Các nhà khoa học tìm hiểu nọc độc chí mạng của loài rết đầu vàng trong nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Kỷ yếu của Viện hàn lâm Khoa học Quốc gia.
Nhiều loại nọc độc mới được phát hiện nhờ kỹ thuật cho phép phân tích lượng nọc rất nhỏ, theo Mandë Holford, nhà hóa học chuyên nghiên cứu nọc độc ốc sên ở Đại học Hunter và Trung tâm Cao học thuộc Đại học New York, Mỹ, người không tham gia nghiên cứu. Nhưng nhóm nghiên cứu không chỉ phát hiện nọc độc mà còn tìm ra cách điều trị.
Nọc độc của rết đầu vàng có thể biến loài này thành động vật ăn thịt có độc hiệu quả nhất, đồng tác giả nghiên cứu Shilong Yang ở Viện Động vật học Côn Minh, Trung Quốc, cho biết. Con rết có thể giết chết chuột bạch lớn gấp 15 lần nó trong 30 giây.
Rết đầu vàng phân bố ở Trung Quốc và Hawaii, cũng cắn người, đôi khi gây chết người. Do đó, nhóm nghiên cứu muốn tìm hiểu điều gì khiến nọc độc của chúng nguy hiểm như vậy. Họ xác định được một chất độc mới và đặt tên là Ssm Spooky Toxin. Theo Yang và cộng sự, chất độc này không giống với bất kỳ loại độc nào khác mà các nhà khoa học từng biết đến.
Tiếp theo, các nhà nghiên cứu phát hiện chất độc Ssm Spooky Toxin chặn một loạt cơ cấu thuộc tế bào gọi là kênh KCNQ, được sử dụng để truyền muối ra và vào tế bào.
Kết quả là mạch máu trong cơ thể mục tiêu của con rết co thắt, đôi khi mạnh tới mức gây tử vong. Ở những động vật nhỏ, rết đầu vàng có thể cắn vào đầu, chất độc trong não cũng có thể dẫn tới những cơn co giật.
Nhóm của Yang cho rằng một loại thuốc chữa động kinh mang tên retigabine mở thông các kênh KCNQ có thể giúp đối phó với nọc độc và kết quả thử nghiệm ban đầu rất hứa hẹn. Trong bước tiếp theo, họ muốn thử nghiệm thuốc ở những nạn nhân không may bị rết cắn.