Rèn trẻ cách chăm sóc bản thân

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Phụ huynh nên dạy con kỹ năng tự chăm sóc bản thân sớm nhất để trẻ có thể tự tin khi tiếp xúc với xã hội bên ngoài...

Trẻ tự chăm sóc bản thân sẽ tự chủ hơn trong cuộc sống. Ảnh minh họa
Trẻ tự chăm sóc bản thân sẽ tự chủ hơn trong cuộc sống. Ảnh minh họa

Qua đó, việc trang bị những kỹ năng này cũng giúp trẻ đủ kiến thức để chăm sóc bản thân, giúp con trẻ bớt bỡ ngỡ với môi trường mới.

Kỹ năng vệ sinh cá nhân tối thiểu

Theo chuyên gia, kỹ năng chăm sóc bản thân có lợi trong việc phát triển về tinh thần, thể chất và cả trí tuệ cho trẻ sau này. Trẻ sẽ được rèn luyện tinh thần trách nhiệm, tính tự giác với mọi hành động, lời nói của mình. Bên cạnh đó, trẻ còn bắt đầu tìm hiểu về bản thân, nhận biết được đâu là sở trường, sở đoản, sở thích để có những định hướng phát triển phù hợp nhất.

Việc dạy kỹ năng tự chăm sóc bản thân không chỉ giúp trẻ chăm sóc tốt cho mình, mà còn có khả năng chăm sóc, quan tâm tới mọi người xung quanh. Nhất là những người mà trẻ yêu thương nhất như ông bà, ba mẹ, anh chị em...

Cô Nguyễn Thị Hoa, giáo viên Trường Tiểu học Đồng Tâm (Hà Nội), cho biết, ở những độ tuổi khác nhau thì cần dạy cho trẻ kỹ năng chăm sóc bản thân khác nhau.

Ví dụ như trẻ mầm non cần biết giữ gìn vệ sinh cá nhân. Lớn hơn, trẻ cần biết về giới tính, chăm sóc các bộ phận trên cơ thể, ứng xử giao tiếp… Việc tự chăm sóc bản thân sẽ giúp trẻ hình thành kỹ năng làm chủ cuộc sống sau này.

Theo đó, kỹ năng cơ bản nhất mà trẻ nên được học từ khi còn nhỏ là việc giữ gìn vệ sinh cá nhân cũng như chăm sóc các bộ phận cơ thể. Đây là các kỹ năng cần thiết để trẻ bảo vệ bản thân, đẩy lùi nguy cơ mắc các bệnh tay chân miệng, viêm đường hô hấp…

Nhiều cha mẹ ý thức được việc dạy trẻ vệ sinh cá nhân sẽ giúp con tự bảo vệ sức khỏe của mình nhưng không biết bắt đầu dạy con từ đâu. Thực tế, cha mẹ có thể giáo dục con thông qua những hoạt động sinh hoạt hằng ngày, dạy con từ những điều đơn giản nhất và nâng cao kỹ năng dần dần.

Ở độ tuổi mầm non, trẻ cần hiểu được bàn tay là một trong những bộ phận của cơ thể tham gia vào nhiều hoạt động sinh hoạt trong đời sống hằng ngày, bao gồm cả việc ăn uống, vệ sinh, vui chơi, học tập… Do đó, việc giữ gìn vệ sinh bàn tay là rất cần thiết vì khi chúng bị bẩn sẽ làm gia tăng nguy cơ lây truyền virus, ký sinh trùng…

Chẳng hạn như trẻ đi vệ sinh xong nhưng không rửa tay sạch và tiếp tục ăn uống thì khả năng vi khuẩn sẽ bám vào thức ăn, xâm nhập vào cơ thể qua đường ăn uống và gây bệnh.

Do đó, cha mẹ nên dạy trẻ cần phải rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng trong những trường hợp sau khi đi vệ sinh. Bao gồm cả tiểu tiện và đại tiện vì môi trường bên trong nhà vệ sinh là nơi có khả năng trú ngụ của nhiều vi khuẩn, virus độc hại.

Đối với trẻ từ 2 tuổi, người lớn nên tập cho trẻ tự vệ sinh răng miệng bằng bàn chải của trẻ em. Việc vệ sinh này không chỉ giúp trẻ hình thành thói quen vệ sinh cá nhân, mà còn giúp trẻ loại bỏ những vi khuẩn bên trong miệng.

Thực tế, trẻ nhỏ thường uống sữa nhiều, thích ăn bánh kẹo ngọt… đó là những thực phẩm thường khiến trẻ dễ bị sâu răng nếu không được vệ sinh đúng cách mỗi ngày.

Để xây dựng kỹ năng bảo vệ sức khỏe răng miệng cho trẻ, trước tiên cha mẹ nên hướng dẫn trẻ những kỹ thuật sử dụng bàn chải và các bước đánh răng cơ bản. Ngoài ra, phụ huynh cũng cần lý giải cho con hiểu vì sao cần phải đánh răng, đồng thời chỉ ra những vấn đề có thể gây hại cho con.

Để bắt đầu kế hoạch dạy trẻ vệ sinh cá nhân, người lớn nên quan sát và đánh giá sự sẵn sàng trong tâm lý của trẻ. Việc bất ngờ bắt ép trẻ phải làm theo những gì người lớn yêu cầu có thể khiến trẻ bất hợp tác. Do đó, phụ huynh nên lưu ý về cách dạy trẻ vệ sinh cá nhân từ những gì đơn giản nhất.

Hình thành thói quen tốt

Cô Nguyễn Thị Hoa cho rằng, muốn học cách tự chủ, trẻ cũng cần được học các kỹ năng quản lý và vệ sinh đồ dùng cá nhân của bản thân. Điều này giúp trẻ hình thành thói quen gọn gàng, ngăn nắp, biết sử dụng đồ chơi, áo quần, bút, sách và vở… một cách hiệu quả và hợp lý. Người lớn cần dạy trẻ đặt để đồ chơi, áo quần, bút, sách vở đúng nơi quy định.

Trẻ muốn tự chủ trong cuộc sống thì cần sẵn sàng làm các công việc theo khả năng. Có một số việc nhẹ nhàng mà bé có thể tự thực hiện như tự ăn, dọn dẹp sau khi ăn nhẹ, tự cất đồ chơi sau khi chơi xong, tự vệ sinh cá nhân...

Cha mẹ không nên vì sợ bé làm mất thời gian hay không gọn gàng mà không rèn luyện những kỹ năng này. Khi trẻ tự mình rèn luyện được các kỹ năng chăm sóc bản thân thì sẽ có ích cho trẻ và cha mẹ cũng sẽ bớt mệt mỏi hơn rất nhiều.

Đặc biệt, trẻ nên học cách tự ăn ngay từ nhỏ. Điều này sẽ thúc đẩy tính tự lập và bản năng sinh tồn của trẻ. Sau khi được 1 tuổi, bé có thể ngồi vững và biết cầm nắm, người lớn nên tạo cơ hội để trẻ tự xúc thức ăn, cầm thức ăn để ăn, phân biệt được cái gì có thể ăn, không ăn được cái gì.

Cha mẹ nên ưu tiên trong việc giáo dục kỹ năng ứng xử, giao tiếp cho trẻ mầm non. Rèn luyện thói quen giao tiếp hiệu quả, lịch sự và thân thiện với mọi người xung quanh sẽ giúp trẻ phát triển ngôn ngữ cũng như biết cách phản xạ, ứng xử trong mọi tình huống.

Ngoài ra, cần chú trọng nuôi dạy trẻ biết cách cư xử lịch sự, nhã nhặn, giao tiếp hiệu quả. Đồng thời, cần làm gương cho trẻ cách cư xử lịch sự, phù hợp, giao tiếp hiệu quả từ chính những hành động của mình trong cuộc sống mỗi ngày.

“Cha mẹ nên là người hỗ trợ tích cực cho trẻ trong các lựa chọn và quyết định để bé có thể sẵn sàng “ứng phó” với những biến động và thay đổi trong tương lai. Phụ huynh nên phân tích cho trẻ biết khả năng có thể làm việc gì phù hợp và không phù hợp với lứa tuổi và không phụ thuộc quá nhiều vào người khác. Có như vậy, trẻ mới tự chủ và sẵn sàng đưa ra các quyết định đúng đắn sau này”, cô Nguyễn Thị Hoa nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.