Đôi khi câu chuyện kém lễ phép ấy bị rơi vào quên lãng vì cha mẹ cho là chuyện nhỏ không đáng lo lắm hoặc quên mất đi. Như vậy phụ huynh cần phải hành động ngay cho nóng chứ đừng để nguội.
Trẻ kém lễ phép cũng chưa hẳn là hư hỏng, khó trị mà đôi khi trẻ ngại ngùng. Đồng ý rằng việc chào hỏi người lớn tuổi, trẻ đã được học ở trường, ở nhà hoặc qua sách báo. Nhưng cũng có thể trẻ có quá ít cơ hội để thể hiện nên dần dần cái sự lịch thiệp ấy bị mai một, thui chột.
Có nhiều phụ huynh cho rằng: Hãy để trẻ tự giác hơn là bắt buộc.Ồ không, trong nhiều trường hợp ép buộc là điều không nên, nhưng trường hợp này thì khác.
Chẳng ai mới sinh ra đều thuộc làu làu các nguyên tắc sống, giá trị văn hóa, phong tục tập quán mà đòi hỏi phải học. Mà cái sự học phải là quá trình dài chứ không thể cưỡi ngựa xem hoa một hoặc hai lần.
Học càng lâu thì nhớ càng dai và không thể nào quên được. Sự lễ phép sẽ đi suốt hành trình một đời người nên việc học cung cách lễ phép như danh ngôn mà Lênin từng nói: “Học, học nữa, học mãi”.
Khi khách tới nhà chơi thấy con cứ ngồi đó nhưng vẫn tỉnh bơ không thèm chào hỏi thì cha mẹ phải lên tiếng, đại loại: “Đây là bác A., con mau đến chào bác đi nào”.
Cần phải khéo léo, nhẹ nhàng và gương mặt tươi vui để con không bị quê và khách cũng không phải khó xử. Có thể xen vào đó những câu chuyện phiếm, pha trò để con khỏi ngại ngùng trước người lạ. Mặt khác tập cho trẻ kỹ năng giao tiếp, hòa đồng với mọi người.
Sau một thời gian dài, một khi đã trở thành thói quen, trẻ sẽ tự giác trong sự ngoan ngoãn, lễ phép của mình. Chỉ cần thấy người lạ thôi, trẻ vội xởi lởi chào hỏi, mời khách ngồi, đi pha trà đãi khách thay ba mẹ.
Từ đó trẻ sẽ được khen ngợi mà cha mẹ cũng được tiếng thơm lây vì dạy dỗ con khéo. Với thái độ cung kính, khoanh tay hoặc gật đầu chào trước người khách lớn tuổi thì dù cho vị khách đó khó tính cỡ nào, phàn nàn cỡ nào cũng phải hài lòng.