Nhiều năm nay, tuyển sinh vào lớp 10 THPT được tổ chức theo một trong ba phương thức: Xét tuyển dựa trên kết quả rèn luyện, học tập của 4 năm học ở THCS; thi tuyển; kết hợp thi tuyển với xét tuyển.
Việc chọn cụ thể phương thức nào do sở GD&ĐT trình UBND cấp tỉnh quyết định. Lựa chọn môn thi, ra đề thi, hình thức thi, thời gian làm bài, hệ số điểm bài thi, điểm cộng thêm… đối với phương thức thi tuyển cũng do địa phương chủ động lựa chọn.
Là kỳ thi ở cấp địa phương, nhưng tuyển sinh vào lớp 10 duy trì sức “nóng” nhiều năm nay, bởi tính cạnh tranh, sự căng thẳng, áp lực ngày càng cao, đặc biệt ở các thành phố lớn. Vì bệnh thành tích, có hiện tượng giáo viên can thiệp vào nguyện vọng chính đáng của học sinh bằng cách vận động những em học lực yếu không thi vào lớp 10, dù Bộ GD&ĐT, sở GD&ĐT nhiều lần chấn chỉnh.
Công tác tổ chức thi, môn thi, hình thức thi, không đồng nhất nên khó đánh giá chất lượng dạy học THCS ở các địa phương. Một số môn không thi vào 10, học sinh chểnh mảng hơn trong học tập, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học không chỉ ở THCS mà cả THPT… Đó là một số hạn chế được đưa ra khi nhìn nhận về việc tuyển sinh THPT những năm qua.
Năm học 2024 - 2025, Chương trình GDPT 2018 được triển khai phủ kín ở các khối lớp và là năm đầu tiên việc tuyển sinh vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT thực hiện theo chương trình mới. Với tốt nghiệp THPT, phương án tổ chức thi đã rõ ràng. Tuyển sinh vào lớp 10, những dự kiến thay đổi được Bộ GD&ĐT thể hiện trong dự thảo Quy chế thi tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT đang lấy ý kiến rộng rãi.
Ba quan điểm, nguyên tắc cốt lõi được Bộ GD&ĐT quán triệt khi xây dựng dự thảo này là: Gọn nhẹ, không gây áp lực và tốn kém; thúc đẩy hoạt động giáo dục, đặc biệt là giáo dục toàn diện; bảo đảm mặt bằng chung để phục vụ công tác quản lý Nhà nước trong kiểm tra, thanh tra, đánh giá, đồng thời thực hiện tốt nguyên tắc phân cấp, phân quyền, rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các sở GD&ĐT, cơ sở giáo dục đại học có trường THCS, THPT.
Điểm mới nổi bật liên quan đến tuyển sinh vào THPT của dự thảo là quy định cụ thể hơn về môn thi, thời lượng thi, tổ chức ra đề, coi thi, chấm thi, phúc khảo bài thi… Môn thi, phương thức tuyển sinh phải gắn kết được quá trình kiểm tra, đánh giá thường xuyên với kiểm tra đánh giá cuối kỳ; giúp học sinh có đầy đủ phẩm chất, năng lực, phù hợp với xu thế đổi mới và Chương trình GDPT 2018.
Phương án của các địa phương được tự chủ như hiện nay nhưng phải theo quy định chung về những nội dung trên. Việc “chốt” số lượng thi 3 môn nhận được sự đồng tình cao. Tuy nhiên, quy định liên quan đến môn thi thứ 3, cách thức lựa chọn môn thi này còn có những ý kiến khác nhau.
Ngoài những điểm mới trên, khác biệt quan trọng nhất trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tới đây chính là về nội dung, yêu cầu cần đạt của các môn thi theo Chương trình GDPT 2018, thay vì theo Chương trình GDPT 2006. Tuy nhiên, về nguyên tắc học thế nào thì nội dung thi sẽ như vậy nên học sinh có thể yên tâm. Chỉ cần nắm chắc kiến thức, yêu cầu của Chương trình GDPT 2018, các em sẽ đáp ứng được yêu cầu của kỳ thi.
Dự kiến Thông tư Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT được hoàn thiện và ban hành trước 31/12/2024.