Rộn ràng không khí giỗ Tổ Hùng Vương trong trường học

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Các trường học trên địa bàn TPHCM đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm tri ân, tưởng nhớ sâu sắc các Vua Hùng.

Không khí Giỗ Tổ Hùng Vương tại Trường Mầm non 19 Tháng 5. Ảnh: NQ
Không khí Giỗ Tổ Hùng Vương tại Trường Mầm non 19 Tháng 5. Ảnh: NQ

Qua đó, giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước.

Nhiều hoạt động ý nghĩa

Từ ngày 15/4, nhiều trường tiểu học, THCS, THPT tại TPHCM long trọng tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương. Trong tiết sinh hoạt dưới cờ thứ Hai đầu tuần, tại Trường Tiểu học Lê Văn Việt (TP Thủ Đức), các lớp đã chuẩn bị lễ vật chu đáo gồm bánh chưng, bánh giầy, hoa quả để dâng lên bàn thờ Vua Hùng. Sau đó là nghi thức dâng hương của lãnh đạo nhà trường cùng giáo viên, học sinh. Thầy và trò nhà trường cùng ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng dân tộc, các Vua Hùng và biểu diễn ca khúc ca ngợi quê hương, đất nước...

Tương tự, thầy và trò Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quận 1) cũng tái hiện không khí hào hùng lịch sử dân tộc qua các tiết mục văn nghệ do học sinh biểu diễn gồm múa hát, nhảy hiện đại và diễn trống, kèn. Đại diện giáo viên, học sinh thực hiện nghi thức dâng hương lên bàn thờ tổ để tưởng nhớ công lao các Vua Hùng.

Em Lâm Ngọc Hà Vy - học sinh lớp 3/8 của trường đã giới thiệu quyển sách với nhan đề “117 chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” nhằm giúp học sinh nhớ đến công ơn vị lãnh tụ dân tộc, người từng nhắc nhở các thế hệ học sinh “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Tại Trường THPT Phước Long (TP Thủ Đức), nhà trường kết hợp nhiều hoạt động ý nghĩa tại lễ Giỗ Tổ Hùng Vương như tổ chức cho học sinh quyên góp gần 18 triệu đồng ủng hộ Quỹ “Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc - Vì người nghèo” năm 2024. Chương trình nhằm giáo dục học sinh tinh thần tương thân, tương ái, biết chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn.

Ở cấp mầm non, hoạt động hướng về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương mang nhiều màu sắc sôi nổi hơn với màn biểu diễn múa lân, múa rối nước, hoạt cảnh sân khấu hóa… Trẻ được trình diễn trang phục truyền thống, chơi trò chơi dân gian như làm các loại bánh, vẽ tranh…

Tại Trường Mầm non 19 Tháng 5 (Quận 12), các trò chơi dân gian, làm mâm ngũ quả, bánh chưng, bánh giầy… tạo được sự hào hứng cho trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, tại mỗi lớp, trẻ được nghe cô giáo giới thiệu về nguyên liệu, cách làm các loại bánh. Hoạt động đã rèn luyện cho trẻ khả năng ghi nhớ, quan sát, phát triển ngôn ngữ mạch lạc.

Cô Hiệu trưởng Phạm Ngọc Quyên chia sẻ: “Các hoạt động hướng về lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tổ chức với mục đích giới thiệu cho trẻ nét đẹp văn hóa dân tộc; qua trải nghiệm giúp các em rèn khả năng khéo léo đôi tay, óc thẩm mỹ, kỹ năng tư duy, ghi nhớ lôgic và hợp tác làm việc theo nhóm, tập thể…”.

Học sinh Trường THCS Lương Định Của dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng. Ảnh. MH

Học sinh Trường THCS Lương Định Của dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng. Ảnh. MH

Phát huy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”

Theo cô Nguyễn Thị Kim Hương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Thọ (Quận 11), hoạt động lễ Giỗ Tổ Hùng Vương là cách tiếp cận truyền thống, lịch sử thú vị. Đặc biệt, thông qua trải nghiệm, học sinh hiểu hơn về nguồn cội dân tộc, công lao các Vua Hùng. Từ đó, ý thức được trách nhiệm thế hệ trẻ phải học tập tốt, chung tay đóng góp công sức để phát triển đất nước.

Đồng quan điểm, cô Vũ Thị Minh Hiếu - Hiệu trưởng Trường THCS Lương Định Của (TP Thủ Đức), nơi vừa tổ chức hoạt động tri ân các Vua Hùng cho hay: “Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày lễ quan trọng của dân tộc, trở thành biểu tượng của giá trị văn hóa tinh thần độc đáo, sâu sắc. Qua đó thể hiện tinh thần đại đoàn kết, đạo lý truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn”, nhớ về tổ tông, nghĩa “đồng bào” để cùng nhau làm nên sức mạnh Việt Nam trong tiến trình dựng và giữ nước vẻ vang của dân tộc”.

Hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương là dịp giáo dục học sinh về truyền thống dân tộc, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đến các Vua Hùng đã có công dựng và giữ nước. Chia sẻ thông tin, cô Văn Ngọc Tường Vy - chủ nhiệm lớp 1/4, Trường Tiểu học Lê Văn Việt (TP Thủ Đức) đồng thời nhấn mạnh: “Qua những trải nghiệm, thầy cô mong muốn học sinh hiểu thêm lịch sử hào hùng dân tộc, truyền thống tổ tiên, khơi gợi tình yêu quê hương đất nước, xây dựng ý thức tự hào và tinh thần bảo vệ đất nước”.

Trải nghiệm lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, Lê Trung Nghĩa - học sinh lớp 11A1, Trường THPT Quang Trung (huyện Củ Chi) thấy tự hào về truyền thống tốt đẹp của ông cha. Tại hoạt động lễ Giỗ Tổ Hùng Vương do nhà trường tổ chức, hòa mình với không khí trang nghiêm buổi lễ, Nghĩa được tìm hiểu công lao dựng nước và giữ nước của các Vua Hùng. Từ đó em nhận thức rõ hơn truyền thống “uống nước nhớ nguồn” đã tồn tại hàng nghìn năm và trở thành đạo lý truyền thống dân tộc.

“Em được bổ sung nhiều kiến thức thú vị ngoài sách giáo khoa, giúp ích cho việc học tập. Em cũng vận dụng những kiến thức đó làm giàu thêm vốn sống, ý thức rõ hơn trách nhiệm bản thân với việc gìn giữ truyền thống dân tộc”, Trung Nghĩa chia sẻ.

ThS Giang Hữu Tâm - giảng viên Khoa Quan hệ quốc tế, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) cho hay: “Các trường học tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương đã thể hiện lòng thành kính tri ân đối với bậc tiền nhân, giúp học sinh hiểu nguồn cội, khắc ghi công ơn tổ tiên đã có công xây dựng đất nước từ buổi đầu sơ khai. Từ đó, thế hệ trẻ hiểu hơn về truyền thống dân tộc Việt Nam, khơi dậy lòng yêu quê hương, đất nước, góp phần nâng cao chất lượng các bài học về lịch sử và môn học xã hội”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.