ tặng sách cho khoa nhi các bệnh viện, tặng tủ sách và chương trình chia sẻ đọc sách hiệu quả tới các trường học.

Bà Kamitani Naoko - Trưởng ban Văn hóa và Báo chí (Đại sứ quán Nhật Bản) chia sẻ niềm vui và sự ấn tượng khi chứng kiến những bạn nhỏ vui sướng cầm trên tay các cuốn sách Ehon. Thông qua trải nghiệm đọc sách, các em nhỏ thế hệ tương lai sẽ trở nên gần gũi với sách hơn, nuôi dưỡng được trí tưởng tượng phong phú và thế giới quan của mình.

Ehon không chỉ dành cho những trẻ biết đọc, mà còn phù hợp với cả các em nhỏ từ 0 tuổi, giúp trẻ cảm nhận thế giới qua hình ảnh và câu chuyện được kể bởi người lớn. Phụ huynh đến tuần sách cũng học thêm trải nghiệm đọc sách cùng con, cùng các chuỗi hoạt động làm món đồ thủ công, workshop tái chế, sáng tạo tác phẩm riêng…

sach-lieu-thuoc-giam-dau-cho-benh-nhi-2-8054-7597.jpg
Đến nay, quỹ Bắc Cầu đã thực hiện 1.800 buổi đọc sách, với hơn 40.000 lượt em nhỏ tham gia.

Sách xoa dịu nỗi đau bệnh tật

Trong các hoạt động gieo mầm cảm hứng với sách, đáng chú ý là dự án “Trẻ yêu đọc” tại khoa nhi các bệnh viện có ý nghĩa không chỉ đối với các em nhỏ đau ốm, mà còn với chính phụ huynh và các nhân viên y tế bệnh viện.

Chia sẻ tại Hội sách kết nối do quỹ Bắc Cầu tổ chức nhân sinh nhật của Hoàng thái hậu Nhật Bản Michiko vào ngày 20/10, Thạc sĩ Phạm Hải Hà - Trưởng phòng Công tác xã hội (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông), khẳng định giá trị to lớn của sách đối với các bệnh nhi và gọi đó là “phương thức giảm đau không cần thuốc”.

Bệnh viện Đa khoa Hà Đông là một trong số các bệnh viện được quỹ Bắc Cầu triển khai đọc sách vào thứ Bảy hằng tuần cho các bệnh nhi. “Chứng kiến em nhỏ đau ốm, phải điều trị, phải đối mặt với nỗi sợ hãi của kim tiêm, kim truyền mới thấy hết những xót xa và cả sự căng thẳng từ các em, từ cha mẹ cho đến chính các nhân viên y tế. Thế nhưng, khi các em cầm những cuốn sách và đọc chúng, khám phá thế giới trong sách thì các em tạm quên đi sợ hãi và nỗi đau của bệnh tật”, Thạc sĩ Phạm Hải Hà chia sẻ.

Ngoài Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, năm 2022 quỹ Bắc Cầu cũng thành công gây quỹ tặng sách và tủ sách cho Bệnh viện Nhi Thanh Hóa. “Trong đợt cuối năm, bệnh nhi nào cũng chỉ mong nhanh khỏi bệnh để được về nhà đón Tết. Một số bạn nhỏ sắp được ra viện rất háo hức trò chuyện xin sách “đem về cho em ở nhà”. Chỉ nghe những điều đó thôi, chúng tôi đã cảm thấy mọi việc mình làm thêm ý nghĩa”, nhà sáng lập quỹ Bắc Cầu cho hay.

sach-lieu-thuoc-giam-dau-cho-benh-nhi-3-1854-3409.jpg
Hội sách kết nối diễn ra tại Hà Nội (20/10) nhân sinh nhật của Hoàng thái hậu Nhật Bản Michiko.

Trong dịp Tết thiếu nhi 1/6, quỹ Bắc Cầu cũng trao tặng sách tới từng bệnh nhi tại Bệnh viện Sản Nhi Lào Cai. Các bạn nhỏ vô cùng thích thú với cuốn truyện “Bác sĩ Anton đi đâu thế?” bởi vì có rất nhiều bạn động vật xuất hiện trong cuốn sách này. Ai cũng háo hức xem các bạn ấy bị bệnh gì và cách chữa bệnh ra sao của bác sĩ Anton.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, dự án mới chỉ khởi động bằng những lần tặng sách từ năm 2021 do đại dịch Covid-19. Sau đó là những buổi đọc truyện online, người đọc và người nghe cách nhau bởi một màn hình nhưng lại kết nối với nhau bởi một cuốn sách. Tới tháng 2/2023 quỹ Bắc Cầu mới chính thức triển khai chương trình đọc truyện tại khoa nhi với sự hỗ trợ của nhóm tình nguyện viên Trường Đại học Y Hà Nội.

Mỗi một chương trình đọc truyện lại có những điều mới mẻ. Đó có thể là người đọc mới, cuốn sách mới, trò chơi mới, người nghe truyện mới. Bất kể điều gì cũng có thể mới, duy có một thứ vẫn luôn hiện hữu nơi đây đó là tiếng cười, sự tò mò, ánh mắt chăm chú của các bệnh nhi và sản sinh ra niềm vui có thể xoa dịu những cơn đau bệnh tật.

“Có một loại virus có lẽ nên được phép lây lan, đó là “virus hạnh phúc”. Nhìn các bạn nhỏ phải giữ kim truyền trên tay, ai cũng xót xa. Nhưng đổi lại các em lại rất mạnh mẽ, là người động viên và truyền lại năng lượng cho người lớn chúng ta. Khi hỏi: “Con đau lắm phải không?”, các em bé mạnh mẽ đáp lại: “Không ạ! Con chẳng đau gì cả!”. Các em đã giữ lại những nụ cười trên môi trong những buổi đọc sách sau những ngày truyền thuốc”, bà Lê Thu Hiền - người sáng lập quỹ Bắc Cầu chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ