Sách... hám danh!

GD&TĐ - Hàng nghìn CLB thơ nhưng không có thơ hay, hàng vạn đầu sách xuất bản mỗi năm nhưng đa số là vô bổ. 

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Bắt nguồn từ tư duy làm sách kiểu “ăn xổi”, đến mục đích ra sách để thỏa mãn thói hám danh… đã khiến cho văn hóa đọc giống một cái cây đầy cành lá nhưng mục ruỗng trong thân.

Có ghé thăm các hiệu sách, mới thấy thị trường sách Việt quá bao la rộng lớn. Bỏ qua những cuốn sách có tính chất nước ngoài, người đọc vẫn phải bối rối trước những “rừng sách” mang tính thị trường, câu khách và hoàn toàn rất ít hấp dẫn người đọc.

Những người thường xuyên đọc sách rất có tư duy chọn sách. Thế nên, những cuốn sách mang tính thị trường bày trên giá cả năm, vẫn y nguyên không ai động tới.

Ngược lại, những cuốn sách cũ của nhiều tác giả rất xưa như các tuyển tập của Lê Quý Đôn, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Trần Trọng Kim, Nam Cao, Ngô Tất Tố, Hồ Ngọc Cẩn, Tản Đà, Vũ Trọng Phụng, Phùng Quán… tái bản đến vài chục lần vẫn cứ bán đều.

Với góc nhìn khách quan, đọc tên những cuốn sách mới thời bây giờ chỉ thấy chủ yếu đề tài tình yêu kiểu gợi dục, ngôn tình, kể lể bí mật cá nhân, khuyên mẹo làm giàu, cách lấy lòng đồng nghiệp, xu nịnh cấp trên. Thậm chí, nhiều cuốn đáng liệt hàng “sách đen” khi gieo rắc mê tín, đồi truỵ, bạo lực.

Ai dám chắc đạo đức xã hội đảo lộn, bạo lực tràn lan, mê tín phủ rộng, thuần phong mất nếp, mỹ tục lệch khung… không bắt nguồn từ những cuốn sách quái thai này?

Hàng vạn đầu sách xuất bản mỗi năm nhưng đa số là vô bổ, một phần bắt nguồn từ thói hám danh. Cứ “đeo mác” văn nhân là y rằng mỗi năm ra vài đầu sách, cỡ đại gia thích tiếng tăm thì thuê người viết rồi ký tên mình. Trí thức “giả cầy” thì nghiên cứu cắn đôi không có, chỉ thấy ăn cắp với “đi mượn” kiến thức người khác.

Đến nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn - Hữu Thỉnh phải nói “rất chịu khó đọc thơ nhưng phải thú nhận là không có thơ hay”. 

Người viết sách nên đặt câu hỏi vì sao nhiều cuốn sách ra đời cách đây vài trăm năm vẫn được bạn đọc tìm kiếm. Trong khi đó, sách của mình thì như “trai thừa gái ế”? 

Đặc biệt ngành xuất bản, đa số chạy theo nhu cầu giải trí tầm thường của một bộ phận độc giả, dẫn đến xuất hiện “hàng chợ” trong khi sách để nâng cao tri thức, bồi đắp nhân bản cực thưa thớt. 

Từ những thực trạng đó, Nhà nước có chủ trương xã hội hóa văn học, nghệ thuật nhằm đưa văn hóa đi sâu vào đời sống. Phải khẳng định, xã hội hóa không phải là đẩy nghệ sĩ đi huy động tiền, cũng không phải là giảm bớt ngân sách đầu tư cho văn hóa, mà bản chất là huy động thêm nguồn lực dồi dào từ xã hội.

Thế nhưng dường như vai trò của Nhà nước lúc này lại trở nên thụ động, chức năng còn lại chủ yếu là ban hành giấy phép. Luật xuất bản có nhiều kẽ hở, chỉ cần không vi phạm luật thì đương nhiên tác phẩm phải được phát hành. Đó là lý do tại sao ngày càng nhiều tác phẩm thượng vàng hạ cám, vô bổ xuất hiện trên thị trường.

Mà người đọc thì lắm khi bị lạc vào “ma trận sách”, không còn thời gian để gợi đục khơi trong.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.