Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học khảo sát cơ sở dữ liệu ghi chép trong 19 năm về loài rùa biển Caretta caretta. Chúng làm tổ dọc theo bờ biển phía đông Florida, Mỹ, nơi có nhiều rùa biển lớn nhất khu vực Bắc Mỹ. Rùa cái bơi hàng nghìn km về nơi chúng từng sinh ra để đẻ trứng nhờ sử dụng các dấu hiệu từ trường đặc biệt dọc theo bờ biển.
"Chúng tôi cho rằng, nếu rùa biển sử dụng từ trường tìm nơi đẻ trứng, những thay đổi tự nhiên của từ trường Trái Đất cũng có thể ảnh hưởng đến nơi rùa làm tổ", Live Science dẫn lời J. Roger Brothers, thuộc Đại học North Carolina, Mỹ, cho hay.
Số liệu giai đoạn 1993-2011 xác nhận ý tưởng trên. Tại thời điểm từ trường Trái Đất dịch chuyển ở một số nơi, tín hiệu từ trường gần bãi biển di chuyển lại gần nhau hơn và tổ rùa thường bao phủ những khu vực này. Tương tự, chúng có mật độ ít và xa nhau hơn ở nơi có dấu hiệu từ trường phân tách.
Nhóm chuyên gia hiện chưa xác định được cách phát hiện từ trường của loài này. Tuy nhiên, các hạt từ tính rất nhỏ (magnetic particles) trong não có thể giúp chúng xử lý các dấu hiệu.
"Cách duy nhất để một con rùa cái có thể chắc chắn mình tìm nơi thuận lợi cho sự phát triển của trứng là làm tổ trên cùng bãi biển nơi chúng sinh ra. Logic của rùa biển là nếu chuyện đó từng hiệu quả với tôi, nó sẽ hiệu quả với các con tôi", Brothers nói.
Nhiều nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng rùa biển sử dụng từ trường Trái Đất để định hướng trên biển. Tuy nhiên, chúng chưa chỉ rõ được liệu các đặc điểm từ tính có giúp rùa biển tìm thấy nơi mẹ chúng từng lựa chọn trước đó hay không.