Rộng mở cửa trường đón học sinh vui chơi ngày Tết

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Ngoài cắt cử nhân lực trực Tết tại trường để trông CSVC, phòng chống cháy nổ…, nhà trường cũng lên kế hoạch ổn định nền nếp sau Tết...

Trao quà cho học sinh trong Chương trình “Tết cho học sinh nghèo” năm 2023 của Trường THPT Quan Sơn. Ảnh: NTCC
Trao quà cho học sinh trong Chương trình “Tết cho học sinh nghèo” năm 2023 của Trường THPT Quan Sơn. Ảnh: NTCC

Bên cạnh cắt cử nhân lực trực Tết tại trường để trông coi cơ sở vật chất, phòng chống cháy nổ…, cán bộ, giáo viên còn lên kế hoạch nhanh chóng ổn định nền nếp sau khi học sinh quay trở lại trường, đặc biệt hạn chế thấp nhất học sinh nghỉ học sau kỳ nghỉ Tết dài.

Mở cửa trường học ngày Tết

Năm 2024, học sinh Đắk Lắk được nghỉ Tết từ ngày 5 - 18/2. Trong thời gian này, cô Lương Thị Hồng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (huyện Ea Kar) cho biết, nhà trường phân công ban giám hiệu, giáo viên và nhân viên trực trong giờ hành chính các ngày từ thứ 2 đến thứ 6; thời gian còn lại là nhiệm vụ của bảo vệ.

Theo đó, ban giám hiệu, nhân viên sẽ trực liên tục; giáo viên trực luân phiên. Thầy cô có con nhỏ dưới 1 tuổi, hoặc gia đình ở xa được miễn làm nhiệm vụ này. Công việc đã thành nếp, không có gì khó khăn, tuy nhiên, điều cô Hồng trăn trở là trường không có nguồn để chi trả chế độ trực Tết nên thầy cô thiệt thòi.

Tại Phú Yên, học sinh cũng nghỉ Tết từ 5 - 18/2; trong khi cán bộ, giáo viên thời gian nghỉ ngắn hơn (từ 8 - 14/2). Theo thầy Lê Xuân Thiều - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Ea Trol (Sông Hinh, Phú Yên), nhà trường đã sẵn sàng kế hoạch trực Tết.

Theo đó, ban giám hiệu thay phiên trực trong các ngày nghỉ ở điểm trường chính, 3 điểm trường lẻ đều bố trí giáo viên trực. Trên 20 thầy cô (trừ người ở xa, có con nhỏ được miễn) luân phiên nhau nên công việc triển khai thuận lợi. Thầy cô tham gia trực Tết đều có chế độ theo quy định tại Quy chế chi tiêu nội bộ.

“Nhiệm vụ trực Tết chủ yếu là bảo vệ tài sản, cơ sở vật chất, phòng chống cháy nổ và tiếp khách là đại diện chính quyền địa phương, các ban ngành, đoàn thể ở xã/huyện đến chúc Tết. Bên cạnh đó, thời gian học sinh đã nghỉ nhưng cán bộ, giáo viên vẫn làm việc, nhà trường sẽ tập trung triển khai sinh hoạt chuyên môn; kiểm tra chéo hồ sơ học sinh, giáo viên…”, thầy Lê Xuân Thiều chia sẻ.

Trong bộn bề các công việc cuối năm, thầy trò Trường THPT Trần Quang Khải (Hưng Yên) bắt đầu triển khai các hoạt động chuẩn bị đón Xuân. Thầy Phó Hiệu trưởng Lê Ngọc Cảnh cho biết, bộ phận truyền thông đã phổ biến tới cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh tinh thần đón Xuân mới, không uống rượu bia khi tham gia giao thông, không làm và đốt pháo trái quy định, cờ bạc, gây rối mất trật tự an toàn xã hội…

Trồng vườn hoa, mua cây cảnh, trang trí trường lớp tạo không khí vui tươi đón Xuân… là hoạt động nhà trường đang thúc đẩy. Quan tâm đến học sinh khó khăn, nhà trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm nắm bắt hoàn cảnh, lập danh sách để tặng quà là một phần nhu yếu phẩm thiết thực, giúp các em đón Tết vui tươi.

“Chúng tôi đã rà soát danh sách cán bộ giáo viên để phân công trực Tết. Lịch trực bắt đầu từ ngày nghỉ đến đi làm lại, bảo đảm ngày nào cũng có 2 cán bộ, giáo viên trực cùng tổ bảo vệ. Những cán bộ, giáo viên nhà xa, con nhỏ… được miễn trực Tết. Riêng ban giám hiệu luân phiên trực đủ ba ngày 30, mồng 1, mồng 2 Tết”, thầy Lê Ngọc Cảnh cho hay.

Tại Trường THPT Quan Sơn (Quan Sơn, Thanh Hóa), lực lượng chính phụ trách trực trường là ban giám hiệu, bảo vệ, thầy cô tổ văn phòng. Giáo viên gần trường thì luân phiên với tinh thần tự nguyện. Không chỉ bảo vệ cơ sở vật chất, thầy cô trực còn làm vệ sinh trường lớp, chăm sóc cây cối trong khuôn viên.

“Nhà trường có sân bóng đá, bóng chuyền nên trong những ngày nghỉ Tết vẫn có đông người đến chơi, tập thể dục. Do đó, nhà trường luôn mở cửa để tạo sân chơi cho mọi người, trong đó có trẻ nhỏ; chỉ đóng cửa từ 10 giờ tối”, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Minh Đạo thông tin.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Lo “kéo” trò trở lại trường sau Tết

Một trong những nỗi lo của các trường vùng khó là học sinh sau nghỉ Tết không quay trở lại trường. Để khắc phục việc này, thầy cô phải lên kế hoạch, triển khai các giải pháp từ trước và trong thời gian nghỉ Tết.

Chia sẻ của thầy Nguyễn Minh Đạo, cách đây khoảng 5 năm, số học sinh Trường THPT Quan Sơn bỏ học sau nghỉ Tết để đi làm, lấy chồng khoảng 20 em/năm. Trước thực trạng này, không để học sinh nghỉ mới có biện pháp vận động, nhà trường đã tổ chức họp phụ huynh trước nghỉ Tết, trong đó có nội dung làm công tác tư tưởng để phòng chống hiện tượng nghỉ học.

Đặc biệt, trường tổ chức chương trình Tết cho học sinh nghèo. Ngoài trao quà tại trường, với những em đặc biệt khó khăn, nguy cơ bỏ học cao, nhà trường thành lập đoàn công tác đến tận nhà thăm hỏi, động viên.

Nhà trường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm nắm rõ hoàn cảnh từng học sinh trong lớp để kịp thời đồng hành, chia sẻ. Thầy cô nỗ lực am hiểu ngôn ngữ, phong tục tập quán của bà con, từ đó thuận lợi phối hợp với gia đình, chính quyền địa phương trong vận động học sinh đến trường. Thời gian nghỉ Tết, thầy cô thường xuyên kết nối với học sinh qua Zalo nhóm lớp để nắm bắt tình hình.

Nhiều học sinh vào cuộc khá hiệu quả khi báo cáo kịp thời tới giáo viên chủ nhiệm trường hợp bạn có nguy cơ nghỉ học. Khi nắm bắt được thông tin, thầy cô trực trường sẽ thăm hỏi, động viên. “Với nhiều giải pháp được triển khai, những năm gần đây, số học sinh nghỉ học sau Tết của trường giảm hẳn”, thầy Nguyễn Minh Đạo chia sẻ.

Tại huyện Kỳ Sơn, Nghệ An, cán bộ, giáo viên toàn huyện không phải trực Tết do các trường đều trích ngân sách chi thường xuyên để thuê bảo vệ trực trường. Cho biết điều này, ông Phạm Viết Phúc - quyền Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn chia sẻ thêm: Từ khi thành lập trường phổ thông DTBT tiểu học và THCS, tỷ lệ học sinh bỏ học trước, trong và sau Tết không còn, bởi các em được ăn, ở tập trung học tập, vui chơi với bạn bè.

Tuy vậy, trước nghỉ Tết, các trường vẫn tổ chức tuyên truyền cho học sinh về lịch nghỉ, những điều cần chú ý để nghỉ an toàn. Trước nghỉ Tết, trường thường tổ chức Tết sum vầy, Xuân yêu thương; sau Tết tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, trò chơi theo phong tục địa phương. Ngoài ra, các trường sẽ họp phụ huynh sau Tết và tổ chức ăn ở bán trú ngay ngày đầu học sinh đến trường.

Ổn định sĩ số học sinh sau Tết cũng là mối quan tâm lớn của Trường Tiểu học và THCS Ea Trol (Sông Hinh, Phú Yên). Thầy Lê Xuân Thiều thông tin, hằng năm, nhà trường có khoảng 5 - 7% học sinh vắng trong buổi học đầu tiên sau nghỉ Tết. Thường lý do vắng mặt là phải tham gia lao động cùng gia đình. “Cách làm của chúng tôi là kết hợp với thôn, buôn thông báo lịch nghỉ Tết, để bảo đảm gia đình nắm được lịch đi học trở lại. Công tác tuyên truyền, vận động được nhà trường thực hiện kỹ”, thầy Lê Xuân Thiều chia sẻ.

Bộ GD&ĐT, các sở GD&ĐT đã có văn bản lưu ý về việc tổ chức Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Theo đó yêu cầu thực hiện nghiêm túc việc phân trực và bảo vệ cơ quan, trường học trong dịp nghỉ Tết; có giải pháp bảo đảm kế hoạch nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 sau kỳ nghỉ Tết; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của địa phương bảo đảm an toàn tuyệt đối cơ sở vật chất, phòng, chống cháy nổ và bảo đảm an ninh trật tự, an toàn trường học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiêm kích F-16 Mỹ mang theo hai quả bom B61-12.

Hiện đại hóa B61-12 để làm gì?

GD&TĐ - Tờ Politico dẫn nguồn tin quân sự Mỹ tiết lộ, bom hạt nhân B61-12 đã nâng cấp được triển khai đến các căn cứ NATO ở châu Âu từ cuối năm 2022.