Sắc phong… “hồi hương”

Sắc phong… “hồi hương”

Từ Hà Nội, các văn nhân, nghệ sĩ xuôi về Hà Nam, Nam Định, Thái Bình rồi qua Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc thậm chí vào cả Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế… Những chuyến đi ấy luôn mất sức, mất thời gian, mất của nhưng chưa ai muốn dừng chân.

Có lạ lùng không khi không ít làng, xã còn thờ ơ với sắc phong, để cho “những mảnh hồn làng” bị mục, nát (chất liệu bằng gỗ, giấy), thậm chí bị đánh cắp mà vẫn không hay thì nhân sĩ Hà Đông Trịnh Hữu Sỹ cứ âm thầm sưu tầm được đến hơn 200 sắc phong, trong số đó có những sắc phong phải bỏ tiền để mua lại! 

Những tưởng đấy là một chuyến kinh doanh đồ cổ để chờ đến ngày được giá thì đem ra bán (tiền tỷ chứ chẳng chơi) nhưng bất ngờ thay người chủ của những sắc phong này lại quyết định nhờ bạn bè trong nhóm công bố danh sách rộng rãi những mong tìm đường cho sắc phong… “hồi hương”. 

Chỉ cần nhận được lời hồi đáp là các nhân sĩ liền lên đường và mang theo những “mảnh hồn làng” trở về với không gian cửa đình linh thiêng năm xưa. Tất cả đều được tặng lại bằng cả tấm lòng thành kính, trân quý với vốn văn hóa dân gian có từ hàng trăm năm đã góp phần làm nên hồn cốt của làng.

Thực là ngạc nhiên và bất ngờ trước những tấm lòng và cách ứng xử của các nhân sĩ Hà Đông với văn hóa làng lắm chứ. 

Giữa thời buổi kinh tế thị trường coi trọng giá trị vật chất hơn hết thảy vậy mà họ vẫn mất công, mất của tìm kiếm, nâng niu và tình nguyện dâng tặng lại sắc phong cho làng. Đây là cách ứng xử với văn hóa của cha ông thật lịch thiệp mà trách nhiệm. Từ đây, nhờ sắc phong được tìm thấy bằng muôn vàn cách của các nhân sĩ mà kho tàng truyện kể về công thần của làng không hoàn toàn bị bao phủ bởi huyền tích mà có thêm bằng chứng là những sắc phong còn nguyên dấu chiện vua ban.

Đã thế, các nhân sĩ còn bỏ thêm công thuê người dịch lại nội dung sắc phong để con cháu đời nay hoàn toàn có thể đọc hiểu tận tường. Mà việc làm nghĩa cử này giờ đây không còn bó hẹp ở trong nhóm, mà còn lan tỏa đến nhiều người khác khi có người sẵn lòng tham gia dịch miễn phí hay cũng có người tìm đến trao gửi sắc phong họ sưu tầm được để nhờ nhóm nhân sĩ dâng trả lại…

Nhưng cũng như niềm mong mỏi của các nhân sĩ, bắt đầu từ cánh cửa ứng xử với vốn văn hóa cha ông được mở ban đầu này, cuộc “hồi hương” của hơn hai trăm sắc phong sẽ trọn vẹn hơn khi ngay chính mỗi làng quê luôn sẵn sàng chào đón và cam kết về trách nhiệm giữ gìn cũng như tôn vinh. 

Việc này sẽ càng trọn vẹn hơn nếu được các cơ quan chức năng quản lý văn hóa cùng chung sức, chung lòng, chung trách nhiệm…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh lớp 12 đăng ký phương thức xét tuyển sớm của Trường Đại học Công Thương TPHCM, tháng 4/2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Điểm cao chẳng thể chủ quan

GD&TĐ - Dù đạt điểm cao ở các kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh vẫn cần tập trung tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời đăng ký nguyện vọng hiệu quả nhất.