Trước khi thuốc kháng sinh ra đời, hàng nghìn trẻ em Mỹ đã sớm từ giã cuộc sống do dịch bệnh bạch hầu, thương hàn và dịch tả. Để tưởng nhớ về đứa con vắn số của mình, nhiều bậc phụ huynh đã quyết định chụp ảnh đứa trẻ khi hồn đã lìa khỏi xác.
Vào khoảng thế kỉ 19, công nghệ nhiếp ảnh vẫn còn khá thô sơ. Kĩ thuật hiện đại nhất thời ấy là daguerreotype và không phải ai cũng đủ tiền để chi trả cho một bức ảnh chân dung. Đây cũng là một lí do các bậc cha mẹ chụp ảnh cho con mặc dù chúng đã chết – như lần cuối cùng họ được thể hiện sự yêu thương, chăm sóc cho con mình trước khi tiễn chúng sang thế giới bên kia.
Một người mẹ chụp ảnh với đứa con gái đã chết vào những năm 1840 (trái). Bên phải là một cậu bé đã chết ngồi ngoẹo cổ trên chiếc ghế, được chụp vào năm 1901.
Bức ảnh cô bé này là những gì cuối cùng còn sót lại cho gia đình của em.
Phương pháp chụp ảnh daguerreotype được đặt tên theo người sáng lập là ông Louis-Jacques-Mandé Daguerre. Được phát minh vào năm 1839, phương pháp daguerreotype nhanh chóng phổ biến trên khắp thế giới vào thời đó và từng được sử dụng để chụp ảnh một số nhân vật nổi tiếng như Abraham Lincoln, Ulysses S Grant and Robert E Lee…
Phương pháp chụp ảnh này sau đó được sử dụng với mục đích lưu giữ kỉ niệm về người chết. Thời ấy, nhiều gia đình Mỹ cho rằng họ cần phải ghi lại hình ảnh của con mình trước khi chôn cất.
Bức ảnh này được chụp ngay sau khi hai cô bé này qua đời không lâu. Cô bé bên phải nằm trong quan tài cùng món đồ chơi em yêu thích thuở còn sống, gương mặt thanh thản như chìm vào giấc ngủ êm ái nhất.
Gia đình này đã mất hai đứa con, có vẻ như do cùng một loại dịch bệnh gây ra. Bức ảnh này được cho là chụp khoảng vào cuối thế kỉ 19.
Được biết, những bức ảnh độc đáo này do một trang nhiếp ảnh có tên Thanatos Archive sưu tầm được. Đa số những em bé trong những bức ảnh xưa cũ này đều có gương mặt rất bình yên cứ như đang ngủ. Tuy nhiên cũng có một vài nhiếp ảnh gia muốn các em trông như đang còn sống bằng cách cho các em ngồi dựa vào bàn hoặc ghế, mở mắt to, thậm chí còn chấm thêm đồng tử vào đôi mắt khi xử lí ảnh.
Bức ảnh đau lòng này được chụp vào năm 1850. Nhiếp ảnh gia đã mở to mắt của cô bé và sắp xếp tư thế nằm như thể cô vừa choàng tỉnh sau một giấc mơ đẹp.
Ảnh bé gái này được chụp không lâu sau khi cô trút hơi thở cuối cùng ở Iowa (trái), còn cậu bé bên phải cứ như đang ngủ gật.
Bức ảnh được chụp vào năm 1875 này là một thiếu nữ đã chết, tay cầm quyển kinh thánh như thể đó sẽ là vật bảo vệ cô ở thế giới bên kia.
Có những bức ảnh không hề khiến người ta kinh sợ mà còn dâng lên một nỗi xúc động khôn nguôi khi những thiên thần nhỏ xinh đẹp như thế này lại giã từ cõi đời sớm đến vậy.
Các nhiếp ảnh gia còn dặm phấn má hồng cho các em để gương mặt bừng lên sức sống, đôi khi còn sắp xếp cho những người anh chị em vào chụp chung như thể đó là một bức ảnh chân dung gia đình bình thường.
Đến đầu thế kỉ 20, phương pháp daguerreotype bị một kĩ thuật nhiếp ảnh khác đơn giản và rẻ tiền hơn soán ngôi. Cũng từ đó, xu hướng chụp ảnh tử thi này dần mất ưu thế bởi giờ đây, các gia đình từ mọi tầng lớp đều có thể chụp ảnh cho con cái mà không cần phải đợi đến những giây phút cuối cùng của chúng trên trần đời.
Và đến ngày nay, việc chụp ảnh người đã chết hầu như không còn tồn tại nữa.
Không rõ cô bé này chết với đôi mắt mở to, hay là đã có sự can thiệp từ nhiếp ảnh gia và người mẹ?
Mặc dù đôi mắt vô hồn gây cảm giác rùng rợn nhưng cái miệng như đang cười của cậu bé này trông rất thanh thản.
Có lẽ các em đã bước vào cõi vĩnh hằng một cách nhẹ nhàng và thanh bình nhất.
Hai anh em sinh đôi này được ghi lại khoảnh khắc cuối cùng với nhau tại St Charles, Michigan vào năm 1900.
Một cậu bé yên nghỉ trong bộ quần áo đẹp nhất của cậu. Không rõ vết đen trước trán là lỗi tráng phim hay vết đạn xuyên đầu?
Đó là những cô bé tỏa sáng như những thiên thần…
Một trong những hình ảnh khủng khiếp nhất trong bộ sưu tập là ba bức ảnh chụp một cô gái nhỏ với đôi mắt mở to, ngồi trên một chiếc ghế và rồi nằm trong quan tài.