Robot phát cơm, đưa thuốc cho bệnh nhân Covid-19

GD&TĐ - Ngoài vận chuyển cơm nước, thuốc men đến tận phòng bệnh, chuyển rác thải ra ngoài, robot còn có màn hình theo dõi để kết nối hình ảnh và giọng nói từ xa giữa các y bác sĩ và bệnh nhân Covid-19.

Sau quá trình triển khai robot hỗ trợ chống dịch Covid-19 tại tỉnh Bắc Giang, mới đây nhóm cán bộ, nghiên cứu phát triển robot của Học viện Kỹ thuật Quân sự đã triển khai robot vận chuyển y tế Vibot vào TP Hồ Chí Minh hỗ trợ công tác chống dịch Covid-19.

Trước đó, ngày 7/4, Bộ KH-CN cho biết sau 2 tuần nhóm nghiên cứu của Học viện Kỹ thuật quân sự (Bộ Quốc phòng) đã chế tạo thành công robot để thay thế, hỗ trợ nhân viên y tế trong phục vụ, chăm sóc bệnh nhân và người nghi nhiễm Covid-19.

Robot mang tên Vibot, phiên bản 1a (Vibot 1a), có thể tự động chuyển thức ăn, thuốc men, nhu yếu phẩm… vào các buồng bệnh; chuyển rác thải, đồ giặt... từ buồng bệnh ra ngoài và hỗ trợ giao tiếp từ xa giữa nhân viên y tế và bệnh nhân.

Vibot 1a cũng được thiết kế đa chức năng, linh hoạt đáp ứng nhu cầu của từng khu vực cách ly và được giám sát, điều khiển bởi trung tâm điều hành, có thể mở rộng phạm vi hoạt động hoặc bổ sung số lượng robot vào hệ thống khi cần thiết. Vibot 1a có thể làm việc liên tục 12 giờ và tự động tìm về trạm để sạc khi cạn nguồn.

Sau một thời gian cải tiến, robot thế hệ thứ hai (Vibot-2) ra đời và hoạt động trong nhiều môi trường. Từ tháng 5/2021, robot hỗ trợ các bác sĩ ở một số nơi như cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108...

Tháng 6/2021, hai chú robot đã vào tâm dịch Bắc Giang để hỗ trợ các bác sĩ tuyến đầu trong chăm sóc bệnh nhân Covid-19.

Robot Vibot-2.
Robot Vibot-2.

Hệ thống robot Vibot-2 gồm trung tâm giám sát, điều khiển và 5 robot được thiết kế theo triết lý một nền tảng - đa mục đích (One Platform - Multi Purpose) cho phép robot thay thế con người vận chuyển đồ ăn, thuốc men, nhu yếu phẩm,... từ ngoài khu vực cách ly vào trong khu vực cách ly, đến từng phòng để phục vụ người bệnh. Ở chiều ngược lại, robot vận chuyển rác thải, đồ dùng bẩn từ các buồng bệnh ra vị trí tập kết bên ngoài khu vực cách ly.

Ngoài chức năng vận chuyển, robot còn có đường truyền thông tin giao tiếp riêng với trung tâm giám sát, điều khiển. Với chức năng này, người bên ngoài khu vực cách ly (y, bác sĩ, người thân) có thể giao tiếp (thăm bệnh, tư vấn, động viên,…) từ xa với bệnh nhân bên trong khu vực cách ly bằng hình ảnh, âm thanh chất lượng cao.

Từ trung tâm có thể giám sát và điều khiển được cùng lúc nhiều robot như: Theo dõi trạng thái kỹ thuật, thiết lập chương trình đưa đồ ăn, thuốc, thu rác, điều khiển di chuyển từng robot. Chính vì thế, việc mở rộng phạm vi hoạt động của robot hoặc bổ sung số lượng robot để hoạt động theo nhóm có thể được thực hiện dễ dàng.

Robot Vibot đã được đưa vào sử dụng tại Bệnh viện Dã chiến số 7 do Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) phụ trách. Bệnh viện Dã chiến số 7 gồm 16 tầng, có thể tiếp nhận, điều trị 1.200 bệnh nhân mắc Covid-19.

Robot Vibot-2 giúp phát cơm, đưa thuốc cho bệnh nhân mắc Covid-19.

Robot Vibot-2 giúp phát cơm, đưa thuốc cho bệnh nhân mắc Covid-19.

Đại tá Trần Minh Vỹ, Trưởng Đại diện phía Nam Học viện Kỹ thuật Quân sự cho biết: “Tại tâm dịch Bắc Giang, robot Vibot-2 giúp vận chuyển đồ ăn, thuốc men, nhu yếu phẩm cho bệnh nhân Covid-19 cũng như giúp nhân viên y tế theo dõi và giao tiếp từ xa với bệnh nhân.

Sau khi đưa Vibot vào TP Hồ Chí Minh, tổ công tác của Học viện Kỹ thuật Quân sự đã thiết lập cơ sở hạ tầng để robot hoạt động và bắt đầu vận hành hệ thống robot hỗ trợ quá trình chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19”.

Theo Đại tá Trần Minh Vỹ, nhóm nghiên cứu đã thiết kế các giải pháp kỹ thuật đáp ứng nhiều phương án khác nhau, đảm bảo robot tự động và sẵn sàng phục vụ bệnh nhân Covid-19 trong khu vực điều trị.

Những chú robot sẽ hoạt động bền bỉ, hỗ trợ lực nhân viên y tế trong các bệnh viện dã chiến. Khi Vibot-2 vận hành, lượng công việc của các nhân viên tại khu vực chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19 cũng giảm đi rất nhiều.

Đặc biệt, nhờ chức năng thăm khám từ xa sẽ giúp các nhân viên y tế giảm thiểu thời gian tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân và giảm được nguy cơ lây nhiễm chéo.

Bình luận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ