Hình ảnh truyền về ESA do Philae chụp lại trên bề mặt sao chổi hôm 13/11. Một trong ba chân của nó có thể được nhìn thấy trong hình này. Ảnh: AFP |
"Philae hiện đã tái lập liên lạc ổn định - dữ liệu viễn trắc và khoa học đang truyền từ bề mặt của sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko", BBC dẫn thông báo của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) trên Twitter cuối ngày hôm qua.
Sau cú nảy lên khi hạ cánh, các nhà khoa học không xác định được vị trí chính xác của robot trên sao chổi. Tuy nhiên, theo những bức ảnh vừa gửi về thì nó đang ở dưới một vách đá.
Thông tin trên đã kết thúc sự chờ đợi căng thẳng của ESA những ngày qua, có lo ngại pin của Philae sắp cạn kiệt. Ánh sáng mặt trời hạn chế đã ảnh hưởng đến các tấm pin năng lượng mặt trời của nó.
Philae hạ cánh xuống sao chổi hôm 12/11 sau khi tách khỏi tàu vũ trụ Rosetta. Đây là lần đầu tiên ngành khoa học vũ trụ thế giới đạt được thành tựu này. Tuy nhiên, các kỹ sư cho rằng với vị trí hiện tại, Philae chỉ đủ năng lượng để duy trì hoạt động qua hôm nay.
Mối quan tâm lớn nhất hiện giờ là liệu Philae có lấy được mẫu vật từ bề mặt sao chổi bằng khoan của nó hay không. Nguồn năng lượng đang cạn dần đã khiến đội điều khiển phải triển khai khoan vào hôm qua.
Mô men xoắn của công cụ này có nguy cơ gây mất ổn định cho robot. Tuy nhiên, theo liên lạc mới nhất thì Philae dường không gặp phải sự cố nào lớn trong quá trình khoan và công cụ khoan đang truyền dữ liệu khoa học về trái đất.
Các kỹ sư đang nỗ lực cải thiện tình trạng năng lượng cho Philae bằng cách truyền lệnh để thay đổi cấu hình thân của nó. Thân chính của nó đang được nâng cao và xoay 35 độ để tối đa hóa khả năng tiếp nhận ánh sáng mặt trời cho các tấm pin.
Thậm chí nếu robot ngừng liên lạc vào cuối tuần này, các nhà nghiên cứu cho hay họ vẫn rất hài lòng với lượng dữ liệu đã thu thập được để tìm hiểu thêm về nguồn gốc của Hệ Mặt trời. Khoảng 80% mục tiêu cơ bản đã đạt được trước khi Philae thực hiện nhiệm vụ khoan bề mặt sao chổi.