Hàng nghìn chỉ tiêu đang chờ
Năm 2023, Trường ĐH Kinh tế TPHCM (UEH) dự kiến tuyển hơn 8.000 chỉ tiêu tại cơ sở chính TPHCM và phân hiệu Vĩnh Long. Trong đó, UEH TPHCM có 7.650 chỉ tiêu với 51 chương trình đào tạo, UEH Vĩnh Long tuyển 600 chỉ tiêu với 14 chương trình.
UEH đã công bố điều kiện trúng tuyển của 5 phương thức xét tuyển sớm gồm: Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT và theo đề án tuyển sinh của trường; xét tuyển đối với thí sinh tốt nghiệp chương trình THPT nước ngoài và có chứng chỉ quốc tế; xét tuyển học sinh giỏi; xét tuyển quá trình học tập theo tổ hợp môn; xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực do ĐHQG TPHCM tổ chức năm 2023. Theo thông báo của nhà trường, chỉ tiêu ở 5 phương thức này chiếm khoảng 70%. Phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ tuyển số chỉ tiêu còn lại.
Tại Trường ĐH Ngân hàng TPHCM (HUB), mặc dù áp dụng nhiều phương thức tuyển sinh và đã công bố kết quả các phương thức xét tuyển sớm nhưng trường xác định xét kết quả thi tốt nghiệp THPT vẫn là phương thức tuyển sinh chủ chốt.
Theo TS Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và Phát triển thương hiệu, HUB sẽ dành khoảng 60% - 65% chỉ tiêu cho phương thức này, tương đương khoảng 2.200 - 2.400 sinh viên. Trong đó, HUB phân bổ 85 - 90% cho chương trình đại học chính quy chuẩn, 30 - 40% chỉ tiêu cho chương trình chất lượng cao, 15 - 20% cho chương trình quốc tế song bằng. “Đây là điểm đáng lưu ý trong bối cảnh nhiều trường đại học lớn dành phần lớn chỉ tiêu tuyển sinh cho các phương thức xét tuyển sớm như xét học bạ, điểm thi đánh giá năng lực”.
Ở Trường ĐH Tài chính - Marketing, với 4.600 chỉ tiêu, nhà trường dành 20% cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Ngày 5/7, trường công bố điểm chuẩn trúng tuyển với phương thức xét tuyển sớm. Còn Trường ĐH Công Thương TPHCM có 60% trong tổng số 6.300 (tương đương 3.780 chỉ tiêu) cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Năm nay, trường thêm 3 ngành mới trình độ đại học: Thương mại điện tử, Công nghệ tài chính, Khoa học dữ liệu. Tương tự, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM tuyển hơn 5.000 chỉ tiêu cũng dự kiến dành khoảng 50 - 60% cho phương thức này.
Ở khối ĐHQG TPHCM, tỷ trọng còn lại của phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT ở các trường thành viên thường không quá 60%. Chẳng hạn, Trường ĐH Bách khoa có 5.150 chỉ tiêu cho 35 ngành với 5 phương thức tuyển sinh. Trong đó, trừ 4 phương thức tuyển sinh sớm, trường dành 60 - 90% xét tuyển kết hợp nhiều tiêu chí: Kết quả thi đánh giá năng lực, kết quả thi tốt nghiệp THPT, điểm học THPT, năng lực khác (chứng chỉ, giải thưởng).
Hay Trường ĐH Kinh tế - Luật với 2.400 chỉ tiêu, chỉ dành cho phương thức xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT 40 - 60% tổng chỉ tiêu. Với 3.599 chỉ tiêu đối với 34 ngành đào tạo, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn dành 40 - 55% tổng chỉ tiêu xét tuyển dựa vào kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trước đó, các trường này lần lượt công bố điểm chuẩn trúng tuyển phương thức xét tuyển sớm như ưu tiên xét tuyển thẳng và xét tuyển theo quy định của ĐHQG TPHCM, điểm thi đánh giá năng lực.
Tại trường đại học khối Y Dược, chỉ tiêu dành cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp khá dồi dào. Chẳng hạn, Trường ĐH Y Dược TPHCM có 2.414 chỉ tiêu 4 phương thức xét tuyển: Xét tuyển dựa vào kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023; kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 kết hợp sơ tuyển chứng chỉ tiếng Anh quốc tế; xét tuyển thẳng theo Điều 8 Quy chế tuyển sinh đại học năm 2023; dự bị đại học.
Trong các phương thức xét tuyển sớm, việc kết hợp sơ tuyển chứng chỉ tiếng Anh chiếm tỷ trọng lớn nhất là 35%. Chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp được xác định sau khi trừ số thí sinh xét theo phương thức khác.
Tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, với 1.366 chỉ tiêu, trường dành phần lớn cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp tổ hợp B00 (Toán, Hóa, Sinh), một phần nhỏ dành cho xét tuyển thẳng. Còn Trường ĐH Y Dược Cần Thơ dành hơn 1.300/2.000 suất cho xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT.
Thí sinh được hướng dẫn nhập học tại Trường ĐH Công Thương TPHCM. Ảnh: HUIT |
Điểm chuẩn dự báo không tăng
TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM nhận định, chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển từ điểm thi THPT năm 2023 ở các trường còn rất lớn. Bởi năm nay, số lượng thí sinh đăng ký bằng phương thức xét tuyển sớm giảm đáng kể so với năm trước. Điều này buộc nhà trường phải điều chỉnh chỉ tiêu còn lại cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp. Chẳng hạn, Trường ĐH Công nghiệp, còn khoảng 5.000/8.500 chỉ tiêu dành cho phương thức này.
Cũng theo TS Nhân, mức độ phân hóa của đề thi tốt nghiệp THPT năm nay khá tốt, thí sinh khó đạt điểm cao. Ở các tổ hợp xét tuyển có môn Toán, Vật lý..., sẽ không nhiều thí sinh giành được 24 điểm (trung bình 8 điểm/môn). Từ những yếu tố này, TS Nhân dự báo điểm chuẩn phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ không tăng, thậm chí có thể giảm ở một số ngành.
ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Công Thương TPHCM lại cho rằng, xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ trở nên “khốc liệt” hơn so với năm trước do nhiều trường tập trung vào hình thức này.
Dự báo, mức điểm trúng tuyển phương thức này có thể thấp hơn năm trước 0,5 - 1 với trường thuộc nhóm trung bình. Tuy nhiên, đơn vị hàng đầu vẫn có điểm chuẩn cao như năm trước, dao động 24 - 28 điểm.
“Dự báo điểm chuẩn xét tuyển đại học năm 2023 cho thấy sự biến động trong từng môn thi và các vùng miền. Thí sinh nên cân nhắc và chuẩn bị kỹ lưỡng để đạt được mục tiêu của mình trong kỳ tuyển sinh sắp tới”, ThS Sơn chia sẻ thêm.
Nhiều trường đại học đã công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn xét tuyển) theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Tại Trường ĐH Công nghệ TPHCM (HUTECH), điểm sàn cho 59 ngành đào tạo dao động 16 - 19. Đây cũng là mốc điểm sàn của 34 ngành ở Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM (UEF). Trong khi đó, Học viện Hàng không Việt Nam lấy điểm sàn 16 - 20 với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT.