Rèn cho trẻ kỹ năng tranh luận từ gia đình và trường học

GD&TĐ - Bản lĩnh và trách nhiệm là những đặc tính dễ thấy ở những cá nhân có tư duy phản biện và kỹ năng tranh biện tốt. Nhà trường hiện đại và cha mẹ học sinh đang quan tâm và đề cao việc rèn kỹ năng này cho trẻ.

Ảnh minh họa: INT
Ảnh minh họa: INT

Tạo cơ hội cho trẻ “xen vào chuyện người lớn”

Kỹ năng phản biện có mối quan hệ rất mật thiết với tư duy phê phán. Tranh biện không phải “cãi lý”, mà là sự tổng hợp các kỹ năng: Quan sát, diễn giải, phân tích, suy luận, đánh giá, giải thích và tri nhận tổng hợp trước một sự vật hiện tượng hay một vấn đề nào đó.

Các chuyên gia giáo dục nhận định: Những đứa trẻ có tư duy phản biện thường rất thông minh và nhanh nhạy trong giải quyết các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống. Bởi chúng luôn có quan điểm riêng được đúc rút từ những quan sát và phân tích kỹ lưỡng. Sở hữu kỹ năng này, trẻ luôn biết đặt câu hỏi, tự phân tích để giảm rủi ro trong các tình huống cuộc sống. Đồng thời, giúp trẻ dễ dàng thích nghi với những biến đổi không ngừng.

Theo nhà văn, nhà báo Lữ Mai: Lâu nay, sự tranh biện trong gia đình Việt Nam chưa được chú ý vì rất nhiều lý do, trong đó có những quan niệm cũ kỹ, khuôn mẫu gây cản trở.

Ví dụ: Bố mẹ nói gì, con cái phải nghe, không được tranh luận, bày tỏ quan điểm. Từ đó, dần dần tính tranh biện trong gia đình bị hạn chế. Chúng ta có thể nhận thấy rất nhiều sự áp đặt thể hiện qua lời nói hằng ngày: “Trẻ con không được xen vào chuyện người lớn”; “Việc của con là ăn, học”…

Nói về cách trang bị kỹ năng tranh biện cho trẻ từ môi trường gia đình, nhà văn – nhà báo Lữ Mai nêu quan điểm: Điều đầu tiên tạo thuận lợi cho trẻ phát triển kỹ năng tranh biện chính là sự đòi hỏi người lớn cần thay đổi tư duy, cần tình cảm, cởi mở và thực sự khoa học khi tiếp cận một vấn đề. Chúng ta cần chấp nhận để sự tranh biện diễn ra trong môi trường gia đình (có thể lưu ý về tính giới hạn) trước khi truyền đạt cho trẻ về kỹ năng.

Thứ hai, khi muốn trẻ có kỹ năng tốt thì các bậc phụ huynh cũng cần trang bị kiến thức cơ bản về tranh biện để trở thành người thầy, người đồng hành, thậm chí là người bạn đặc biệt của con mình.

Thứ ba, nên ứng dụng linh hoạt để sự tranh biện mang lại những giá trị tích cực.

Để làm được những điều này, ngoài kỹ năng cơ bản có thể học qua sách vở cần sự nhạy bén, tinh tế của mỗi bậc làm cha mẹ từ việc đưa ra chủ đề, cách khuyến khích, gợi mở cho con cái, cho tới sự linh hoạt tùy theo độ tuổi, nhận thức, tính cách của con.

Ví dụ: Khi đề cập tới quyền trẻ em, cùng là một khái niệm chung, song các tổ chức và giới hạn tranh biện đối với lứa tuổi nhi đồng sẽ khác với lứa tuổi thiếu niên, và khác với vị thành niên...

Trong tranh biện, ngoài nội dung, các kỹ năng khác như sử dụng ngôn ngữ hình thể, biểu cảm, âm điệu... cũng cần được lưu ý và có sự định hướng tốt. Đối với mỗi nội dung, trẻ cần được hướng dẫn về sự kết hợp các loại hình ngôn ngữ để tạo nên sự sinh động, hiệu quả mà vẫn lịch sự, đáng yêu. Cùng đó, môi trường giao lưu học hỏi, khích lệ sáng tạo do gia đình kết nối với bên ngoài cũng là yếu tố không kém phần quan trọng, bồi dưỡng kỹ năng tranh biện cho trẻ.

Ảnh minh họa: INT.

Ảnh minh họa: INT.

Học đường – môi trường tranh biện lý tưởng

Nhà trường với đặc thù là môi trường có quy mô lớn hơn gia đình, quy tụ nhiều trẻ em độ tuổi bằng nhau sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho lĩnh vực tranh biện. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, không ít các nhà trường chưa tạo được môi trường để trẻ phát huy sự tranh biện.

Theo quan điểm của nhà văn - nhà báo Lữ Mai: Ở các tiết học, lớp học, thầy cô chính là đối tượng quan trọng nhất để nhen lên ngọn lửa ấy. Đầu tiên, thầy cô cần có nhu cầu muốn cho học sinh được tranh biện và sẵn sàng đồng hành cùng các em. Việc tiếp nhận và truyền đạt kiến thức đó ở thầy cô giáo khi họ thực sự muốn làm điều đó sẽ còn thuận lợi hơn cả môi trường gia đình.

Tiếp đó, nên đẩy mạnh các hoạt động mang tính sáng tạo, gắn kết, như tổ chức các cuộc thi tranh biện theo nhiều cấp: Nhóm, tổ, lớp, khối, trường... về những vấn đề thực sự đang được học sinh quan tâm.

Còn theo cô Hà Ánh Phượng – giáo viên Trường THPT Hương Cần, Thanh Sơn, Phú Thọ: Kỹ năng tranh biện của học sinh là năng lực cần thiết của học sinh thế kỉ 21. Bên cạnh đẩy mạnh các hoạt động ngoại khóa, nhà trường nên tích hợp, lồng ghép các nội dung rèn kỹ năng tranh biện cho học sinh trong các môn học phù hợp. Bằng cách đưa ra các chủ đề gây nhiều tranh cãi để học sinh thoải mái đưa ra quan điểm cá nhân.

Cô Phượng cho rằng: Từ khi trẻ lên 3, nên bắt đầu những bài học đầu tiên về kỹ năng tranh biện, có tính kết nối giữa nhà trường với gia đình. Những bài học từ những điều đơn giản trong cuộc sống: Động vật, côn trùng, phương tiện giao thông, thực vật, nơi chốn… hình thành kỹ năng rất nhỏ: Phân biệt sự vật hiện tượng; ứng dụng, kể chuyện, tưởng tượng…

Văn hóa truyền thống Việt Nam “tôn sư trọng đạo” việc bày tỏ quan điểm với người khác đặc biệt là người lớn tuổi hơn, thầy cô, cha mẹ… vẫn còn dè dặt. Một bộ phận giáo viên vẫn chưa tạo được môi trường cho học sinh tự tin đưa ra quan điểm của mình. Nhiều học sinh ngại nêu ý kiến vì sợ bị chê cười, bị đánh giá. Chương trình giáo dục phổ thông mới đề cao tư duy phê phán, phản biện, sẽ tạo cơ hội tốt cho học sinh rèn kỹ năng tranh biện.

“Một đứa trẻ chỉ biết dạ/vâng, im lặng trước sự tranh luận, cãi vã của người lớn, một ngày nào đó hoàn toàn có thể trả lời: Sao cũng được và hoàn toàn có thể làm ngơ trước nỗi đau hoặc hạnh phúc của người thân hoặc ai đó bên ngoài xã hội. Đã có những cha mẹ ước ao con mình hãy lên tiếng, bày tỏ một điều gì đó về vấn đề chung đang phải đối diện, nhưng điều nhận được chỉ là sự vô cảm, thờ ơ, chán chường... bởi cả quãng thời gian dài trước đó, sự tranh biện ở những đứa trẻ ấy đã bị vùi lấp, che khuất, đè nén” - Nhà văn, nhà báo Lữ Mai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.