Sách lậu tung hoành "đè" sách thật

GD&TĐ - “Chưa bao giờ chúng tôi thấy sách in lậu, sách giả lại tràn ngập thị trường như hiện nay. Vi phạm không chỉ ở mức ngày càng tinh vi, trắng trợn, người làm sách lậu còn đang công khai thách thức các cơ quan giám sát, quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này”. 

Bản so sánh giữa sách thật và sách giả cho thấy chúng gần giống như nhau
Bản so sánh giữa sách thật và sách giả cho thấy chúng gần giống như nhau

Đây là bức xúc, trăn trở của ông Đỗ Thành Lâm - Phó giám đốc NXBGD Việt Nam tại TPHCM, Trưởng Ban chống in lậu tại TPHCM chia sẻ tại buổi họp báo sáng nay (18/6).

Sách lậu đang “đè” sách thật

HIện tem chống hàng giả, hàng nhái dán lên sách cũng được in lậu và làm hết sức tinh vi để lừa người tiêu dùng   

Theo ông Lâm, qua khảo sát của NXBGD Việt Nam, tại một số tỉnh thành phía Bắc và phía Nam cho thấy, thị trường SGK, sách bổ trợ của NXBGD Việt Nam đang bị in lậu và tiêu thụ với số lượng rất lớn. 

Sách in lậu ngày càng được in ấn bằng công nghệ cao và hết sức tinh vi, thoáng nhìn bên ngoài phụ huynh và học sinh sẽ không dễ nhận biết bằng mắt thường. Đặc biệt, hiện nay, tem chống hàng giả, hàng nhái dán lên sách cũng được in lậu và làm hết sức tinh vi để lừa người tiêu dùng

Tuy nhiên, điều khiến ông Lâm lo ngại nhất chính là việc những quyển sách in lậu này không đảm bảo về nội dung. “Do là sách in lậu nên chất lượng giấy không được tốt, nhiều sai sót trong kỹ thuật in, hình ảnh nhòe màu, không rõ ràng. 

Có những lỗi sai nghiêm trọng về kiến thức, ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục. Vì vậy, tôi mong các cơ quan thông tấn, báo chí cùng vào cuộc để phụ huynh, học sinh nâng cao cảnh giác”-ông nói.

Ông Vũ Bá Hòa - Tổng giám đốc Công ty Sách và Thiết bị trường học miền Nam - cho biết: Hiện phương thức phát hành sách in lậu à các nhà sách, các đơn vị kinh doanh sách lậu mua số lượng nhỏ sách thật của các đơn vị thành viên và các Công ty Sách và Thiết bị trường học tại các TP, tỉnh và địa phương thuộc hệ thống của NXBGD Việt Nam với đầy đủ hóa đơn chứng từ, sau đó kèm vào, trà trộn số lượng lớn sách lậu để đưa xuống các cửa hàng, các cơ sở giáo dục để bán.

“Qua kiểm tra, chúng tôi đã phát hiện được hàng chục bộ sách bị in lậu như: Bộ Vở bài tập Toán, Tiếng Việt từ lớp 1 đến lớp 5. Sách bổ trợ các môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh từ lớp 6 đến lớp 9. Bộ sách Tin học quyển 1,2,3,4…

Đặc biệt là bộ sách Tiếng Anh và sách bổ trợ Tiếng Anh ( Sách dùng cho Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020) từ lớp 3 đến lớp 6 cùng một số sách tham khảo đang bị in lậu với số lượng hàng chục nghìn quyển. 

Mới đây, khi kiểm tra ở nhà sách Nhân Hòa (TP Bà Rịa, Vũng Tàu), chúng tôi cũng đã phát hiện hàng ngàn quyển sách lậu, với nhiều đầu sách khác nhau. Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang cũng mới xử lý vi phạm, niêm phong gần 6.000 quyển sách in lậu các loại tại một cơ sở in ở TP Bắc Giang. 

Vì thế, có thể nói sách lậu đang “đè” sách thật trên thị trường khi mức độ vi phạm ngày càng trắng trợn, công khai.” - ông Hòa chia sẻ.

Ông Đỗ Thành Lâm hướng dẫn cách nhận biết quyển sách thật và sách giả
Ông Đỗ Thành Lâm hướng dẫn cách nhận biết quyển sách thật và sách giả 

Phụ huynh, học sinh cần tỉnh táo

Vậy làm thế nào để nhận biết được sách thật và sách in lậu khi mà chính những người trong ngành xuất bản còn phải thừa nhận: Không phải người trong nghề thì rất khó để nhận biết. 

Chính vì thế, để tránh mua nhầm sách in lậu, NXBGD Việt Nam khuyến cáo phụ huynh và học sinh nên mua sách ở các đơn vị trường học, các đơn vị phát hành thuộc hệ thống các Công ty Sách và Thiết bị trường học ở các tỉnh thành.

Ông Vũ Bá Hòa cho biết: NXBGD Việt Nam đã thực hiện rất nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng in lậu sách, làm rối loạn thị trường sách, mất niềm tin nơi phụ huynh như kết hợp với PA 25, PA 83, yêu cầu các nhà in được ủy quyền không được nối bản, các nhà sách có phát hành sách đảm bảo không tráo, trộn…nhưng đến nay tình hình vẫn không có dấu hiệu khả quan.

Ông Hòa đưa ra lời khuyên cho phụ huynh khi đi mua và chọn sách tại nhà sách cần lưu ý đến màu sắc, hình ảnh, đường nét và cả khuôn chữ trong quyển sách. 

“Nếu là sách in lậu thì chắc chắn sẽ xảy ra lỗi, không ở độ nhòe của màu sắc, chữ, hình vẽ thì cũng bị lỗi ở độ sắc sảo trong trình bày, nét chữ. Phụ huynh chỉ cần xem kỹ một số trang mục, bìa sách, nội dung trình bày…ở trong sách để nhận biết. 

Với các phụ huynh ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, giải pháp tốt nhất là nên mua sách tại các Công ty Sách và Thiết bị trường học địa phương, mua tại trường hoặc thông qua hệ thống phát hành sách uy tín của NXBGD Việt Nam.

Trước thực trạng sách in lậu như hiện nay, ngoài sự vào cuộc mạnh mẽ và quyết liệt từ các cơ quan quản lý Nhà nước và các đơn vị có trách nhiệm, người tiêu dùng (phụ huynh, học sinh) cũng cần tự nâng cao ý thức cảnh giác trước vấn nạn sách lậu, bảo vệ quyền lợi cho cá nhân mình. 

Riêng với NXBGD Việt Nam, chúng tôi đã gửi công văn đề nghị các Sở GD&ĐT kiểm tra kỹ lưỡng việc trang bị sách phục vụ việc học tập và giảng dạy, lựa chọn đơn vị cung ứng sách, đại lý phát hành có uy tín, kinh doanh sách thật, đúng pháp luật để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.   

Ông Đỗ Thành Lâm - Phó Giám đốc NXBGD Việt Nam tại TPHCM, Trưởng Ban chống in lậu tại TPHCM 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ