Rồng trong đời sống văn hóa Việt

GD&TĐ - Trong văn hóa tâm linh ở cả phương Đông và phương Tây, rồng được khắc họa phong phú và hàm chứa nhiều ý nghĩa.

Đình Thổ Tang (Vĩnh Phúc) - một trong những ngôi đình cổ tiêu biểu đại diện cho kiến trúc đình Việt với hình tượng 'lưỡng long' trên đỉnh mái.
Đình Thổ Tang (Vĩnh Phúc) - một trong những ngôi đình cổ tiêu biểu đại diện cho kiến trúc đình Việt với hình tượng 'lưỡng long' trên đỉnh mái.

Không chỉ là biểu tượng của sự linh thiêng, sức mạnh thần thánh và quyền lực, hình tượng linh vật rồng còn đi vào đời sống người Việt với tất cả sự kính trọng.

Quyền uy nhưng gần gũi

Trong khuôn khổ trưng bày chuyên đề “Năm Thìn kể chuyện Rồng”, ngày 11/3 Bảo tàng Hà Nội phối hợp với Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức tọa đàm “Hình tượng rồng trong mỹ học phương Đông” để làm sáng tỏ hình tượng rồng và ảnh hưởng của rồng trong đời sống văn hóa Việt. Đồng thời giới thiệu hình tượng rồng Việt qua các câu chuyện, các mảng trang trí kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng, họa tiết hoa văn, đồ dùng sinh hoạt…

Trong văn hóa tâm linh ở cả phương Đông và phương Tây, rồng được khắc họa phong phú và hàm chứa nhiều ý nghĩa. Theo TS Ngô Viết Hoàn - giảng viên Bộ môn Lý luận văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), có sự khác biệt trong thẩm mỹ giữa phương Đông và phương Tây.

Vì là sản phẩm của sự tưởng tượng nên ngay tại phương Đông, hình tượng rồng cũng có sự khác biệt. Sự dị biệt về rồng trong văn hóa phương Đông tạo nên hai cấu trúc chính: Rồng có thân bò sát như cá sấu hay rắn (ở các nước Đông Nam Á) và rồng có thân thú như hổ, sói (trong văn hóa các nước Bắc Á).

Nếu truyền thống phương Tây kiên trì nguyên tắc chân thực hiện hữu làm thước đo cho cái đẹp, thì văn hóa phương Đông - đặc biệt là các nước chịu ảnh hưởng của Nho giáo luôn kiên trì nguyên tắc cái thiện là cái đẹp. Do vậy, rồng trong mỹ học phương Đông và phương Tây rất khác biệt, thể hiện những giá trị và niềm tin của từng nền văn hóa.

Rồng phương Tây luôn được miêu tả với các ý niệm về sự độc ác, đại diện cho cái xấu. Tất nhiên cũng có nhiều biến thể khác nhau nhưng tựu trung đều mang hàm ý chỉ về quỷ Satan.

Thần thoại Hy Lạp mô tả rồng bảy đầu, chín đầu chuyên ăn thịt con gái đẹp… Trong Kinh Thánh cũng mô tả rồng có “bảy đầu và mười sừng, trên bảy đầu đều có vương miện. Đuôi nó quét hết một phần ba các ngôi sao trên trời mà quăng xuống đất”.

Rồng trong văn hóa phương Đông lại trái ngược với phương Tây khi rồng được gắn với các ý nghĩa phù hợp với tính chất nguồn gốc dân tộc, vương quyền, sức mạnh siêu nhiên, sự may mắn và thịnh vượng.

TS Trần Hậu Yên Thế - giảng viên Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật cho rằng, trong tâm thức người Việt, rồng là cội nguồn dân tộc với truyền thuyết “con Rồng, cháu Tiên”. Vì vậy, hὶnh tượng rồng được sử dụng nhiều trong kiến trúc cung đὶnh, đền chùa, trang phục vua chúa ở mọi triều đại.

“Ngôi đình thường nằm ở trung tâm làng và trong kiến trúc ấy, rồng trở thành linh vật thiêng liêng, quyền uy và được kính trọng nhất. Hình rồng được xuất hiện nhiều, hiếm có ngôi đình nào không chạm khắc rồng. Trong các không gian lễ nghi – tín ngưỡng, đình làng không phải là nơi đầu tiên rồng đến, nhưng chắc chắn đó là nơi hình ảnh rồng đọng lại sâu đậm, bền bỉ nhất trong tâm hồn người Việt”, TS Trần Hậu Yên Thế khẳng định.

Rồng trở thành linh vật thiêng liêng, quyền uy, được kính trọng nhất trong văn hóa Việt Nam. Nhưng không vì thế mà rồng trở nên xa lạ, ngược lại rồng vô cùng gần gũi với người dân bởi hình ảnh những nàng tiên yếm thắm, váy đào vắt vẻo trên lưng rồng hân hoan múa hát như ở đình Phong Cốc (Quảng Ninh), đình Diềm (Bắc Ninh).

Tọa đàm 'Hình tượng rồng trong mỹ học phương Đông' thu hút đông đảo sinh viên và những người yêu văn hóa truyền thống tham gia.

Tọa đàm 'Hình tượng rồng trong mỹ học phương Đông' thu hút đông đảo sinh viên và những người yêu văn hóa truyền thống tham gia.

Nhiều giải thích thú vị được bóc tách về hình tượng rồng phương Đông và phương Tây.

Nhiều giải thích thú vị được bóc tách về hình tượng rồng phương Đông và phương Tây.

Rồng “lột xác” trong từng thời kỳ

Tại buổi tọa đàm, hình tượng rồng còn được bóc tách qua phân tích của PGS.TS Lê Thời Tân - giảng viên cao cấp Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn (Trường Đại học Thủ đô Hà Nội) khi ông cho rằng, rồng phương Đông là một hình ảnh có tính tổng hợp, trên cơ sở tập hợp nhiều yếu tố của một số loài động vật hay các hiện tượng tự nhiên. Hình ảnh rồng phương Đông gợi nhớ đến nhiều loài vật khác nhau như với sừng hươu, vảy cá chép, móng vuốt đại bàng…

“Rồng là sản phẩm của sự tưởng tượng. Do sự tiếp biến văn hóa và ảnh hưởng lẫn nhau, hình ảnh rồng của mỗi dân tộc có sự biến đổi qua nhiều giai đoạn khác nhau, được khắc họa trong văn hóa, kiến trúc, điêu khắc, chữ viết… cũng khác nhau. Chẳng hạn như rồng Việt Nam có hàng chục lần biến đổi. Vì rồng không có thật, không thể chứng minh nên nó càng kỳ bí và càng trở nên linh thiêng”, PGS.TS Lê Thời Tân nhận định.

Qua các cổ vật được khai quật, giới khoa học nhận thấy rồng thời Hùng Vương có thân dài, có vây như cá sấu. Đến thời Lý, rồng được khắc họa uốn cong nhiều vòng uyển chuyển, mềm mại và nhỏ dần về phía đuôi. Rồng có bốn chân, mỗi chân có ba móng cong nhọn.

Đầu rồng ngẩng cao, há miệng rộng với hai hàm răng nhỏ đang vờn đớp viên ngọc quý. Từ mũi thoát ra mào rồng có dạng ngọn lửa, vì thế được gọi là mào lửa. Trên trán rồng có một hoa văn giống hình chữ “S”, cổ tự của chữ “lôi” tượng trưng cho sấm sét, mây mưa.

Thời Trần, rồng biến đổi khi chữ “S” biến mất nhưng xuất hiện thêm cặp sừng và đôi tay. Đầu rồng uy nghi và đường bệ với chiếc mào lửa ngắn. Thân rồng tròn, mập.

Đến thời Lê, rồng như được “lột xác” khi có cái đầu to, bờm lớn ngược ra sau, thay bằng mào lửa là chiếc mũi to, chân năm móng sắc nhọn quắp lại dữ tợn tượng trưng cho quyền uy phong kiến. Đây cũng là thời kỳ bắt đầu xuất hiện quan niệm tứ linh, và rồng đứng đầu các linh vật.

Tuy có sự khác biệt giữa phương Đông và phương Tây, nhưng theo các chuyên gia vẫn có sự giao thoa thú vị. Ở phương Đông, rồng cũng có lúc mang lại nhiều tai ương cho con người mà truyền thuyết “Chín rồng giỡn nước” của Trung Hoa là ví dụ.

Ở phương Tây thời Trung cổ, rồng trở nên thân thiện khi gắn với hình tượng “người kỵ sĩ cưỡi rồng”. Lúc này, con người và rồng gắn bó cùng vượt qua nguy hiểm, rồng còn xả thân cứu người.

Theo TS Trần Hậu Yên Thế, Hà Nội xưa với địa hình sông ngòi uốn lượn nên việc hình tượng rồng Việt Nam mang sắc thái địa văn hóa rất rõ ràng với hình sóng cuộn, mang âm vang của sông Hồng. Hình tượng tiên nữ cưỡi rồng chứng tỏ khả năng tiếp biến văn hóa trong quá trình giao lưu và tiếp xúc văn hóa với bên ngoài đã tạo nên những sáng tạo bất ngờ, đặc sắc và nhân văn. Những sáng tạo đó chứa đựng tâm hồn, tài năng và khát vọng của người Việt trong cuộc đối thoại với các nền văn minh khác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ