Dạy con tư duy phản biện

Một đứa trẻ độc lập, có khả năng tự phân tích vấn đề để đưa ra quyết định đang là niềm ao ước của nhiều bố mẹ.

Dạy con tư duy phản biện
Day con tu duy phan bien - Anh 1

Đừng bắt con "ngoan", hãy dạy con là đứa trẻ độc lập, có chính kiến. Ảnh minh họa internet.

Muốn như thế, ngay từ nhỏ, cha mẹ hãy dạy con tư duy phản biện. Tư duy phản biện thường được hiểu là nhìn nhận vấn đề từ hai phía, sẵn sàng tiếp nhận những bằng chứng mới về quan điểm trái chiều với mình, phân tích kĩ lưỡng nguyên nhân và ra quyết định dựa trên bằng chứng… Các chuyên gia đều đồng ý rằng, việc rèn luyện tư duy phản biện cần bắt đầu từ rất sớm và cần rèn luyện thường xuyên.

Vậy thì, làm thế nào để bạn có thể rèn luyện tư duy phản biện cho những em bé từ 0 đến 6 tuổi? Đầu tiên, bạn cần chấp nhận rằng cho dù bạn là mẹ của trẻ thì bạn cũng có thể sai, thậm chí sai trong cách nuôi dạy con và con bạn có thể chỉ ra lỗi sai của bạn. Nếu con bạn nói đúng, bạn cần chấp nhận và sửa đổi. Khi bạn đã lên dây cót tinh thần như trên, bạn có thể áp dụng những cách sau để tăng khả năng phản biện cho bé:

Luôn đưa ra lí do giải thích rõ ràng, khoa học cho những việc bạn yêu cầu bé làm: “Mẹ không muốn con ăn nhiều bim bim vì ăn nhiều bim bim sẽ dễ béo phì” hoặc “Con nên đi dép vào nếu không con có thể dẫm phải gai hoặc đá nhọn, sẽ làm con đau và chảy máu đấy”. Thi thoảng, hãy hỏi lại con: “Tại sao mình không nên ăn nhiều bim bim con nhỉ?” hay “Tại sao nên đi dép khi đi ra đường con nhỉ?”. Hãy để bé hiểu nguyên nhân thực sự của vấn đề, chứ không phải chỉ làm bởi vì “mẹ bảo thế” “thế là tốt cho con”.

Dạy con biết cãi: Khi bạn muốn yêu cầu con làm một điều gì đó, bạn có thể nói: “Mẹ muốn con ngừng xem tivi nhưng con có thể đưa ra ba lí do để xem tiếp. Nếu hợp lý, mẹ có thể cho con xem thêm 5 phút/10 phút”. Bé có thể đưa ra các lí do như con xem để đỡ làm phiền mẹ, con xem để biết thêm nhiều điều, con xem cho vui… Hãy chấp nhận lí lẽ và góc nhìn của bé, khuyến khích khi bé đưa ra lí do hợp lý, đó là khi bé đã biết các tìm ra nguyên nhân của vấn đề.

Đừng ngay lập tức trả lời các câu hỏi của con, hãy giúp bé tư duy phản biện bằng cách đặt câu hỏi ngược lại. Những em bé lên 3 thường đặt ra hàng trăm câu hỏi mỗi ngày. Trong cuốn “Nói sao cho trẻ chịu nghe và nghe sao cho trẻ chịu nói”, các tác giả cho rằng, khi trẻ đưa ra câu hỏi, bản thân chúng đã có sẵn câu trả lời cho vấn đề đó, cho dù đôi khi câu trả lời chỉ là một sản phẩm của trí tưởng tượng. Nếu bé hỏi tại sao trời lại mưa, bạn có thể hỏi lại: “Câu hỏi này hay quá. Theo con thì tại sao?”. Khi con hỏi đây là cái gì, bạn có thể hỏi lại: “Con nghĩ đây là cái gì. Nó có giống cái gì con từng nhìn thấy, mơ thấy không?”. Điều quan trọng là, khi bé trả lời, bạn cần tôn trọng câu trả lời của bé cho dù bạn thấy câu trả lời đó không đúng/không thuyết phục. Bạn có thể nói: “Thú vị quá. Con có thể cho mẹ biết tại sao con nghĩ thế không?”, “Mẹ rất thích nghe những suy nghĩ của con về vấn đề này”.

Day con tu duy phan bien - Anh 2

Cha mẹ cần nhớ, dạy con phản biện một cách văn minh, chứ không phải cãi cùn, chỉ trích người khác. Ảnh minh họa internet.

Hướng dẫn, hỗ trợ con tìm thông tin thay vì giải quyết vấn đềhộ con ngay lập tức.

Kiến thức mênh mông, hãy hướng dẫn con bạn cách tìm được thông tin con muốn biết bằng cách tìm những nguồn khác như sách vở, người thân: “Vấn đề này liên quan đến vật lý, có lẽ ông ngoại sẽ biết, con thử gọi điện hỏi ông xem” hay “Mẹ nhớ nhà mình có một cuốn sách về sinh vật, để mẹ xem nó có thông tin gì về việc ong làm ra mật thế nào không?”.

Giúp trẻ phát triển khả năng suy luận và dự đoán bằng cách đưa ra các câu hỏi như: “Nếu mẹ cho quả bóng này vào cốc, chuyện gì sẽ xảy ra nhỉ?”, “Con thử nghĩ xem chuyện gì sẽ xảy ra nếu dùng cái búa này đập vào đây?”.

Khuyến khích con nghĩ theo những cách mới mẻ và khác lạ để phát triển kĩ năng giải quyết vấn đề. Khi bạn và con có vấn đề, hãy cùng ngồi lại với nhau để nghĩ ra những giải pháp giải quyết nó. Ví dụ nếu con bạn thường xuyên nổi cáu và giành đồ chơi với em, đánh em, bạn có thể cùng con thảo luận và khuyến khích con đưa ra các giải pháp để giải quyết như “mỗi anh em chơi một phòng” ,“gọi mẹ trợ giúp khi bực tức với em”... Hãy viết ra tất cả những giải pháp bạn và con cùng nghĩ ra và sau đó thảo luận về các giải pháp đó để chọn ra những giải pháp thích hợp. Khi con bạn phản đối lại một giải pháp mà bạn đưa ra, đó chính là tư duy phản biện.

Trong quá trình dạy con phản biện, điều quan trọng nhất mà bố mẹ cần ghi nhớ là dạy con phản biện một cách văn minh bằng cách sử dụng tông giọng và ngôn ngữ phù hợp, tranh luận dựa trên các lí lẽ chứ không phải cãi cùn, có thể chỉ trích quan điểm nhưng không chỉ trích con người. Khi bắt đầu đưa ra quan điểm của mình, bạn hãy luôn bắt đầu với từ “mẹ nghĩ là”, “theo mẹ biết thì” hoặc “hình như là” để quan điểm của bạn là một phần của quá trình tranh luận, chứ không phải là kết luận cho vấn đề đó. Điều này sẽ khuyến khích bé đưa ra quan điểm của mình. Khi mẹ đã tạo được thói quen hiểu và suy luận nguyên nhân - kết quả, đặt câu hỏi và tìm thông tin, dự đoán vấn đề và giải quyết vấn đề, bạn đã tạo những nền tảng đầu tiên về phản biện cho con mình để có thể trở thành một em bé độc lập và hạnh phúc.

Theo PNVN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ