Nhưng vào những năm 1840, chỉ vì khuyến nghị điều này mà một bác sĩ đã đánh đổi cả sự nghiệp của mình, để rồi chết trong thầm lặng ở một bệnh viện tâm thần.
Phát hiện quan trọng
Ở châu Âu vào những năm 1840, rất nhiều bà mẹ trẻ bị bệnh sốt hậu sản hay còn gọi là sốt trên giường cữ. Ngay cả khi được sự chăm sóc y tế tốt nhất thời đó, phần đông trong số này chết chỉ một thời gian ngắn sau khi sinh con.
Một bác sĩ người Hungary tên là Ignaz Semmelweis bị thu hút bởi vấn đề này, ông quyết định truy nguyên nguồn gốc của nó.
Semmelweis làm việc tại Bệnh viên Đa khoa Vienna ở Áo, nơi có hai khu chăm sóc thai sản riêng biệt. Một được bố trí các bác sĩ nam và một do các nữ hộ sinh đảm trách.
Ông để ý và thấy rằng, dưới sự chăm sóc của các bác sĩ và sinh viên y khoa thực tập, số sản phụ tử vong cao gấp đôi so với ở khu do nữ hộ sinh đảm trách.
Semmelweis đã đưa ra nhiều giả thuyết cho hiện tượng này. Ông đã điều tra xem liệu vị trí cơ thể của sản phụ trong lúc sinh có tác động gì không; hoặc là sự lúng túng của các bác sĩ nam khi thăm khám các bà bầu là nguyên nhân gây ra sốt.
Ông còn nghĩ đến trường hợp các linh mục đến chăm sóc phần hồn cho các bệnh nhân sắp ra đi đã gây ra sự lo sợ cho những sản phụ, khiến họ bị bệnh. Mỗi yếu tố trên đều được ông đánh giá kỹ lưỡng trước khi loại bỏ chúng.
Sau đó không lâu, Swmmelweis đã nhận diện được thủ phạm. Đó là những xác chết. Mỗi buổi sáng ở bệnh viện, các bác sĩ thường quan sát và hỗ trợ sinh viên thực tập giải phẫu tử thi, như một phần trong chương trình học.
Đến buổi chiều, thầy và trò đến làm việc ở khu sản, thăm khám thai phụ và đỡ đẻ. Các nữ hộ sinh không có quá trình tiếp xúc như vậy. Họ chỉ làm việc suốt trong khu vực mà họ đảm trách.
Semmelweis đưa ra giả thuyết rằng, “các hạt phân tử ở tử thi” đã chuyển từ xác chết sang các sản phụ bởi các bác sĩ và sinh viên của họ. Các bác sĩ không lau rửa, kỳ cọ hai bàn tay của họ giữa các lần thăm khám bệnh nhân nên bất cứ mầm bệnh gì họ tiếp xúc trong khi giải phẫu tử thi cũng sẽ được mang vào các phòng hộ sinh.
Lý thuyết về mầm bệnh lúc này vẫn còn rất mới nên thay vì gọi “vi trùng”, Semmelweis gọi đó là các tác nhân “phân hủy chất hữu cơ ở động vật”. Thai phụ bị lây nhiễm từ các hạt phân tử này và chết vì sốt, sau khi tiếp xúc với các bác sĩ và sinh viên y khoa thực tập trên xác chết.
Năm 1847, Semmelweis đưa ra quy định rửa tay bắt buộc trong các sinh viên y khoa thực tập và bác sĩ, những người làm việc với ông ở Bệnh viện Đa khoa Vienna.
Thay vì dùng xà phòng thường, ông dùng một dung dịch vôi khử trùng bằng clo, có tác dụng tẩy sạch hoàn toàn mùi thối rữa bám trên tay của các bác sĩ. Các nhân viên phải tự vệ sinh bản thân và các y cụ. Từ đó, tỷ lệ tử vong ở khu sản do các bác sĩ điều hành giảm rõ rệt.
Bị phê phán và bác bỏ
Mùa Xuân năm 1850, bác sĩ Semmelweis đến Hiệp hội Y khoa Vienna danh tiếng để thuyết trình trước đám đông các bác sĩ, tán dương tác dụng của việc rửa tay.
Lý thuyết của ông công khai chống lại những kiến thức y học đã được chấp nhận thời bấy giờ nên bị cộng đồng y học bác bỏ, bị phê phán về mặt khoa học và logic.
Theo các nhà sử học, đội ngũ thầy thuốc thời đó bác bỏ lý thuyết của ông bởi vì nó quy trách nhiệm cho họ về cái chết của các bệnh nhân.
Mặc dù tỷ lệ tử vong trong các khoa sản giảm, nhưng Bệnh viện Đa khoa Vienna quyết định bãi bỏ việc rửa tay bắt buộc đối với bác sĩ và nhân viên y tế.
Những năm tiếp theo là thời điểm khó khăn đối với Semmelweis. Ông rời Vienna và đến Pest ở Hungary và cũng làm việc ở khoa sản. Tại đây, ông tiếp tục phổ biến việc rửa tay trước khi khám bệnh và cũng như ở Vienna, tỷ lệ tử vong hậu sản đã giảm đáng kể.
Mặc dù, biện pháp này của ông đã cứu nhiều mạng sống nhưng nó cũng không được cộng đồng y khoa ở Hungary chấp nhận.
Semmelweis đăng những bài báo về lợi ích của việc rửa tay trong việc bảo vệ sức khỏe vào năm 1858 và 1860. Năm sau, ông cho ra mắt một quyển sách cũng với chủ đề trên. Thế nhưng, lý thuyết của ông vẫn bị thờ ơ và bị các bác sĩ đương thời chỉ trích nặng nề, do nó đi ngược với những giả thuyết của họ về bệnh sốt hậu sản.
Vài năm sau, sức khỏe của Semmelweis bắt đầu suy giảm. Một số người cho rằng ông bị bệnh Alzheimer. Ông được đưa vào viện tâm thần và qua đời vào ngày 13/8/1865 có thể do nhiễm trùng máu từ một vết thương ở bàn tay, lúc chỉ mới 47 tuổi.
Được công nhận và tôn vinh
Năm 1867, hai năm sau cái chết của bác sĩ Semmelveis, nhà phẫu thuật người Scoltland, Joseph Lister, cũng đưa ra ý tưởng vệ sinh bàn tay và các thiết bị mổ xẻ để ngăn ngừa bệnh lây nhiễm. Ý tưởng của ông cũng bị chỉ trích, phê phán. Tuy nhiên, đến những năm 1870, các bác sĩ đã bắt đầu rửa sạch bàn tay của họ thường xuyên trước khi vào ca mổ.
Không lâu sau đó, những nhà y học khác bắt đầu thừa nhận công trình trước đây của Semmelweis. Ý tưởng của ông đã đưa đến việc phát triển lý thuyết vi trùng của Louis Pasteur, thay đổi cách các thầy thuốc chăm sóc bệnh nhân và tạo thuận lợi cho việc nghiên cứu sự lan truyền bệnh.
Tuy nhiên, việc rửa tay mỗi ngày để tránh lây lan bênh chỉ được xem là quan trọng sau đó một thế kỷ. Mãi đến thập niên 80 của thế kỷ 20, vệ sinh bàn tay mới chính thức được kết hợp vào quy trình chăm sóc sức khỏe ở Mỹ, với các hướng dẫn vệ sinh tay phổ biến trên toàn quốc lần đầu tiên.
Hơn một thế kỷ sau lý thuyết của Semmelweis bị cộng đồng y khoa bác bỏ, Trường ĐH Y khoa Budapest của Hungary đã được đổi tên thành ĐH Semmelweis.
Ngày 20/3/2020, ông được Google Doodle vinh danh vì đã khám phá những lợi ích về mặt y tế của việc rửa tay.